Những vết xước có màu trong suốt

04:10, 14/10/2020
.
Truyện ngắn: ĐÔNG YÊN
 
(Báo Quảng Ngãi)- Mẹ của Miên là con đầu lòng, lại hơn cậu Út của Miên những 20 tuổi, nên Miên và cậu Út dù là cậu cháu, nhưng lại học chung lớp với nhau. Trong mắt của Miên và bạn bè, cậu Út của Miên có tính cách khá “kỳ cục” - luôn nghiêm túc và trung thực một cách “thái quá”.
 
Có lần cậu Út và Miên trót đi học trễ vì ngủ quên. Nếu là người khác, người ta có hàng trăm lý do viện ra để nghe cho êm tai như xe hư dọc đường, gia đình có chuyện đột xuất... Vậy mà, cậu Út của Miên cứ thế trình bày lý do một cách thật thà như đếm với cô giáo chủ nhiệm... 
 
 
Đôi lần, thầy hiệu phó đảm nhận dạy bộ môn Lịch sử, vì bận công việc đột xuất nên cho học sinh tự ôn bài tại lớp. Nghe thầy nói vậy, cả lớp dù đồng thanh dạ thật to, nhưng có mấy ai làm theo lời thầy đâu! Người thì lôi sách Toán ra học, người thì hí hoáy lấy giấy bút chơi cờ ca rô. Chỉ có cậu Út của Miên nghiêm túc lần giở sách Lịch sử ra đọc. Chốc chốc, bạn cùng bàn với Miên nhìn sang, thấy cậu hí hoáy ghi chép, soạn bài vào vở, lại khều Miên rồi phì cười bảo: “Cậu của Miên nghiêm túc như ông già”.
 
Suốt những năm học cấp 3, bạn bè chung lớp, chẳng ai gọi cậu của Miên bằng tên thiệt. Họ bỡn cợt đặt cho cậu Út biệt danh là“ông già”. Thoạt đầu, nghe bạn bè xì xầm, Miên đều bực dọc kể lại cho cậu nghe. Nhưng nghe xong, cậu Út chẳng nói gì, chỉ gọn lỏn khuyên Miên: “Kệ người ta nói”. Miên học theo cậu Út, dần dà thôi không còn bận tâm lời bạn bè nói về người cậu và về mình.
 
***
 
Tốt nghiệp ngành kỹ sư xây dựng với tấm bằng loại ưu, cậu Út của Miên chẳng gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Sau đôi tháng thử việc, cậu được nhận vào làm chính thức tại một tập đoàn xây dựng lớn nhất, nhì thành phố. Lương của cậu Út cao chót vót, gấp bốn, gấp năm lần lương Miên. Đấy là chưa kể những khoản thưởng thêm vào cuối tháng, cuối quý. Thu nhập rủng rỉnh, nhưng cậu Út chẳng sắm sửa gì nhiều cho bản thân. Bao nhiêu tiền làm được, Út gửi hết về cho ông bà ngoại.
 
Từ ngày cậu Út đi làm, cuộc sống của ông bà ngoại Miên trở nên thoải mái hơn ngày xưa. Bà ngoại Miên thôi không còn phải trồng rau rồi lò dò đạp xe mang ra chợ bán. Ông ngoại Miên cũng không còn phải chân lấm tay bùn quẩn quanh bên mấy sào ruộng đến ướt đẫm mồ hôi. Cái chái bếp cũ mềm, dột trước dột sau nhờ có cậu Út mà được “hoàn thành sứ mệnh”. Cậu Út đập đi cái nhà bếp cũ rồi xây lại khang trang. Cậu Út làm thêm tường rào cổng ngõ. Không chỉ lo “tút tát” lại cho ngôi nhà, cậu Út còn cho người đào ao trong vườn rồi trồng hoa sen và thả cá... để ông bà vui thú điền viên. Dăm ba tháng, cậu lại gửi tiền về cậy nhờ mẹ của Miên ở quê, dẫn ông bà ngoại đi tham quan đây đó... Cậu Út tâm lý và hiếu thảo hết mực, nên mỗi lần nhắc tới cậu, cả nhà Miên ai nấy đều mãn nguyện và hạnh phúc lắm.
 
Có một công việc với thu nhập trong mơ mà nhiều người mong ước, ấy vậy mà đùng một cái, cậu Út nghỉ việc trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người trong gia đình.
 
Miên vội vàng hẹn cậu đến quán cà phê quen thuộc mà hai cậu cháu vẫn thường hàn huyên. Khác hẳn với hình ảnh cậu Út lạc quan, vẫn thường vững chãi che chở, tháo gỡ những suy nghĩ yếu đuối cho Miên như ngày nào, gương mặt cậu Út của hôm nay tối sầm lại. Ly cà phê đã cạn từ lâu, không khí im lặng của cuộc gặp gỡ mới được thay thế bằng những lời tâm sự chậm rãi của cậu Út:
 
- “Út nghỉ việc vì công ty yêu cầu Út tính toán, cắt xén bớt vật liệu của công trình. Út không làm được, nên Út xin nghỉ”.
 
Miên “à” lên một tiếng rồi im lặng. Trong lòng Miên ngổn ngang, rối bời với bao suy nghĩ. Miên biết quyết định của cậu Út là đúng. Nhưng bất giác, Miên nghĩ tới ông bà ngoại, nghĩ về những năm tháng Miên và cậu Út cùng lội nước lụt cao đến thắt lưng để đến trường, nghĩ đến những bữa ăn chỉ có cơm trắng chan với xì dầu của cậu Út thời sinh viên... Vậy mà, giờ cậu Út buông bỏ hết. Miên chợt cảm thấy không cam tâm.
 
- “Bao nhiêu người, bao nhiêu công trình vẫn cắt xén, nhưng có ai biết đâu hở Út. Người ta nhìn bên ngoài, sao biết được là cái trụ đó, cái cầu đó thiếu 1, 2 thanh sắt đâu...?”.
 
Miên chưa kịp nói hết câu, đã bị cậu Út cắt ngang bằng giọng điệu giận dữ:
 
- Họ không thấy, nhưng cậu thấy. Họ không biết, nhưng cậu biết.
 
***
 
Cậu Út rời thành phố, giã từ luôn nghề xây dựng và về quê làm nông. Cậu Út làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Nghĩa là để rau, củ, quả lớn lên một cách tự nhiên, không tác động các loại phân, thuốc bảo vệ thực vật lên đó. Để theo đuổi hành trình "khác người" đó, cậu của Miên đã gói ghém toàn bộ tiền bạc tích cóp và vay mượn người thân để mua hẳn một ngọn đồi rồi sống và làm việc biệt lập luôn ở đấy.
 
Cậu cần mẫn, lặng lẽ xây dựng ước mơ của mình, lặng lẽ bắt đầu lại mọi thứ ở tuổi 35. Cậu cần mẫn làm nước ớt, tỏi xay để diệt sâu bọ cho rau xanh; chậm rãi nuôi những con heo, con gà hoàn toàn bằng cám gạo, thân chuối chát, rau lang hệt như bà ngoại ngày xưa. Những đồ ăn lành, sạch của cậu Út dẫu không đẹp mắt bằng thị trường, nhưng dần dà, được mọi người tín nhiệm và săn đón. Rau củ quả chưa kịp lớn, đã có khách đặt cọc sẵn. Lứa heo vừa đẻ, đã có các cửa hàng thực phẩm sạch đến làm hợp đồng trước... Tiếng lành đồn xa, nhiều trường học mầm non ở quê Miên và vùng lân cận cũng tìm đến trang trại sạch của cậu Út để tham quan và đặt hàng.
 
Đơn hàng mỗi ngày một nhiều, nhưng thực phẩm hữu cơ thì lớn chậm. Ông bà ngoại sốt ruột, mẹ và Miên cũng sốt ruột. Nhưng cậu Út thì không. Cậu bắt đầu gạt bớt, không nhận thêm đơn hàng. Có những đơn hàng, dù đã ký hợp đồng, nhưng cậu Út chấp nhận đền bù hợp đồng khi lứa rau hữu cơ không đạt chất lượng như cam kết. Xót cho công sức của con, ngoại Miên thi thoảng càm ràm:
 
- “Sao con dại thế. Nước trong quá thì chết cá. Con cứ bón vào đấy một tí phân hóa học cho rau lớn nhanh một chút, thì có ai biết đâu?”.
 
Mỗi lần như vậy, cậu Út lại trả lời ngoại bằng chính câu nói mà Út đã nói với Miên:
 
-  “Họ không biết, nhưng con biết!”. 
 
Bà ngoại hiểu tính khí của cậu, nên dần dà, chẳng còn khuyên can gì nữa. Còn cậu Út, cứ thà làm “người dại”, kiên định với con đường làm ăn chân thật của riêng mình. Quần quật quanh năm suốt tháng trên đồi, cậu Út đen sạm và gầy rộp đi. Nhưng bù lại, lần nào gọi điện về hỏi han, Miên luôn được nghe giọng nói tràn đầy sức sống của cậu. Nhìn ngọn đồi xanh mướt, nhìn nụ cười vui tươi của cậu Út, Miên an tâm nghĩ: “Thôi thì tuy không kiếm được nhiều tiền, nhưng cậu Út thấy thoải mái với công việc mà mình đang làm là được”.
 
Thế rồi bẵng đi một thời gian, Miên nhận được điện thoại báo tin vui từ quê nhà. Ngoại Miên kể rằng, cậu Út của Miên vừa được một đại gia đề nghị hợp tác để mở rộng quy mô sản xuất. Họ sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí thuê thêm đất đai và trang thiết bị. Còn cậu Út, chỉ cần đứng ra quản lý, vận hành trang trại theo đúng hướng hữu cơ và sẽ được chia đôi lợi nhuận.
 
Miên không tin được vào tai mình, liền hỏi đi hỏi lại bà ngoại: “Làm sao Út có được thương vụ tốt như thế được ngoại? Khi mà Út cứ quần quật mãi trên đồi?”.
 
Ngoại nghe xong liền cười hà hà nói với Miên: “Bất ngờ lắm đúng không con? Chuyện tốt bắt đầu chỉ từ cái lắc đầu của thằng Út. Lúc đầu, người ta giả vờ đề nghị hợp tác theo cách mượn danh trang trại hữu cơ của nó để bán thực phẩm không hữu cơ ra thị trường. Nó từ chối cái rụp. Vừa nghe nó từ chối xong, người ta cười mãn nguyện bảo đấy chỉ là phép thử để họ chọn lựa ra người thực sự có tâm”.
 
***
 
Mọi người vẫn thường bảo cậu Út của Miên "dại", nhưng cậu Út chẳng mấy bận tâm. Bởi cậu Út bảo, trong mắt cậu, những sai sót, những cẩu thả trong công việc cũng giống như vết xước có màu... trong suốt. Dù người khác có thể không nhìn thấy hoặc bỏ qua. Nhưng cậu Út thấy.
 
Cậu Út không muốn lòng mình có điều gì lấn cấn. Cậu Út càng không muốn phớt lờ đi những vết xước ấy. Bởi cậu Út sợ nhiều vết xước gộp lại sẽ tạo thành những đường nứt thật sâu, thật sâu. Những vết nứt ấy làm biến đổi đi con người mình lúc ban đầu.
 
Miên thầm cảm ơn cậu Út, vì đã kiên định với việc không bao giờ “thỏa hiệp” với những vết xước đến tận cùng. Để đến ngày hôm nay, Miên được chính thức vỡ lẽ: Ừ thì Miên, cũng sẽ cố gắng sống “dại” như cậu Út đã từng. Ừ thì Miên, cũng sẽ tự thấy, tự biết về những vết xước và sửa chữa nó. Dù cho nó có màu... trong suốt. Chẳng có ai nhìn thấy nó, ngoài Miên!./.
 

.