Hữu Thỉnh: Khắc khoải với quê nhà

02:10, 26/10/2016
.

Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Như mỗi người con đều được sinh ra từ mẹ, mỗi nhà thơ cũng đều có một quê nhà của riêng mình. Đó là nơi thường đi về trong những giấc mơ, trong những dòng thơ đứt nối suốt một đời làm thơ.

Với Hữu Thỉnh, quê nhà trong thơ anh chính là mẹ-người mẹ nông dân vô cùng thương yêu của anh. Khi yêu mẹ, mỗi đứa con đều có thể là thi sĩ. Và nhà thơ có thể là “hai lần thi sĩ” khi yêu mẹ mình, khi mẹ trở thành hình bóng đi về ám ảnh trong thơ họ.

Có một bài lục bát chỉ 6 câu của Hữu Thỉnh mà tôi muốn đặt ngay ở những dòng đầu bài viết này, nó có thể giải mã cho hình ảnh Mẹ-Quê nhà trong thơ Hữu Thỉnh:
                              
                              NGÕ THU  

                  Mẹ già khom bóng dưới cau
                  Ngõ thu nắng dãi ngày mau sập chiều
                  Có gì trời đất mang theo
                  Thế gian muôn nỗi cánh diều mong manh
                  Có gì xoáy vực chông chênh
                  Gió neo tay mẹ bỗng thành thiên thu


Mẹ ở đây vừa là mẹ mình vừa là mẹ của những đứa con ở quê mình. Ngõ quê ở đây có thể là ngõ nhà mình có thể là ngõ của bao nhiêu ngôi nhà quen thuộc ở một miền quê trung du.

Lục bát là thể thơ rất mềm, nhiều chan chứa và dễ chia sẻ. Viết những câu lục bát về Mẹ bao giờ cũng được chính những dòng thơ nâng đỡ ta. Nhưng trong bài lục bát ngắn này, đã phập phồng một linh cảm về sự mong manh của hình bóng Mẹ: Có gì như muốn níu giữ, lại có gì chông chênh giữa vực xoáy và gió thu khi nửa kéo mẹ về thiên thu nửa neo mẹ ở lại với con trong lúc sập chiều.

Thơ Hữu Thỉnh nhiều khi rất gợi, bởi anh biết khởi động cho thơ bằng chính những xúc cảm “gốc” của mình. Đó là xúc cảm về Mẹ, xúc cảm về quê nhà, về một miền quê trung du không thể trộn lẫn với bất cứ miền quê nào khác.

Tôi vẫn thường nghe tiếng cuốc kêu trong thơ anh, dẫu tôi không biết Hữu Thỉnh có bao nhiêu bài thơ viết về con cuốc (hay chính xác hơn là con quốc), nhưng chỉ một bài thơ “Nghe tiếng cuốc kêu”-một bài thơ đầy những chứa chất-ta có thể đọc ra những nỗi niềm của nhà thơ với quê nhà của mình, với cha mẹ mình. Nỗi niềm của một đứa con ra lính, một đứa con xa nhà và luôn khắc khoải mỗi khi nhớ về nhà mình:
                   
           “Còn lại thôi hồi tiếng cuốc kêu.
             Cuốc kêu từ ngày chưa ai đặt tên cho cuốc
             Cha tôi nhào đất đắp đường
             
             Cuốc kêu ngoài bến sông”

                                (Nghe tiếng cuốc kêu)

Vào năm 1972 khi đi qua Đồng Tháp Mười để xuống chiến trường Mỹ Tho, tôi đã nghe và đã đưa tiếng cuốc kêu vào một bài thơ khá dài, bài “Một người lính nói về thế hệ mình”, và tôi hiểu, vì sao ngày xưa là Bà Huyện Thanh Quan, còn bây giờ là Hữu Thỉnh lại đau đáu với tiếng cuốc kêu đến như thế. Bởi đó là tiếng kêu tự sâu thẳm quê nhà, tiếng kêu khắc khoải da diết tới dứt ruột từ những gì máu thịt nhất của cuộc đời người nông dân. Với người lính ra đi từ luống cày của mình, tiếng quốc kêu nhọc nhằn mà gần gũi biết bao. Nó đã thành tiếng kêu của số phận:

                     “Một đời người mà chiến chinh nhiều quá
                     Em níu giường níu chiếu đợi anh
                     Em tránh những người con trai đẹp
                     Đợi anh
                     Chỉ mong anh về
                     Áo rách cũng thơm
                     Chiếc chạn nhỏ với vài đôi đũa mộc
                     Anh cứ tưởng sau chiến tranh chỉ toàn là hạnh phúc
                     Chúng ta đã từng vò võ đợi nhau
                    Nhưng không phải em ơi, cuốc kêu không phải thế”

                                                           (Nghe tiếng cuốc kêu)

Đã có bao người lính ra đi từ tiếng cuốc ngoài bãi xa, có bao người lính không trở về để thêm một lần nghe tiếng cuốc kêu như một tiếng nấc cuối chiều. Đất nước đau khổ không thể cho ra những vần thơ phơi phới niềm hạnh phúc dễ dãi. Không phải cố làm ra thế, nhưng mỗi khi viết về quê nhà mình, viết về mẹ mình, giọng thơ Hữu Thỉnh trầm hẳn xuống:

               “Con lại ngồi vào chiếc võng tre xưa
                  nơi mẹ vẫn ngồi khâu cha chẻ lạt
                  bao xa cách lấp bằng trong chốc lát
                  trăm cánh rừng về dưới giọt ranh thưa”

                                     (Ngôi nhà của mẹ)

Tôi cứ nghĩ, “giọt ranh” chính là giọt tranh trước hiên nhà. Không một đứa con nào lớn lên dưới ngôi nhà cha mẹ mình mà quên được giọt ranh đó trong những ngày mưa.

Người ta đã từng thử làm thơ không xúc cảm, thơ “khách quan”, nhưng tôi biết, thơ ấy dẫu tân kỳ cũng không thể nào sống lâu được. Thơ là xúc cảm, và thơ là xúc cảm được nén lại như trong một đĩa nén, cái xúc cảm có thể bùng lên thành những cơn dữ dội, những trào vọt của xúc cảm. Hữu Thỉnh đã để cho xúc cảm dẫn dắt mình, như mùi ổi chín dẫn ta về những nẻo đường quê. Và khắc khoải chính là thuộc tính của thơ Hữu Thỉnh mỗi khi viết về mẹ, viết về quê nhà.

Không chỉ những tháng năm khổ cực đau buồn vì chiến tranh và hậu chiến, mà ngay bây giờ, khi quê hương chúng ta đã có nhiều thay đổi, thì nhà thơ vẫn không tránh được niềm khắc khoải mỗi khi viết về quê hương mình. Vẫn còn nhiều nỗi đau khi đời sống có vẻ đã khấm khá hơn. Những tai nạn, tệ nạn, ách nạn vẫn còn vây bủa quê nhà chúng ta, và không ngoại trừ quê nhà Hữu Thỉnh, dẫu nhà thơ bây giờ đã là một người lãnh đạo văn nghệ, đã sống ở Hà Nội chứ không còn ở quê nữa.

Nhưng liệu có nhà thơ nào dám để mất quê nhà của mình, dám đánh rơi hình bóng người mẹ nghèo thương thiết của mình ? Thơ luôn đi ngược chiều với tăng trưởng hay phát triển, vì thơ có nhu cầu tìm về cái cốt lõi, những giá trị vĩnh hằng mà người ta gọi là văn hóa. Chính vào lúc đời sống có vẻ đã khấm khá hơn, nhà thơ lại chợt khắc khoải khi nhớ về quê nhà của mình:

                         “Ngọn khói xưa giờ ở nơi đâu
                          Có nhớ mẹ tôi mé đồi cỏ cháy
                          Có cay đắng trước nỗi đời oan trái
                          Có thấm buồn bèo bọt tấp ngang sông”

                                                        (Ngọn khói)

Nhiều khi những câu thơ trái ngang của nhà thơ trong thời đương đại này khiến có người nghĩ như “cuốc kêu không phải thế”. Nhưng cuốc kêu như thế đấy, cuốc kêu khi đời còn bất công oan trái. Cuốc kêu khi thơ không cam chịu lặng im hay ngợi ca dễ dãi. Cuốc kêu khi nền tảng văn hóa và tình người ở quê đang bị tàn phá. Nó kêu rằng:

                        Trưa nay có điều gì mà cuốc kêu như xé
                       Tôi mất hai người anh
                      Cả hai đều rất trẻ
                      Sáng nay lại có người hàng xóm chạy sang
 
                    Mỗi lần sau đám tang
 
                    Lòng ai cũng héo
 
                    Dạ ai cũng sầu

Tôi cứ tưởng không còn ai xấu nữa
Tôi cứ tưởng tốt với nhau bao nhiêu cũng còn chưa đủ

Nhưng không phải, trời ơi, cuốc kêu không phải thế”


Tiếng cuốc ở đây đã thành lời cảnh báo, nó tỉnh táo và dường như không khoan nhượng. Thơ không phải một bài nghị luận chính trị hay đạo đức, thơ chỉ nhỏ nhẹ, nhiều khi còn lơ ngơ, nhưng thơ lại biết nói nhiều hơn những lời chữ ta đọc trên văn bản. Đó là sức mạnh thầm lặng của thơ, nó biết tự chủ mình và biết kiên nhẫn với người:

       Tôi ngồi buồn tôi đếm ngón tay
       Có mười ngón tay đếm đi đếm lại
       Đếm đi đếm lại trời ngả sang chiều

       Chúng ta bị cái chết gạt về một phía
       Bị hư danh gạt về một phía
       Phải vượt mấy trùng khơi mới bắt gặp nụ cười

        Vừa bắt gặp nụ cười
        Thì lại nghe tiếng cuốc”

                               (Nghe tiếng cuốc kêu)

Khi tiếng cuốc đã từ trong lòng ta mà kêu ra, thì nhà thơ sẽ luôn biết cách để đi ngược chiều gió, đi ngược chiều những cách thế tưởng như hiển nhiên ngoài đời. Vào lúc ấy, thơ luôn tìm về với quê nhà của mình, với hình bóng mẹ cha mình, với nhân dân còn vô vàn gian lao đau khổ của mình. Thơ phải ngược để xuôi, phải ra thế giới bằng cách về lại những ngõ quê nhỏ bé, phải thầm lặng để có thể nói lên một điều gì.

Bây giờ, sau chiến tranh đã bao nhiêu năm, sao ta nghẹn lòng khi đọc lại mấy câu thơ Hữu Thỉnh trong bài “Phan Thiết có anh tôi”:

              “Em đã qua những cơn sốt anh qua
               Em đã gặp trận mưa rừng anh gặp
               Vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết
               Em một mình đứng khóc ở sau xe”


Thơ là những “giọt nước mắt đời không thấy” như vậy. Nó không thể ồn ào, không cần láo nháo:

                    “Chị thiếu anh nên chị bị thừa ra
 
                    Trong giỗ Tết họ hàng nội ngoại
 
                    Bao nhiêu tiếng cười vẫn côi cui một mình
 
                    Những đêm trở trời trái gió
                    Tay nọ ấp tay kia
                    Một mình một mâm cơm
                    Ngồi bên nào cũng lệch”
                                     (Trường ca “Đường tới thành phố”)

Người chị ấy có thể là người chị ở miền Nam, nhưng cũng là người chị ở quê hương trung du của nhà thơ. Không ai mong có bi kịch để làm thơ, nhưng thơ không bao giờ từ chối viết về những bi kịch của con người.

Hữu Thỉnh đã bình tĩnh để đi tiếp chặng đường thơ của mình, vì bất cứ lúc nào anh cũng đau đáu trở lại với quê nhà, trở về với hình bóng thương yêu của mẹ mình. Trong nhiều tác phẩm của Hữu Thỉnh, hình bóng mẹ và quê nhà luôn hiện lên rất đậm nét.

Có thể kể ở đây trường ca “Đường tới thành phố” nổi tiếng, trường ca “Sức bền của đất”, trường ca “Biển”, trường ca “Ngọn cờ thức tỉnh” và rất nhiều bài thơ ngắn khác, những tác phẩm luôn lấy điểm nhấn từ quê nhà.

Nhà thơ đã biết tựa lưng vào đất quê hương để những sáng tác của mình lấm láp cùng người nông dân chân lấm tay bùn. Với nhà thơ, quê nhà là “Cõi người ta”, và đó là điểm tựa vĩnh cửu.
Chính vì thế, thơ không thể tắt trên quả đất này.



                                                         Quảng Ngãi mùa lũ lụt 2016   


.