Di sản văn hóa biển, đảo ở Quảng Ngãi:
Những giá trị cần được bảo tồn và phát huy (kỳ 3)

09:08, 30/08/2017
.

TIN LIÊN QUAN


 

Kỳ 3: Nét đẹp làng biển

Cứ mỗi dịp làng biển mở hội, từ già chí trẻ đều đắm mình trong lễ hội, các trò chơi, điệu hò mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian, tô thêm vẻ đẹp cho làng biển, làm cho những ai về với biển luôn cảm thấy dịu êm, thư giãn...

 

Sau những ngày "ngủ đông", những con tàu cá được làm nước, phủ lên mình màu sơn mới để sau Tết Nguyên đán mở biển làm ăn. Để khởi đầu cho mùa đánh bắt hải sản thuận lợi, cư dân vùng biển đã tổ chức nhiều lễ hội mang dấu ấn tín ngưỡng dân gian vô cùng đặc sắc, trong đó có lễ hội đua thuyền...

Nét văn hóa độc đáo

Từ rất lâu đời, cư dân vùng biển Quảng Ngãi đã lưu giữ và phát triển lễ hội đua thuyền hằng năm. Đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống của cư dân vùng biển. Nó không đơn thuần là hoạt động rèn luyện thể lực, để vui chơi, giải trí trong dịp đầu năm mới, mà lễ hội đua thuyền còn chứa đựng giá trị văn hóa tâm linh rất sâu sắc trong đời sống của cư dân vạn chài. Ông Vũ Văn Tám (70 tuổi) ở thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), cho biết: “Lễ hội đua thuyền là trò diễn trước thần linh, cho thần linh, vì thần linh, với ước muốn cầu cho mưa thuận, gió hòa, ngư dân hành nghề trên biển được thuận lợi, cầu cho quốc thái dân an. Đây là một trong những nét văn hóa độc đáo, được khơi dậy từ chính cuộc sống hằng ngày của ngư dân”.

Lễ hội đua thuyền truyền thống đầu Xuân ở Lý Sơn.                                   Ảnh: BS
Lễ hội đua thuyền truyền thống đầu Xuân ở Lý Sơn. Ảnh: BS


Ở xã Tịnh Kỳ, cứ 2 năm lễ hội đua thuyền được tổ chức một lần vào dịp đầu năm, với 4 đội cùng nhau tranh tài. Thuyền đua mang tên 4 con vật trong tứ linh: Long, Ly (Lân), Quy, Phụng, được trang trí nhiều màu sắc, chạm trổ công phu, tỉ mỉ. Thành viên của đội thuyền thân hình vạm vỡ, mặc trang phục cổ truyền rất đẹp mắt, với 4 màu khác nhau. Mỗi đội thuyền có 25 người gồm lái thuyền, cầm phách, cầm tổng và dân bơi. “Kết quả cuộc đua phụ thuộc vào sức mạnh từ tinh thần đoàn kết, sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng giữa các thành viên trong đội thuyền. Ngoài ra, sức mạnh đội đua còn được khích lệ nhờ tinh thần cổ vũ của người xem”, ông Trần Thung (66 tuổi) ở thôn An Kỳ, từng là một tay đua thuyền có tiếng, đúc kết. Ông Nguyễn Lại, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) thì bảo rằng: “Đối với người đi biển, cuộc sống gắn bó với con thuyền. Lễ hội đua thuyền cũng vì thế mà không thể thiếu vắng, đây là dịp để gắn kết cộng đồng”.

Đặc biệt tại Lý Sơn, lễ hội đua thuyền quy mô hơn hẳn những địa phương khác trong tỉnh và cũng mang đậm dấu ấn tâm linh. Trước mỗi cuộc đua đều tổ chức tế lễ rất chặt chẽ, trang nghiêm; thuyền đua trang trí công phu hơn. Ở các nơi khác, lễ hội đua thuyền diễn ra trong 2 ngày, nhưng riêng ở Lý Sơn thì diễn ra suốt 5 ngày vào dịp Tết Nguyên đán. Sau lời khai hội và hồi trống chấm dứt, tiếng khua chèo, tiếng reo hò cổ vũ vang vọng cả một vùng biển bao la. "Lễ hội đua thuyền đã đi vào tâm thức của cư dân vùng biển Quảng Ngãi nói chung và Lý Sơn nói riêng, khó có thể phai nhòa", Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh nói.
 

Tiếc nuối một loại hình nghệ thuật đặc sắc

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, trước năm 1975, nghệ thuật hát sắc bùa phổ biến ở các làng ven biển thuộc các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ. So với các địa phương khác, hát sắc bùa ở Quảng Ngãi phong phú hơn về làn điệu cũng như các hình thức diễn xướng và có những nét độc đáo hơn cả, nhưng tiếc là loại hình nghệ thuật đặc sắc này đang bị mai một.

Đến nay, tục hát sắc bùa chỉ còn tồn tại ở làng Văn Hà, xã Đức Phong (Mộ Đức), thôn An Thạch, An Thổ, xã Phổ An (Đức Phổ). Trong đó, tục hát sắc bùa ở An Thạch và An Phổ (nay được gọi chung là sắc bùa Phổ An) còn khá nguyên vẹn, từ hệ thống làn điệu đến hình thức diễn xướng... Trước đây, vào dịp năm mới, nhiều người dân ở xã Phổ An thường mời đội sắc bùa về hát, nhưng giờ thì rất hiếm; nhiều người trẻ tuổi ở làng biển không hề biết đến loại hình nghệ thuật đặc sắc này... 

Lưu giữ hồn chèo bả trạo

Nghệ nhân dân gian Vũ Huy Bình, ở làng chài thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) là người đam mê hát bả trạo từ thuở thiếu thời. Ông mở lòng nói: "Nó đã ngấm vào máu rồi. Hay và thâm thúy lắm”. Có lẽ vì thế mà bao năm qua, ông lặng lẽ sưu tầm lời hát bả trạo từ các bậc cao niên trong làng với mong ước góp phần “giữ hồn” chèo bả trạo của quê hương.

Ông Bình cho biết, đoàn bả trạo của vạn Hải Ninh có khoảng hơn 20 người, trong đó có Tổng tiền, Tổng hậu và Tổng thương cùng 16-20 con chèo được gọi là chúng trạo. Chỉ huy toàn bộ cuộc diễn xướng bả trạo là Tổng mũi. Tổng mũi là người thuộc lòng cả bài diễn xướng; trong lúc diễn xướng thể hiện các sắc thái tình cảm khác nhau. Khi vui sướng, lúc nức nở, có lúc phải giễu trò, khi ngâm thơ, hát vè, lúc hân hoan khi hát những khúc dân ca như hò giựt chì, hò ba lý, hò kéo lưới, lý vãi chài. Xen kẽ giữa những câu hát xướng của Tổng mũi, là lời hô theo của các con trạo còn có những câu hát xướng của Tổng thương và Tổng lái. Nhưng thông thường, Tổng thương chỉ đóng vai hề với các động tác tát nước, nấu cơm... Các con chèo thì chủ yếu hô theo lời hát và làm những động tác chèo thuyền, khi trầm hùng, lúc khoan thai...

Chèo bả trạo thường được diễn tại lăng thờ thần Nam Hải, hoặc tại cửa biển trong lễ hội cầu ngư (vào tháng Giêng). Một chương trình hát bả trạo thường kéo dài từ 1 - 2 tiếng đồng hồ. Trình tự một bài bả trạo ở vạn Hải Ninh, gồm 4 hồi: Hồi 1 là tạ ơn thần Nam Hải, hồi 2 là đưa thuyền ra khơi đánh bắt cá, hồi 3 là thuyền gặp cơn sóng gió ba đào cầu cứu thần Nam Hải và hồi 4 là thuyền cập bến bình yên.

Mục đích của hát chèo bả trạo là để hầu thần, ca ngợi công ơn của cá Ông, cầu mong cho quốc thái dân an, bổn vạn được bình yên, biển được mùa cá rộ và cũng là để thoả mãn nhu cầu giải trí của cộng đồng ngư dân sau những ngày đánh bắt hải sản vất vả.

Duy trìhội bài chòi

Ở xã ven biển Bình Thuận (Bình Sơn), cứ Tết đến lại rộn ràng hội bài chòi. Không chỉ có người già mà thanh niên nam nữ, trẻ con cũng tập trung tại khoảng sân rộng để xem biểu diễn bài chòi. Chủ nhiệm CLB bài chòi xã Bình Thuận Nguyễn Thực, cho biết: “Lời hát trong bài chòi được đúc kết từ thực tế cuộc sống, có tính khuyên răn, nhưng cũng mang tính châm biếm sâu sắc... Các nghệ nhân đã sáng tác nhiều câu hát mới, phù hợp với xã hội hiện đại. Có những câu hát tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, song cũng có những câu hát khéo léo chê bai thói hư tật xấu trong xã hội hiện đại. Ở mỗi thời kỳ khác nhau, bài chòi được bổ sung thêm những làn điệu, sắc thái khác nhau theo từng địa phương và tích hợp thêm những yếu tố văn hóa âm nhạc của các vùng miền, làm phong phú thêm làn điệu bài chòi”.

Đội bả trạo thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) đang chèo hầu thần trong lễ tế thần Nam Hải.                             Ảnh: Tr.Phương
Đội bả trạo thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) đang chèo hầu thần trong lễ tế thần Nam Hải. Ảnh: Tr.Phương



Nói vừa dứt lời, ông Thực cất giọng: “Anh về với biển đảo ta ơi. Mà nghe như cả bầu trời mến thương. Trường Sa, biển đảo quê hương. Hoàng Sa ta đó vấn vương cuộc đời. Anh đi giữ đảo biển khơi. Ở nhà em vẫn suốt đời chờ anh...”. Lời bài hát đi vào lòng người một cách rất tự nhiên bởi gần gũi, dễ hiểu. Xem hội bài chòi, với những tình tiết ứng biến đầy bất ngờ và tiếu lâm, đã mang đến cho mọi người những tiếng cười giòn tan, cả những cái gật đầu bày tỏ đồng tình bởi sự thâm thúy, chí lý, chí tình qua từng lời ca...


      NHÓM PV

--------------------------
*Kỳ 4: Một nhiệm vụ cấp bách



 


.