Giữ gìn, phát huy di sản văn hóa

09:09, 19/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa ở Quảng Ngãi là việc làm hết sức cấp thiết vì hiện nay các hoạt động sản xuất, khai thác vật liệu, xây dựng nhà ở của người dân đã vô tình xâm hại di tích. Nếu để di sản tồn tại một cách tự nhiên mà không có hoạt động nghiên cứu, bảo tồn thì di sản sẽ bị mai một, biến mất. Đây là sự lãng phí rất lớn đối với kho báu vô giá mà tiền nhân để lại.

TIN LIÊN QUAN

Tiến trình lịch sử văn hóa Quảng Ngãi bắt đầu từ thời đại đồ đá (Gò Trá, Trà Veo) đến thời đại kim khí tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh, đến thời kỳ lịch sử Lâm Ấp, Champa, Đại Việt. Bắt đầu từ năm 1909, bản đồ khảo cổ học Quảng Ngãi được chính thức mở ra bởi các phát hiện đầu tiên rất quan trọng về văn hóa mộ chum của cư dân tiền sử tại Sa Huỳnh (Đức Phổ), sau đó hàng loạt các phát hiện về mộ chum ở Bình Thuận và Quảng Bình, các học giả người Pháp đã xác lập tên gọi cho nền văn hóa này là văn hóa Sa Huỳnh (tên địa danh Sa Huỳnh được đặt cho nền văn hóa này).

 

 Các chuyên gia khảo cổ khai quật tháp Núi Bút đầu năm 2017.       ẢNH: TL
Các chuyên gia khảo cổ khai quật tháp Núi Bút đầu năm 2017. ẢNH: TL


Từ đó đến nay, bản đồ khảo cổ Quảng Ngãi đầy ắp bởi sự phát hiện nghiên cứu về Văn hóa Sa Huỳnh với trên 20 địa điểm khảo cổ đã được thăm dò, khai quật; không gian văn hóa Sa Huỳnh được mở rộng từ vùng núi giáp với rìa Tây Nguyên xuống đồng bằng duyên hải, ra đến đảo gần bờ Cù Lao Ré - Lý Sơn; niên đại của văn hóa Sa Huỳnh được mở rộng hơn, kéo dài từ giai đoạn sơ kỳ đồng thau với các dòng chảy văn hóa tiền Sa Huỳnh Long Thạnh, Bình Châu phát triển trực tiếp lên Sa Huỳnh sơ kỳ sắt.

Quảng Ngãi là nơi phát hiện đầu tiên về văn hóa Sa Huỳnh, cũng là nơi phát hiện giai đoạn sớm sơ kỳ đồng thau tiến vào đỉnh cao văn minh Sa Huỳnh, qua đó khẳng định văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa bản địa, có nguồn gốc hình thành, phát sinh và phát triển ngay trên dải đất miền Trung Việt Nam. Vì lẽ đó, địa danh Quảng Ngãi được ghi trên bản đồ khảo cổ học Việt Nam và quốc tế, nơi đây là vùng lõi trung tâm của văn hóa Sa Huỳnh đã có nhiều cuộc khai quật khảo cổ học, tìm thấy hàng nghìn di vật khảo cổ có giá trị.

Từ giá trị và ý nghĩa của văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi, năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng Khu bảo tồn và phát huy giá trị Văn hóa Sa Huỳnh, gồm một nhà bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh mang tầm khu vực, phục chế hai hố khai quật trưng bày ngoài trời, lập di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh tại quần thể các điểm di tích khảo cổ: Long Thạnh, Phú Khương, Thạnh Đức.

Vùng miền núi Quảng Ngãi đã có cuộc khai quật nghiên cứu khảo cổ từ năm 2009 đến năm 2012, phát hiện trong vùng thung lũng sông Tang, ẩn chứa nền văn hóa văn minh từ rất sớm, từ hậu kỳ đá mới sơ kỳ kim khí, cách nay khoảng 4000 năm kéo dài cho đến thế kỷ đầu và sau công nguyên. Cư dân ở đây đã biết làm gốm, chế tác công cụ, rèn sắt, trao đổi hàng hóa với vùng Tây Nguyên và đồng bằng, họ sống theo từng làng nằm dọc theo sông Tang, một nhánh sông thượng nguồn sông Trà Khúc.

Toàn bộ tài liệu khai quật khảo cổ ở thung lũng sông Tang đem lại nhận thức mới về loại hình tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh vùng núi cận rìa Tây Nguyên, củng cố vững chắc luận điểm khoa học về dòng chảy văn hóa hậu kỳ đá mới từ Tây Nguyên xuống duyên hải miền Trung hòa trộn với dòng chảy văn hóa khác để hình thành nên văn hóa Sa Huỳnh.

Trong vùng thung lũng sông Tang, giai đoạn muộn về sau đã diễn ra trao đổi hàng hóa mạnh mẽ với các nơi thông qua sự hiện diện sản phẩm gốm thương mại của nhiều thời kỳ, như gốm Lý – Trần thế kỷ XII-XIII, gốm Lê thế kỷ XV, gốm thời Nguyễn thế kỷ XIX, gốm Champa trước thế kỷ XV, gốm Sawankhalod (Thái Lan) thế kỷ XIV.

Cùng với bản đồ khảo cổ học văn hóa Sa Huỳnh, bản đồ khảo cổ học văn hóa Champa ở Quảng Ngãi cũng đã được nghiên cứu xác lập trong nhiều năm liền với các cuộc khảo sát công phu. Không may mắn như các nơi khác ở miền Trung, di sản văn hóa Champa ở Quảng Ngãi hầu hết đều tồn tại ở dạng phế tích. Di sản văn hóa Champa ở Quảng Ngãi, thống kê có khoảng 80 địa điểm, bao gồm các loại hình đền tháp, thành quách, giếng nước, bia ký, mộ táng, được phân bố dọc theo hai bên sông, cửa biển, đảo Lý Sơn.

Hiện nay, di sản văn hóa Champa nổi bật nhất ở Quảng Ngãi là quần thể di tích Cổ Lũy - Châu Sa, nơi đây bảo tồn còn tương đối nguyên vẹn hệ thống thành lũy, quần thể phế tích đền tháp, dấu tích cung cấm, nơi sản xuất vật phẩm tín ngưỡng, công trường sản xuất vật liệu kiến trúc và đồ gốm sinh hoạt... Có thể đầu tư nghiên cứu khai quật bảo tồn trong nhiều năm thì di sản văn hóa Champa Cổ Lũy - Châu Sa mới thực sự là “Con gà đẻ trứng vàng” cho ngành du lịch còn non trẻ của tỉnh Quảng Ngãi.

Bản đồ khảo cổ học di sản văn hóa Đại Việt thế kỷ XV - XIX ở Quảng Ngãi vô cùng phong phú, bao gồm các di tích thành lũy, lò gốm, chùa, đình, đền, miếu, nhà ở dân gian, thương cảng cổ. Các di tích thành lũy  liên quan đến thời vua Lê Thánh Tôn bình Chiêm, dựng đặt đạo thừa tuyên Quảng Nam có nội thành lũy ngoại thành quan, thành Châu Sa; liên quan đến Mai Đình Dõng trấn giữ vùng đất Quảng Ngãi ở thế kỷ XVII có thành Quang Chiếu (Xuân Quang); liên quan đến ổn định vùng đất giáp núi phía Tây của Quảng Ngãi có Trường Lũy được xây dựng trước đó và được xây dựng hệ thống bảo tồn, củng cố, phát huy giá trị dưới triều Gia Long trở đi; liên quan đến thủ phủ trung tâm chính trị của tỉnh Quảng Ngãi có thành Quảng Ngãi được xây dựng dưới thời Gia Long.

 Công nhân công ty TNHH Đoàn Ánh Dương trục vớt cổ vật.          ảnh: T.L
Công nhân công ty TNHH Đoàn Ánh Dương trục vớt cổ vật. ảnh: T.L

Hệ thống lò gốm cổ Đại Việt phân bố từ phía bắc đến phía nam tỉnh Quảng Ngãi, đó là lò gốm Mỹ Thiện, Mỹ Cang, Gò Sành, Xóm Gốm, Chỉ Trung, nổi bật nhất là gốm men Mỹ Thiện đã tạo lập phong cách gốm riêng trong hệ thống lò gốm địa phương ở miền Trung Việt Nam.

Hệ thống chùa, đình, đền, miếu thế kỷ XVI-XIX ở Quảng Ngãi phong phú đa dạng. Nổi bật có chùa Thiên Ấn, Diệu  Giác... đình làng tiêu biểu có đình An Hải, An Định, Lâm Sơn... đền miếu tiêu biểu có Quan thánh tự (chùa Ông), Âm linh tự, đền thờ Bùi Tá Hán... Nhà ở dân gian điển hình  là hệ thống nhà rường, nhà lá mái có hầu khắp các huyện, thành phố, thống kê hiện nay có trên 200 nhà rường truyền thống còn tồn tại ở Quảng Ngãi, đây là di sản quý cần được bảo tồn.

Về hệ thống thương cảng cổ, từ nhiều năm các nhà khảo cổ học đã nghiên cứu hệ thống các thương cảng cổ ở Quảng Ngãi như thương cảng cổ Cổ Lũy - Thu Xà; thương cảng cổ Bình Châu - Sa Kỳ - Châu Sa, đây là những thương cảng quan trọng, qua các bằng chứng khảo cổ cho thấy, lịch sử của nó kéo dài từ thế kỷ đầu công nguyên đến thế kỷ XIX, gắn liền với lịch sử hình thành phát triển của vùng đất Quảng Ngãi.

Việc xây dựng xác lập bản đồ khảo cổ học của tỉnh Quảng Ngãi là vô cùng cần thiết, qua đó phản ánh tiến trình lịch sử - văn hóa phong phú đa dạng của tỉnh Quảng Ngãi từ Sa Huỳnh đến Champa đến Đại Việt. Bản đồ khảo cổ học Quảng Ngãi sẽ giúp cho cơ quan quản lý bảo tồn và phát huy có hiệu quả di sản, gắn việc bảo tồn di sản với việc phát huy khai thác giá trị du lịch di sản văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi.

T.S ĐOÀN NGỌC KHÔI



 


.