"Âm vang một vùng biển"

09:12, 15/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đó là tập tư liệu của nghệ nhân ưu tú Vũ Huy Bình, ở xã Bình Thạnh (Bình Sơn), người đã dành nhiều thời gian để sưu tầm những giá trị văn hóa của vùng biển thông qua hát múa bả trạo, lễ cầu ngư, bài chòi...
[links()]
Góp nhặt, bảo tồn văn hóa biển
 
Tập “Âm vang một vùng biển” của nghệ nhân Vũ Huy Bình tuy là tập tư liệu sưu tầm cá nhân, nhưng có thể khái quát được nhiều nét văn hóa dân gian đậm đà bản sắc của một vùng quê ven biển. Tập tư liệu đã tái hiện lễ hội cầu ngư - giỗ thần Nam Hải, chèo hát bả trạo, múa gươm, hội đua thuyền truyền thống trên sông Trà Bồng, hội bài chòi, cùng với các trò chơi dân gian như thi đan lưới, rót nước mắm vào chai, thi cắn phôi nạp chì, kéo co... thường diễn ra trong các lễ hội của làng, nhất là dịp tháng Giêng hằng năm. 
Ông Vũ Huy Bình sưu tầm những vật dụng hát, múa bả trạo, bài chòi để biểu diễn trong dịpTết, lễ.  ẢNH: M.HẠ
Ông Vũ Huy Bình sưu tầm những vật dụng hát, múa bả trạo, bài chòi để biểu diễn trong dịpTết, lễ. ẢNH: M.HẠ
Thông qua các điệu hò bả trạo, hò chèo thuyền, hát nam khách mà những câu hát của ngư dân làng biển không bị mai một: “Biển Đông chung đúc, nước Việt anh linh, thần có mầu nhiệm, thánh đức thanh lương...”, hay khi vào bến tổng hậu hò: “Mái chèo khi nhặt, khi lơi. Miễn sao vào lộng ra khơi vững vàng”...
 
Từ việc sưu tầm các giá trị văn hóa làng biển, ông Vũ Huy Bình còn cất công dàn dựng, biểu diễn trong các lễ hội. Bây giờ, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân làng chài khu đông Bình Sơn tham gia đông đúc. Qua đó đã kết nối được tình đoàn kết nơi cộng đồng, tạo nên những âm vang văn hóa trong lòng ngư dân.
Nhiều bậc cao niên trong làng cho rằng: Nếu tiếng sóng xô bờ, tiếng lao xao của làng chài được mùa xen lẫn trong các làn điệu chèo, bả trạo, múa gươm, hội đua thuyền...trong các ngày lễ cầu ngư, ra khơi tạo nên “Âm vang một vùng biển” thì ông Vũ Huy Bình góp phần cho âm vang này mãi tường tồn và vang vọng thêm xa.
Đau đáu văn hóa biển quê hương
 
Ông Bình nay đã 70 tuổi, nhưng có 50 năm dành trọn cho phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Ở làng quê, theo thời gian, những điệu hò bả trạo, hát múa gươm trong các ngày lễ cầu ngư, lễ hoàn nguyện lần lượt bị mai một. Ông Bình đau đáu một niềm riêng, muốn được sống trong bầu không khí của tuổi thơ đầy ngọt ngào của ca từ mỗi khi thuyền ra khơi, về lộng, mỗi khi lễ hội, Tết đến. Rồi có lần như “cơ duyên” đoàn làm phim của Đài Truyền hình Đà Nẵng, do nghệ sĩ ưu tú Đoàn Huy Giao về làm phim ở vùng cửa biển Sa Cần, ông Bình về quê tham gia giúp đoàn làm phim và qua các cụ Phạm Đồng, Võ Văn Thinh, Dương Xuyên, Nguyễn Thị Đắng, ông hiểu thêm về văn hóa biển. 
 
Sau khi về lại quê nhà, ông sưu tầm, phục dựng tất cả các lời ca điệu múa, bả trạo, bài chòi... và chép thành cuốn tư liệu. Cũng nhờ cuốn tư liệu của ông Bình mà thế hệ cháu con ở làng như ông Nguyễn Tấn Lâm, Nguyễn Ngọc Cầm, Xuân Kỳ, Lư Văn Bình, Trần Thị Hường, Lê Thị Nguyệt... hiểu rõ hơn về nét văn hóa, về các làng điệu của cha ông ngày trước. Đến ngày Tết những làn điệu bài chòi, bả trạo lại vang lên trong vạn chài là ông Bình thấy vui vì mình đã có công đóng góp giữ gìn nét văn hóa của làng biển quê hương.
 
TRẦN ÁNH NGUYỆT
 
 
 
 

.