Lịch sử là môn học bắt buộc

09:07, 26/07/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bộ GD&ĐT đã quyết định đưa Lịch sử thành môn học bắt buộc trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT, với thời lượng 52 tiết/năm học. Đây là quyết định nhận được sự ủng hộ của xã hội, giáo viên và học sinh.
 
[links()]
 
Ngày 11/7, Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch số 770/KH-BGDĐT về việc thực hiện môn Lịch sử trong Chương trình Giáo dục phổ thông cho năm học 2022 - 2023. Trong đó, Bộ GD&ĐT xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình môn Lịch sử cấp THPT phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học (từ lớp 10 - 12), để dạy cho tất cả học sinh thay vì là môn tự chọn như đã được ban hành trước đó.
 
Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh trong một tiết học.  Ảnh: TR.PHONG
Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh trong một tiết học. Ảnh: TR.PHONG
Bộ GD&ĐT đề nghị các đơn vị chuyên môn thành lập Ban biên soạn, tổ biên tập và tổ chức thẩm định phần nội dung Lịch sử bắt buộc. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên các Sở GD&ĐT về thực hiện chương trình Lịch sử phần bắt buộc 52 tiết đối với lớp 10, 11 và 12. Sau đó, các đơn vị tiếp tục thành lập Ban phát triển chương trình Lịch sử với nhiệm vụ biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình, hoàn thành trước ngày 25/8.
 
Để đáp ứng sự thay đổi này, các trường THPT trên địa bàn tỉnh phải điều chỉnh lại tổ hợp môn học đã xây dựng trước đó. Điều này cũng đặt ra trách nhiệm đối với đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử trong quá trình đổi mới phương pháp, cách dạy học để Lịch sử trở thành môn học hấp dẫn, được học sinh yêu thích.
 
Trước đó, nhiều trường THPT trên toàn tỉnh đã xây dựng tổ hợp môn học cho chương trình lớp 10 mới, năm học 2022 - 2023. Vì vậy, ngay sau khi Lịch sử chính thức là môn học bắt buộc, các trường đã lên phương án xây dựng lại tổ hợp mới. Tuy nhiên, các phương án còn phải chờ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
 
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Mộ Đức) Đoàn Quốc Việt cho biết, nhà trường đã lên phương án các tổ hợp để học sinh lựa chọn. Tuy nhiên, đến ngày 11/7, khi Bộ GD&ĐT có quyết định mới về môn Lịch sử, trường đã tạm dừng để chờ hướng dẫn của cấp trên.
 
Theo lãnh đạo nhiều trường THPT, đa số học sinh lớp 10 vẫn chưa chọn phương án tổ hợp. Sở GD&ĐT và các trường THPT sẽ có những hướng dẫn cụ thể khi Bộ GD&ĐT có các hướng dẫn mới.
 
Thông tin Lịch sử trở thành môn học bắt buộc trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT đã tạo ra sự phấn khởi trong đội ngũ giáo viên dạy môn học này. Tuy nhiên, quy định mới cũng đòi hỏi giáo viên đổi mới phương pháp, cách dạy để giúp môn Lịch sử ngày càng hấp dẫn học sinh hơn. Nhiều giáo viên cho rằng, quá trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới nên có giải pháp gắn môn Lịch sử với các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; đồng thời thay đổi cách tổ chức dạy học. 
 
Thầy giáo Lê Văn Phương - Tổ trưởng Tổ Lịch sử - Địa lý - Giáo dục công dân, Trường THPT Chuyên Lê Khiết gợi mở, để học sinh hứng thú khi học môn Lịch sử thì phải đổi mới phương pháp giảng dạy. Bên cạnh dạy lý thuyết cần kết hợp với thực hành, đổi mới nội dung bài giảng. Các giáo viên dạy môn Lịch sử của trường đã chủ động tìm hiểu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp. Đặc biệt, các thầy cô đã tích cực cập nhật các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin để soạn các bài giảng hấp dẫn hơn.
 
TRÍ PHONG
 
 
 

.