Cả làng cùng giữ gìn văn hóa dân tộc

09:03, 29/03/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Nằm ở vị trí có sự giao thoa văn hóa rộng rãi với đồng bằng, thế nhưng những thế hệ sinh ra và lớn lên ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ vẫn giữ được nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng và giữ gìn những giá trị văn hóa đậm nét trong đời sống sinh hoạt. 
 
Giữ lấy tiếng nói, chữ viết người Hrê
 
Tháng 3 về, hoa gạo nở đỏ rực trên khắp các cung đường và triền đồi. Vùng quê cách mạng Ba Tơ hiện lên như một bức tranh tuyệt đẹp. Con đường dẫn vào thôn Làng Teng, xã Ba Thành vào một buổi chiều, với không gian yên ả. Trước giờ cơm nước, phụ nữ nơi đây luôn say mê với từng tấm vải thổ cẩm.
 
Những người lớn tuổi trong gia đình chị Phạm Thị Sanh, 31 tuổi, chào khách bằng giọng nói chân thành, ấm áp. Cô con gái của chị luôn nhoẻn miệng cười, giao tiếp bằng tiếng Hrê rồi đáp lại bằng tiếng Việt để khách hiểu. Chị Sanh bảo, chị luôn dạy cho con biết giữ lấy cái gốc, cội nguồn của đồng bào mình, mà trước hết là tiếng nói, chữ viết Hrê, nên cháu nói rất giỏi tiếng của đồng bào mình.
 
Chị Phạm Thị Sanh luôn ý thức được việc dạy cho con gái học và nói tiếng Hrê ngay từ khi còn nhỏ.
Chị Phạm Thị Sanh luôn ý thức được việc dạy cho con gái học và nói tiếng Hrê ngay từ khi còn nhỏ.
 
Ở Làng Teng, gia đình chị Sanh được biết đến là gia đình hiếu học, biết gìn giữ văn hóa dân tộc. Vợ chồng chị với đồng lương giáo viên ít ỏi từ chồng, chị lại đang thất nghiệp sau một thời gian dài là nhân viên hợp đồng ở xã, nhưng cả gia đình đều ý thức được việc đầu tư cho con cái và truyền thống văn hóa dân tộc là điều tất yếu phải giữ lấy trong nếp nhà của mình một cách bài bản.
 
Từng có thời điểm, chị chứng kiến con trẻ ở một số nơi khác khi từ trên trường trở về nhà thấy cha mẹ nói tiếng Hrê lại “chỉnh sửa” cha mẹ bằng tiếng Việt. Hầu như, chỉ có người già nói được tiếng dân tộc mình, người trung niên nói ít hơn, còn thanh niên, trẻ em thì ngập ngừng, ú ớ. Nói đã gặp khó, viết lại càng khó khăn hơn khi đòi hỏi quy chuẩn.
 
Theo chị Sanh, sống với khu vực đồng bằng nên mọi người dễ dàng tiếp nhận nhiều luồng văn hóa giao thoa khác nhau. Vậy nên, phải luôn lưu tâm, để ý, uốn nắn cho con từ nhỏ. “Bởi tiếng nói, chữ viết là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quí báu của dân tộc”- lời Bác từng nói.
 
Mỗi ngày, sau những giờ bận bịu, chị đều dành ít nhất hai tiếng đồng hồ để dạy cho con học và viết tiếng Hrê, song song với tiếng Việt và tiếng Anh được học ở trên trường. Chị cũng không ngại khó đến gặp những người hiểu biết tiếng Hrê một cách chính xác để hỗ trợ con trong nói và viết.
 
“Dù con mình có là học sinh xuất sắc, đạt các thứ hạng cao ở trường, biết được nhiều thứ tiếng, tôi cũng luôn ý thức được việc cho con học tiếng đồng bào mình ngay từ khi con nhỏ. Có vậy con mới hiểu hết ngọn nguồn của mọi mặt đời sống, những giá trị văn hóa tinh thần từ lâu đời của người dân tộc mình, từ đó mới có ý thức gắn bó, giữ gìn và quay trở về phục vụ tốt hơn cho dân làng mình sau này”, chị Sanh bộc bạch.
 
Đội văn nghệ “hạt nhân” của người Hrê
 
Đến Làng Teng, không chỉ được khám phá với nghề dệt truyền thống có từ lâu đời. Ở Làng Teng còn có những mái nhà sàn, bếp lửa đỏ rực mỗi đêm. Bên những ngôi nhà sàn có thể thưởng thức những làn điệu Ka-choi, Ka-lêu truyền thống, điệu múa hoang dã của thiếu nữ.
 
Tiếng chiêng ba nơi đây cất lên trong đêm rừng vẫn còn giữ những nét hoang sơ, âm vang giữa đại ngàn và còn nhiều nét văn hóa đặc trưng khác... Có được điều đó là nhờ vào sự tiếp lửa và nỗ lực không ngừng của biết bao thế lớn lên ở Làng Teng.
 
Phụ nữ Làng Teng say mê học hỏi nhạc cụ dân tộc.
Phụ nữ trẻ ở Làng Teng say mê học hỏi nhạc cụ dân tộc.
 
Đặt bó củi vừa hái trên rừng về xuống sân, chị Phạm Thị Tư, 25 tuổi đã vội vàng chạy đến khu nhà truyền thống vừa mới dựng xong ở trong thôn để cùng tập văn nghệ với các nghệ nhân. Đây vốn là niềm đam mê của chị từ khi theo chồng về nơi này. Mỗi tuần và nhất là khi trên xã, huyện, tỉnh yêu cầu tập hợp, chị là những thành viên tích cực nhất đến tập luyện.
 
"Tôi may mắn khi làm dâu về với thôn Làng Teng, ở đây tôi có điều kiện để phát huy năng khiếu và niềm đam mê của mình, cùng mọi người gìn giữ truyền thống văn hóa đặc sắc của người Hrê”, chị Tư nói.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Ba Thành Phạm Thị Minh Đôi cho hay, cách đây khoảng 5 năm, với mong muốn được duy trì, bảo tồn những giá trị văn hóa của đồng bào Hrê, xã Ba Thành đã thành lập một đội nghệ nhân dệt thổ cẩm, một đội văn nghệ với các nghệ nhân có năng khiếu hát múa, chơi nhạc cụ truyền thống.
 
Đội văn nghệ có khoảng 24 thành viên, đa phần là người trẻ, từ 25-35 tuổi. Các “hạt nhân” này chủ yếu là người ở thôn Làng Teng, trong đó có 12 nam, 12 nữ. 
 
“Trải qua thời gian, dù có nhiều người rời khỏi đội vì sức khỏe và công việc, gia đình, vậy nhưng “quân số” vẫn luôn đảm bảo. Chất lượng của các tiết mục ngày càng nâng cao. Không chỉ đại diện cho thôn, xã, huyện mà các diễn viên, nghệ nhân còn vinh dự đại diện cho tỉnh nhà giới thiệu những bản sắc văn hóa đặc trưng của người Hrê đến các tỉnh bạn trong cả nước”, chị Đôi chia sẻ.
 
Phục dựng lễ cưới của người Hrê tại Liên hoan.
Đội văn nghệ xã Ba Thành phục dựng lễ cưới của người Hrê tại Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I tại tỉnh Đăk Nông. Ảnh: Đ.Q
 
Tại Liên hoan Cồng chiêng, đàn và hát dân ca các dân tộc thiểu số tại huyện Minh Long vào cuối năm 2018 (đại diện cho huyện Ba Tơ), hay mới đây nhất tại Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I tại tỉnh Đăk Nông đầu năm 2019 (đại diện cho tỉnh Quảng Ngãi), đội văn nghệ Ba Thành mà nòng cốt là các thành viên ở Làng Teng luôn đạt giải cao, gây được ấn tượng với các phần biểu diễn như tái hiện “Lễ cưới của người Hrê”, “Múa họa tấu chiêng ba”, “Đi bắt cá niên ngày Tết”, “Điệu múa dân gian Hrê”...
 
Trong các tiết mục này đều có sự kết hợp hài hòa giữa cồng chiêng và các nhạc cụ truyền thống khác, các vật dụng trong đời sống sinh hoạt với những điệu múa uyển chuyển liên quan đến cuộc sống thường ngày của người Hrê như xúc óc nóc, đi bắt cá, sạ lúa, gặt lúa, dệt vải thổ cẩm... một cách khéo léo. Lúc thì nhẹ nhàng, sâu lắng, lúc thì tăng dần, một cách dồn dập để tạo nên những điểm nhấn cho tiết mục.
 
Dù cuộc sống hôm nay có thay đổi theo nhiều chiều hướng khác nhau nhưng những thế hệ sinh ra và lớn lên ở thôn Làng Teng nói riêng, xã Ba Thành nói chung vẫn không bị hòa nhập với tiêu cực của cuộc sống hiện đại. Họ luôn ý thức về việc phải tiếp bước để giữ gìn những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình và phát triển lên một tầm cao mới hơn, dù rằng kinh phí hỗ trợ cho những lần tập luyện, có hôm đến tận thâu đêm cũng chỉ có khoảng 50 nghìn đồng cho một lần tập.
 
“Chính giá trị văn hóa cộng đồng được lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác nên những người con sinh sống ở cộng đồng đó luôn có ý thức để bảo tồn trong đời sống hiện tại, họ xem đó là phần máu thịt của mình. Ở một cộng đồng có nhiều nhân tố “hạt nhân” như ở thôn Làng Teng, chúng ta phải hết sức trân trọng. Đó cũng là trách nhiệm của địa phương, của các cấp ngành. Riêng ngành văn hóa của chúng tôi, sắp tới đây cũng có nhiều chương trình, kế hoạch và đề án để cùng địa phương lưu giữ và phải phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống đó”, Trưởng phòng Quản lý Di sản- Sở VHTT&DL tỉnh Phan Đình Độ nhấn mạnh. 
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 
 

.