Văn hóa vùng cao trong tranh khắc gỗ của họa sĩ Dương Trùng Dương

02:10, 23/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sinh ra ở Hội An (Quảng Nam), nhưng tuổi thơ của họa sĩ Dương Trùng Dương lại gắn liền với dòng sông Trà, Quảng Ngãi. Có lẽ vậy mà tình cảm của anh dành cho quê hương miền Ấn- Trà cũng chan chứa, mặn nồng theo thời gian.

Dương Trùng Dương đến với mỹ thuật và nghệ thuật tranh in khắc gỗ như một cái duyên. Vốn yêu thích vẽ tranh từ nhỏ, nhưng phải đến khi tốt nghiệp phổ thông trung học, được sự động viên của những lớp đàn anh đi trước, anh mới thi vào Trường Đại học Mỹ thuật Huế. Môi trường học thuật tại ngôi trường này đã đưa anh đến gần hơn với nghệ thuật tạo hình, đến với một gia đình mới, ở đó anh nhận được sự nhiệt tình dạy dỗ từ thầy cô, đón nhận tình thương yêu từ anh em bạn bè trong ngôi nhà chung của nền mỹ thuật.

Lễ hội vùng cao - tranh khắc gỗ của họa sĩ Dương Trùng Dương.
Lễ hội vùng cao - tranh khắc gỗ của họa sĩ Dương Trùng Dương.


Nghệ thuật tranh khắc gỗ là nghệ thuật lâu đời nhất trong các thể loại tranh in. Hơn 20 năm theo đuổi loại hình nghệ thuật truyền thống này, họa sĩ Dương Trùng Dương đã đặt chân đến khắp mọi miền của Tổ quốc, được tiếp xúc và giao lưu, đắm chìm trong những lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc, để rồi những hình ảnh đó, con người đó cứ thấm sâu vào trong ký ức, trong trái tim của họa sĩ Dương Trùng Dương như mạch nguồn cảm xúc sáng tác vô tận.

Anh đi nhiều, sáng tác nhiều, nên tranh khắc gỗ của Dương Trùng Dương rất đa dạng về đề tài và phong phú về nội dung. Ngoài những mảng đề tài thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tình yêu cuộc sống con người... đề tài về miền núi, đặc biệt là lễ hội văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Ngãi luôn là mảng đề tài anh tâm huyết và đau đáu nhất.

Họa sĩ Dương Trùng Dương chia sẻ: “Miền núi thì từ âm nhạc dân gian, đến điêu khắc hội họa, văn hóa rất đa sắc, nhiều màu, nhưng tôi lại thích nhất là màu sắc trong các lễ hội. Lễ hội miền núi rất hay vì nó cho thấy nhiệt huyết, tâm linh của người vùng cao và tôi cảm giác như họ gắn cả tâm hồn của họ vào đó. Tôi đi chuyên sâu vào mảng miền núi, vì trong lễ hội dân gian của miền núi và chỉ có khắc gỗ mới chuyển tải được, bởi nó tạo nên những bất ngờ về màu sắc”.

“Có thể sơn dầu anh muốn thể hiện màu nào thì ra màu đó, nhưng khắc gỗ thì chưa chắc được như vậy. Khắc gỗ nó mang lại tính ngẫu nhiên và bất ngờ, bản thân khi mình sáng tác thì đường nét trong tranh cũng rất mềm mại, vì mình có thể chủ động nhấn nhá đường nét theo ý riêng, vì thế tranh khắc gỗ đem lại cho mình những hiệu quả nhất định”, họa sĩ Dương Trùng Dương cho biết thêm.

Nhiều năm theo đuổi loại hình nghệ thuật truyền thống này, đã mang lại cho họa sĩ Dương Trùng Dương những thành công nhất định. Nhiều tác phẩm của anh đã đạt giải cao tại các kỳ triển lãm mỹ thuật toàn quốc và được giới chuyên môn đánh giá cao. Nhưng niềm đam mê của anh vẫn chưa dừng lại. Họa sĩ Dương Trùng Dương vẫn miệt mài sáng tác, vẫn giữ lửa cho niềm đam mê cháy bỏng dành cho nghệ thuật nói chung cũng như mỹ thuật nói riêng, đặc biệt là tranh in khắc gỗ. Điều quan trọng hơn, thông qua loại hình nghệ thuật truyền thống này, anh hy vọng rằng, các loại hình văn hóa lễ hội của đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Ngãi sẽ đến được với đông đảo mọi người.


Bài, ảnh: Huỳnh Thế

 


.