Làng nghề tơ lụa Vạn Phúc

09:03, 01/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nằm bên bờ sông Nhuệ, thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội), làng lụa Vạn Phúc được biết đến là một trong những làng nghề lâu đời nhất Việt Nam.

Các sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc đều đạt đến độ hoàn mỹ. Hàng lụa trơn thì mịn óng, mềm mại. Hàng dệt hoa thì màu sắc óng ánh, trang nhã, hoa văn khi chìm, khi nổi. Để tạo ra được những sản phẩm tơ lụa tuyệt mỹ, người thợ dệt phải thực hiện quy trình sản xuất phức tạp gồm nhiều khâu như: Tơ, hồ sợi, dệt, nhuộm, căng phơi…

Nghề dệt lụa còn đòi hỏi ở người thợ sự sáng tạo và khéo léo. Nghệ thuật trang trí hoa văn trên lụa được xem như mẫu mực của phong cách tạo hình trên chất liệu mỏng của các nghệ nhân. Họ đã sử dụng những đề tài trang trí từ kho tàng nghệ thuật truyền thống dân tộc, nhưng sáng tạo chứ không rập khuôn nhằm thích ứng với chất liệu dệt như Ngũ Phúc (năm con dơi quanh chữ Thọ), Long Vân (rồng và mây), Thọ Đỉnh (lư hương và chữ Thọ), Quần Ngư Vọng Nguyệt (đàn cò trông trăng), Hoa Lộc (bông hoa trên chồi biếc)... Nhìn chung, hoa văn dệt trên lụa được bố trí đối xứng, đường nét không rườm rà, phức tạp mà luôn mềm mại, phóng khoáng và dứt khoát.

 

 Du khách tham quan, tìm hiểu về các sản phẩm lụa tại làng Vạn Phúc.
Du khách tham quan, tìm hiểu về các sản phẩm lụa tại làng Vạn Phúc.


Các sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc đa dạng về màu sắc, phong phú về chủng loại như gấm, lụa, the, sa, xuyến, băng quế, lĩnh, đoạn, đũi, sa tanh, vải... Trong lịch sử, lụa Vạn Phúc từng được dùng để may quốc phục và đặc biệt được ưa chuộng dưới triều nhà Nguyễn. Lần đầu tiên lụa Vạn Phúc có mặt trên thị trường quốc tế là tại hội chợ Marseille (1931). Từ năm 1990 lụa Vạn Phúc đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới như: Pháp, Ba Lan, Thụy Sỹ, Campuchia...

Trải qua hàng nghìn năm, làng lụa Vạn Phúc giờ vẫn in đậm nét cổ kính qua hình ảnh chiếc giếng làng nằm cạnh cây đa cổ thụ và những phiên chợ chiều họp trước đình làng. Trong nhiều gia đình, khung dệt cổ vẫn được giữ lại xen lẫn với các khung dệt cơ khí hiện đại. Đặc biệt, tại xưởng sản xuất của nghệ nhân Triệu Văn Mão có máy dệt lụa Vân – loại lụa cổ truyền nổi tiếng nhất Vạn Phúc đã gần như bị thất truyền. Đây là loại lụa mỏng có hoa nổi, hoa chìm. Hoa nổi trên mặt lụa thì bóng mịn còn hoa chìm thì phải soi ra chỗ sáng mới thấy được.

Khu trung tâm kinh doanh lụa Vạn Phúc là nơi giới thiệu và kinh doanh sản phẩm lụa truyền thống Vạn Phúc chất lượng cao, các gian hàng đạt chuẩn theo hướng văn minh thương mại, đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách trong và ngoài nước; đồng thời đây cũng là nơi gìn giữ và phát triển thương hiệu làng nghề truyền thống. Hiện có 20 cơ sở đủ điều kiện kinh doanh tại trung tâm, trong đó có 6 gian hàng kinh doanh đồ lưu niệm, 14 gian hàng kinh doanh sản phẩm lụa truyền thống chất lượng cao với hàng trăm loại lụa đủ màu sắc và các loại sản phẩm như: Khăn choàng, quần áo, túi xách, cà vạt…

Vạn Phúc đã trở thành một điểm đến quen thuộc trong các tour du lịch làng nghề. Đến Vạn Phúc, du khách không chỉ có cơ hội mua sắm các sản phẩm lụa Hà Đông chính hiệu mà còn được chứng kiến quy trình làm ra tấm lụa của các nghệ nhân. Thương hiệu lụa Vạn Phúc đã trở thành niềm tự hào của người dân Vạn Phúc, là nơi lưu giữ nét văn hóa Việt.

Bài, ảnh: VŨ YẾN
 


.