Tổ quốc là tiếng mẹ

08:07, 31/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ca khúc “Tổ quốc là tiếng mẹ” của nhạc sĩ Văn Phượng phổ bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến vừa được trao giải B của Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Liên hoan Âm nhạc khu vực Nam Trung Bộ ở TP.Đà Nẵng tháng 7.2017. Đây là lần thứ 2 nhạc sĩ Văn Phượng phổ thơ của Nguyễn Việt Chiến được trao Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, lần trước đó là ca khúc phổ nhạc bài thơ “Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra” viết về Trường Sa.
 

Bằng khen của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho tác phẩm
Bằng khen của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho tác phẩm "Tổ quốc là tiếng mẹ"- Nhạc Văn Phượng; thơ: Nguyễn Việt Chiến.

Hình ảnh Tổ quốc trong bài thơ “Tổ quốc là tiếng mẹ” được Nguyễn Việt Chiến gắn với tiếng mẹ ngàn đời, khiến cảm nhận về Tổ quốc của anh khác với các nhà thơ khác khi viết về đề tài này. Nhưng cái độc đáo hơn là ở chỗ, nhà thơ gợi nhắc chúng ta về bao người con đã ngã xuống, để có ngày hôm nay: Tổ quốc là mây trắng/ Trên ngút ngàn Trường Sơn/ Bao người con ngã xuống/Cho quê hương mãi còn. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho biết: Bài thơ "Tổ quốc là tiếng mẹ” là bài thơ 5 chữ, tôi viết trong một tâm sự rất lớn đối với Tổ quốc Việt Nam. Tổ quốc trong bài thơ này được ví như người mẹ. Tổ quốc gần gũi hơn bao giờ hết, đó chính là người mẹ đã sinh thành ra chúng ta, đã nuôi nấng những người con của mình qua bao nhiêu gian lao vất vả trong cuộc đời. Chính vì vậy, Tổ quốc chính là người mẹ và Tổ quốc của tôi gắn với mọi miền của đất nước.

Cấu tứ của bài thơ làm nền cho cảm xúc thăng hoa, âm hưởng thơ trầm hùng, bi tráng. Tổ quốc vì thế mà rộng dài trong cả không gian lẫn thời gian, rộng dài trong tình yêu vô biên của con dân nước Việt đối với Tổ quốc. Nguyễn Việt Chiến đã nói hộ chúng ta về tình yêu Tổ quốc. Anh cảm nhận được những giông bão rình rập, những mất mát đau thương, những hiểm họa khôn lường đến với Tổ quốc và anh thể hiện tình yêu Tổ quốc bằng một thứ tình cảm máu thịt: Tổ quốc là ngọn gió/ Trên đỉnh rừng Vị Xuyên/ Phất lên trong máu đỏ/ Bao anh hùng không tên...

Nguyễn Việt Chiến đã thay chúng ta nói lên niềm tự hào, kiêu hãnh chính đáng về một Tổ quốc anh hùng. Nhưng cũng chính anh nói hộ chúng ta về tinh thần trách nhiệm công dân cao cả đối với Tổ quốc: Tổ quốc là tiếng mẹ/ Trải bao mùa bão giông/ Thắp muôn ngọn lửa ấm/ Trên điệp trùng núi sông...

Nếu không có một tình yêu lớn đối với Tổ quốc thì không có một nhà thơ nào viết nổi những câu thơ lay động tâm hồn như vậy. Vì thế, bài thơ Tổ quốc là tiếng mẹ là một thông điệp về tình yêu Tổ quốc và tiếng mẹ ngàn đời! Có thể nói, thơ nhạc đã hòa quyện ở đây, âm nhạc đã chắp cánh cho bài thơ. Một bài thơ phổ nhạc đòi hỏi người nhạc sĩ sự đồng cảm, đồng điệu cần phải có sự tài hoa cần thiết, để bài thơ khi phổ nhạc sẽ có một sức sống mới kỳ diệu, được mọi người hân hoan, vui sướng đón nhận.

Với ca khúc “Tổ quốc là tiếng mẹ”, giữa nhà thơ Nguyễn Việt Chiến và nhạc sĩ Văn Phượng đã có chung một chữ “duyên”, cùng hòa điệu để có một tác phẩm âm nhạc chung.


Bài, ảnh:  HUỲNH THẾ

 


.