Sắc vàng làng gốm

04:05, 04/05/2009
.

Gốm trong ký ức

Nhiều năm trước, có lần tôi ngồi hàn huyên với nhà thơ Đoàn Vi Thượng và họa sĩ Phạm Cung ở Sài Gòn. Câu chuyện đưa đẩy đến nghề làm gốm của quê nhà Quảng Ngãi. Đôi mắt họa sĩ rưng rưng ngấn nước. Thì ra ông chào đời và suốt tuổi ấu thơ gắn liền với gốm Mỹ Thiện, Châu Ổ.

 

 Một số sản phẩm gốm Mỹ Thiện.           
Họa sĩ kể rằng, chẳng hiểu tại sao ông lại yêu tiếng giọt mưa rơi vào những chum, những vại của mẹ ông để ngoài hiên đến thế. Nghe không "đã" tai, ông đi dạo quanh khắp các bờ rào trong làng, nhặt gom những mảnh sành vỡ về chất đầy cả góc nhà. Mỗi khi trời mưa, ông mang ra đặt dưới giọt mái tranh rồi ngồi nghe từng chuỗi âm thanh lạ lùng, kỳ diệu ngân vang. Khi thì tiếng sầm sập, đùng đục như bầy ngựa khua vó trên đường. Lúc thánh thót, du dương như tiếng đàn tranh quấn quýt. Lại có khi nghe róc rách như con nước chảy qua gành đá. Mưa gần tạnh, thỉnh thoảng rớt tiếng "bum", "bum" như âm thanh trống lệnh của đội chèo bả trạo diễn trình, một loại hình nghệ thuật dân gian rất đặc trưng ở vùng đất này.

 

Tiếng đất kỳ quặc ấy ám ảnh ông mãi. Khi đã là họa sĩ thành danh, vì tình yêu mến với người bạn vong niên - thi sĩ Bùi Giáng, Phạm Cung đã về quê nhà mang đất vào để nặn chân dung thi sĩ. Chân dung sống động, biến đổi. Tùy theo ánh sáng chiếu vào mà khuôn mặt Bùi Giáng rất nhiều biểu cảm, tỏ lộ cả hỉ, nộ, ái, ố. Nhiều người muốn có bức tượng này, kể cả những người ở quốc gia khác, nhưng Phạm Cung vẫn một lòng giữ lại, bởi theo ông có cái còn quý hơn bạc vàng!

 

Sau này tôi được ông Long Cương - Nguyễn Đức Tập ở thị trấn Sơn Tịnh cho biết thêm về gốm Châu Ổ. Khoảng năm 1959 ông đã tiếp xúc với một nghệ nhân họ Trần chuyên làm lọ độc bình tráng men màu vàng sẫm. Điều lạ là trên chiếc độc bình nào cũng vẽ hoa văn rồng, trúc và đều có bài thơ chữ Hán minh họa: Văn minh khai triết mạc/ Hoa cấp hiến tân đồ/ Bạc kỹ cung thường phẩm/ Bình Sơn cổ sở vô. Ông dịch qua thơ lục bát: Văn minh màn triết mở ra/ Đồ hình mới được bút hoa vẽ vời. Vật thường cung ứng cho đời/ Bình Sơn ngày trước chưa người làm nên.

 

Qua những người tôi có dịp thưa chuyện, tự nhiên chợt thấy mình quá đỗi hời hợt với quê hương. Chỉ hơn 20 km đường từ thành phố Quảng Ngãi đến Bình Sơn, vậy mà tôi cứ dửng dưng đi qua, chưa một lần ghé lại.

 

Còn một móc neo

Cả làng gốm, giờ chỉ còn anh Đặng Văn Trịnh tiếp tục sản xuất. Hàng anh làm ra tới đâu, bán tới đó. Thu nhập bình quân 15 triệu đồng mỗi tháng. Khách hàng chủ yếu là Đà Nẵng, Hội An. Ngoài những đồ gốm gia dụng như vò, ghè, chum, ảng, chậu phong lan… anh còn sản xuất gốm giả cổ và gốm trang trí  cho khách đặt hàng. Là một người lâu năm trong nghề, anh tự hào rằng, bất cứ mẫu hàng nào hễ có khách yêu cầu, anh đều có thể làm được. Những người tài hoa như anh trước kia không hề hiếm.

Ông Thuần nói với tôi, chưa biết làng gốm Mỹ Thiện được hình thành từ năm nào. Nhưng theo "Quảng Ngãi tỉnh chí" (1933) thì toàn tỉnh có các lò gốm ở Đông Thành, Đại Lộc (Sơn Tịnh), Thạnh Hiếu, Chí Trung (Đức Phổ), Bồ Đề (Mộ Đức), trong đó Mỹ Thiện là nổi tiếng nhất. Nhờ nằm ở vị trí thuận tiện, sản phẩm xuất lò được vận chuyển đi các nơi dễ dàng. Có thời sản phẩm qua cửa biển Sa Cần đã ra tới Đông Hà, Đồng Hới, Vinh… vô tận Bình Định, Khánh Hòa. Còn trong tỉnh thì theo đường bộ hoặc đường sông, ngược lên miền núi xa xôi.

 

Đến năm 1964, qua trận lụt lớn, lạch Bến Củi bị bồi lấp một phần. Chi phí sản xuất như đất, chất đốt, vận chuyển đã tăng cao nên một số gia đình tìm kế sinh nhai khác. Nhất là sau này, vào những năm 1988 - 1989, học theo cách tráng men của Bát Tràng không thành công, hầu hết các lò đốt cầm chừng, rồi sau đó không cạnh tranh nổi với gốm sứ ngoài Bắc, trong Nam và hàng nhựa nên các lò tự giải tán.

Cách pha men cổ truyền, hiện nay chỉ còn ông Đặng Thạnh. Ngoài các loại men chính như men màu đen, men vàng và men nâu sành, ông còn gia giảm, loại bớt để sản phẩm có các màu xanh ngọc, da lươn, men chảy, vàng rạn da… Sản phẩm làm ra nay ế ẩm, nhưng bàn tay hay lam, hay làm của ông không nghỉ được. Ông gởi vào lò của anh Trịnh (con trai ông) một ít gốm mộc rồi hàng ngày tòn tơn quảy ra chợ huyện bán để khỏi quên nghề. Còn ông Hồ Duy Khánh thì ghi chép lại tất cả các công đoạn, bí quyết nghề làm gốm. Nhìn quyển vở học sinh nhem nhuốc những chữ viết, những hình vẽ các kiểu lò, cách tạo hình các sản phẩm, cách chế tác các vật dụng lớn… không ai khỏi chạnh lòng, bởi một làng nghề sắp bị biến mất.

 

Cũng may làng còn có anh Đặng Văn Trịnh, được xem như một móc neo cuối cùng giữ lại nghề gốm Mỹ Thiện. Độc đáo nhất của tay nghề anh là ở kỹ thuật hỏa biến và nước men vàng. Gốm hỏa biến là sự sáng tạo của lửa nên đầy bất ngờ, thú vị. Lúc sản phẩm ra lò, lòng người thợ cũng hồi hộp, bâng khuâng như cuộc hò hẹn tình yêu đầu đời. Màu vàng của men tựa sắc mai xuân; óng ả, quý phái, dịu dàng như lụa. Cầm trên tay, lúc này sản phẩm gốm không phải là đồ vật vô tri, chỉ có giá trị sử dụng, mà sinh động, đẹp như tác phẩm nghệ thuật, nhìn mãi không chán mắt.

 

Tất cả những ngón nghề trên, anh Trịnh đều mong muốn truyền lại. Lò gốm của anh nằm trong khu dân cư nên mỗi lần nổi lửa đều gây phiền phức cho hàng xóm. Nhất là mùa mưa, trời nặng, khói không bốc lên được. Muốn mở mang nghề và thu nhận thêm người, đòi hỏi phải có một diện tích đất tương đối rộng. Anh ao ước, giá như được huyện Bình Sơn quy hoạch cho khu đất làm gốm riêng biệt, anh sẽ gom hết số thợ đang tha phương cầu thực quy về một mối để trao truyền nghề.

 

Đời sống mỗi ngày một khá hơn. Những ngôi nhà sang trọng, những ngôi biệt thự, nhà hàng chen nhau mọc. Tôi đã từng chứng kiến nhiều chủ nhân ra tận Bắc Ninh, Quảng Nam, vào tới Đồng Nai, Bình Định mua đồ gốm về trang trí trong nhà. Vậy mà ngay tại Quảng Ngãi, một làng nghề truyền thống có hàng mấy trăm năm đang trôi về phía lụi tàn. Mong có những bàn tay chặn lại.

V.HIỀN

 Một số sản phẩm gốm Mỹ Thiện.           


.