Lầm lỗi

11:04, 29/04/2019
.
*Truyện ngắn của MINH TUỆ

(Báo Quảng Ngãi)- Chuyện tình sinh viên đôi khi là những màn kịch bi hài. Hồi bấy giờ, nhà trường lệnh sinh viên phải ở ký túc xá trong khuôn viên trường, cho dù ai đó có nhà không xa trường. Mỗi căn phòng có bốn người ở trên hai giường tầng. Mỗi sinh viên được Nhà nước cấp mười lăm ký lương thực mỗi tháng, có học bổng để tiêu vặt, có tiêu chuẩn đường sữa hằng tháng. Nhưng lương thực gồm cả gạo và mì, mà củ mì mệnh danh là "bánh xe lịch sử" trong nồi cơm nhà ăn tập thể át đi những hạt cơm nhỏ nhoi. Đám nam thanh nữ tú đang sức ăn sức lớn mà cảm giác thường xuyên thiếu đói.

Trong màn kịch bi hài, sinh viên vừa đóng vai diễn, vừa làm khán giả. Này, biết chưa, tối qua, giám thị nhà trường là ông Khang "Gia-ve" cầm gậy đi tuần ban đêm, bỗng nghe tiếng ngọ nguậy thì thầm trên mái văn phòng trường, giữa bốn bề vắng ngắt. Ông Khang tưởng kẻ trộm, cố nén cơn ho, lẳng lặng leo cây lên xem, bỗng thấy đôi trai gái trần như nhộng trên đó. Cặp đôi bí mật đến mức chắc du kích quân cũng không nghĩ đến. Sáng ra, sinh viên đã rỉ tai nhau, rồi nhà trường họp kỷ luật, đuổi đôi nam nữ một năm, cho vào học lại niên khóa sau.
 
 

Các màn bi hài kịch không đứt đoạn. Lại một đêm, cậu Kiến lần mò đến phòng cô Lài, tay cầm một gói quà. Ba người bạn gái ở cùng phòng sau mấy câu chào hỏi xã giao, lấy cớ lẻn đi mất tăm. Chỉ còn hai người trong phòng, chàng cầm gói quà nói lý nhí mấy câu gì đó, cô bạn bỗng giật phắt gói quà, tiện tay vứt vào sọt rác. Nàng trừng mắt quát: Em không cần gì của anh hết! Chàng trai đứng tưng hửng như một pho tượng. Bất ngờ Lài ôm chầm lấy Kiến, buộc miệng: Em chỉ cần anh thôi! Sáng sớm hôm sau, ba cô bạn "di tản" đi ngủ từ các phòng khác trở về, thấy Lài còn nằm ngủ ngon lành. Ba cô bèn đánh thức Lài dậy đi ăn sáng để còn lên giảng đường.
Khi Lài thức dậy, một cô hỏi: Lài, quà của mày đâu? Lài chối: Ủa, có quà quýt gì đâu hè? Cô kia bảo: Thì tao thấy đằng ấy đem quà đến mà! Lài sực nhớ, liếc nhìn vào cái sọt rác đang trống không. Cô nàng ngạc nhiên, chữa ngượng: Người ta mang đến lại mang về rồi! Cô thứ ba bảo: Tại mày nói với người ta không cần gì của anh hết, nên không có là phải. Phí một đêm! Còn bọn tao đi dạo chơi chơi, mà cũng có quà nè, mời lại đây ăn! Nói đoạn cô mở một gói bánh sô-cô-la giấu trong góc bàn ra, mời từng người. Còn Lài thì ngượng chín mặt.

"Không cần gì của anh hết" bỗng trở thành câu truyền ngôn đùa cợt của đám sinh viên trong ký túc xá, để góp vui, cho quên đi cái cảm giác thiếu đói mà ai cũng phải chịu đựng.

Nhưng chuyện bi hài chưa dừng lại ở đó. Mấy tháng sau, đang đêm người ta thấy cặp đôi Kiến và Lài lần dò đến nhà ở chung cư của ông giáo Điều chủ nhiệm. Họ lén rén như hai kẻ trộm.

Ông Điều trạc tuổi năm mươi, ngồi trước cái bàn đặt cạnh cửa ra vào, mặt hướng ra cửa, khuôn mặt gân guốc, đeo cái mục kỉnh trắng, trên bàn đang lật một quyển sách dày cộm, trông tựa như một nhà triết học. Thấy đôi sinh viên bước vào, ông nhướn mắt, mời ngồi, rồi hỏi họ đến có việc chi. Cặp đôi lý nhí thưa, giọng nói nhỏ và đứt đoạn, đến mức ông Điều dỏng tai lên nghe, mới nghe được. Một lát ngẫm nghĩ, ông mới hiểu ra đầu đuôi sự tình, vì sao không hề bị ông Khang "Gia-ve" bắt tại trận như cặp đôi nọ, mà bỗng dưng họ đến đây tự giác khai báo. Ông tròn xoe mắt nhìn cặp đôi đang cúi gằm như thể họ là người ngoài hành tinh mới xuất hiện.

- Nhưng anh chị đến đây báo với tôi để làm gì?
 
Cô gái thưa:
 
- Dạ thưa thầy, tụi em có lỗi, mong thầy lượng tình tha thứ…
 
- Nhưng cụ thể là gì nào?

Cô gái liếc qua bạn trai đang lấy lại can đảm, thưa:

- Dạ thưa thầy, mong thầy soi xét… xin cho tụi em chỉ nghỉ một năm học, về quê làm đám cưới, sinh nở xong xuôi, tụi em xin được quay lại học khóa sau, như các bạn đã phạm lỗi trước đây.

Ông Điều không nén được cơn giận, đập tay xuống bàn:

- Hừm! Các người nói thế mà nghe được! Thế sao các người không để cái đầu kìm chế cái tay của mình? Bêu xấu tập thể, các người có biết không!

Thấy cặp đôi cúi gằm, ông chủ nhiệm dịu giọng bảo:

- Thôi, các người về đi! Kỷ luật thế nào thì do hội đồng nhà trường xem xét, tôi không có quyền!
Cặp đôi cúi đầu bước ra.

Mấy hôm sau, nhà trường kỷ luật Kiến và Lài với mức đuổi học vĩnh viễn. Tin tức lan truyền trong sinh viên, nhưng lần này lại không ai cảm thấy vui vẻ. Họ biết, cặp đôi nọ phải về quê vô vàn khó khăn, sỉ nhục. Đồng ruộng đã vào hợp tác xã. Làm chung, hợp tác xã chấm điểm. Cái điểm hợp tác xã có lúa. Nhưng để có cái điểm có lúa phải đổ mồ hôi sôi nước mắt.

Cặp đôi về lại quê Kiến chung sống trong sự dè bỉu lẫn cảm thương của người nhà quê, họ chôn vùi ý nghĩ quay lại trường, lảng tránh bạn bè, không muốn nhắc đến chuyện xưa, như thể họ chưa từng bước chân vào đại học.

Gần hai mươi năm trôi qua, cảnh cũ người xưa đã thay đổi quá nhiều, chừng như không ai còn nhớ đám sinh viên đói kém cùng  những màn kịch bi hài đã xảy ra nữa. Phần nhiều các giảng viên đã nhanh nhảu ra ngoài xây nhà ở riêng. Duy ông Điều vẫn ở đó, vẫn ngồi ở bàn với quyển sách dày cộm mở ra, tuy râu tóc có bạc hơn. Ông Điều năm nay đã cập kề bảy mươi, vẫn còn được yêu cầu ở lại giảng dạy. Một đêm, người đàn ông trung niên dẫn theo sau một cậu con trai mặt buồn rượi bước vào. Hỏi ra mới biết ông ta là cựu sinh viên, về thăm lại thầy cũ. Chủ khách cởi mở hơn. Sau hồi hàn huyên, ông giáo hất hàm về cậu trai, hỏi:

- Còn cậu nào đây?

Người đàn ông sôi nổi đáp:

- Dạ thưa thầy, đây là cậu Đông, mới vào năm thứ nhất nên chắc thầy chưa nhớ mặt. Nó là con của Kiến, Lài bạn em, nghỉ học từ năm thứ nhất. Thầy nhớ không? Vợ chồng nó về quê, biệt tích, tình cờ em phát hiện ra.  Mà cậu Đông này cũng suốt ngày khép kín, thấy bạn gái là tránh xa. Nhờ thầy quan tâm giúp Đông!
Ông giáo già ngồi nghe, nhớ ra, khẽ thở dài.

- Hườm, ba mẹ Đông lầm lỗi. Mà thầy cũng lầm lỗi. Lấy cái lầm lỗi đi sửa cái lầm lỗi! Hườm, ngay cả cậu con trai thầy... nó yêu một cô, thầy cương quyết cự tuyệt, thế là nó dẫn nhau đi biệt chục năm trời rồi, không biết ở đâu!

Ông giáo già lơ đãng lật lật trang sách, mắt nhìn ra khoảng trời xa xăm như đang tự hỏi cái quy luật gì ở đời mà ông chưa biết đến…/.
 

.