Nâng cao chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ: Đâu là giải pháp (kỳ 2)

01:11, 17/11/2015
.


(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, đội ngũ giáo viên (GV) tiếng Anh các bậc học trên địa bàn tỉnh đều đạt chuẩn và trên chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, qua khảo sát năng lực ngôn ngữ của GV tiếng Anh theo khung tham chiếu chung Châu Âu thì kết quả đạt được không như mong đợi.   

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 2: Chuẩn hóa giáo viên theo khung tham chiếu chung Châu Âu

Thực hiện Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, Bộ GD&ĐT quy định GV tiếng Anh phải đạt chuẩn về năng lực ngôn ngữ tương đương bậc 4 (B2) đối với tiểu học, THCS và bậc 5 (C1) đối với THPT...


 Chuyện tế nhị

Hầu hết GV dạy ngoại ngữ đều rất ngại khi nói đến việc khảo sát năng lực ngôn ngữ theo khung tham chiếu chung Châu Âu. Nhiều người bảo rằng, đây là chuyện tế nhị. “Đã là thầy giáo, đứng lớp giảng dạy học trò nhiều năm rồi mà nay gọi là chưa đạt chuẩn thì quả thật là một áp lực rất lớn đối với chúng tôi”, một GV dạy ngoại ngữ thổ lộ. Đợt khảo sát đầu tiên được Sở GD&ĐT tổ chức năm 2011, do Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng trực tiếp đánh giá, có 867/1.102 GV tiếng Anh ở các bậc học tham gia đợt khảo sát này. Kết quả bậc tiểu học không có GV đạt chuẩn trong tổng số 132 GV được khảo sát; THCS có 29 GV đạt chuẩn B2, 1 GV đạt chuẩn C1 trong số 512 GV; THPT có 3/223 GV đạt chuẩn C1. Nhiều GV khảo sát năng lực ngôn ngữ không đạt đã “mất ăn, mất ngủ”. Đối với những GV chưa khảo sát cũng lo lắng không kém, vì không biết năng lực ngôn ngữ của mình ở mức độ nào, liệu có đạt chuẩn hay phải thi đi thi lại nhiều lần như nhiều đồng nghiệp.

Giáo viên tiếng Anh học bồi dưỡng để thi đạt chuẩn theo khung tham chiếu Châu Âu.
Giáo viên tiếng Anh học bồi dưỡng để thi đạt chuẩn theo khung tham chiếu Châu Âu.

 

Thạc sĩ Nguyễn Tú Nhi-Phó trưởng Khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Phạm Văn Đồng cho biết, trường đã cử nhiều giảng viên đi bồi dưỡng, thi đánh giá năng lực để đáp ứng trình độ chuẩn theo quy định. Hiện có 2/3 giảng viên của khoa đã đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ. Chất lượng đầu vào của sinh viên không đồng đều, kỹ năng nghe, nói rất hạn chế nên trường cũng đã tổ chức để sinh viên học tiếng Anh với giảng viên người Úc trực tiếp giảng dạy. Sắp đến, trường sẽ tổ chức hội thảo để rà soát, đánh giá, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu năng lực ngoại ngữ của sinh viên khi tốt nghiệp ra trường.

Nhiều GV đã tự bỏ tiền túi đi Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… để ôn tập và thi cho đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ. Việc đi thi này hầu như được giữ kín, chỉ khi đạt chuẩn mới báo tin cho Ban Giám hiệu, trường hợp bị trượt thì im lặng và lại tiếp tục “bí mật” đi thi. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, có nhiều GV tự đi thi đến 3 lần mới đạt chuẩn. Mà mỗi lần đi thi mất không dưới chục triệu đồng. Một GV dạy cấp II ở TP.Quảng Ngãi vào TP.HCM thi đạt chuẩn B2, mừng không tả xiết nhưng về vẫn giấu kín, chưa vội báo kết quả cho nhà trường. “Có đồng nghiệp cùng đi thi nhưng bị trượt nên cũng thấy ngại, vả lại mình còn trẻ trong khi nhiều thầy cô có thâm niên vẫn chưa đạt chuẩn…”, cô giáo này cho biết. Một GV khác dạy ở một trường THPT trên địa bàn TP.Quảng Ngãi tâm sự rằng: “Mình đi thi đến nay chưa biết kết quả. Nhiều dự định công việc gia đình đành gác lại, vì lo lắng mỗi việc làm sao cho đạt chuẩn”.

Hiện nay, tại Trường ĐH Phạm Văn Đồng, Sở GD&ĐT đang phối hợp với ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngôn ngữ cho GV tiếng Anh ở các trường học trong tỉnh, cuối khóa sẽ thi khảo sát năng lực ngôn ngữ trình độ B2 và C1. Trong số GV tham gia đợt bồi dưỡng lần này, có nhiều GV trước đó đã thi trượt. Một thầy giáo có thâm niên 17 năm dạy THPT, hiện đang tham gia lớp bồi dưỡng tại Trường ĐH Phạm Văn Đồng, bộc bạch: “Suốt 2 tháng học ngày, học đêm, không biết lần này có đạt chuẩn hay không. Suốt 17 năm giảng dạy, giờ không đạt chuẩn cũng thấy buồn. Có người bỏ ra 15-16 triệu đồng đi nơi khác thi, tốn tiền đã đành, lại thêm nỗi lo mặc cảm vì không đậu”. Trước đó, thầy giáo này thi khảo sát chỉ đạt trình độ B2, giờ tiếp tục thi lên C1 để đạt chuẩn.

Động viên thầy, cô giáo là chủ yếu

Để nâng cao chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ, tránh thực trạng học ngoại ngữ gần chục năm trời mà không nghe, không nói được, GV buộc phải nâng cao năng lực chuyên môn. Bà Nguyễn Thị Mỹ Phúc-Chuyên viên phụ trách bộ môn tiếng Anh, Phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi cho rằng: “GV buộc phải nâng cao trình độ, không còn cách nào khác. Biết là khó nên chúng tôi thường xuyên động viên các thầy, cô giáo phải cố gắng”. Theo bà Phúc, nhiều GV trẻ tuổi thể hiện sự cố gắng, nhưng một số GV lớn tuổi thì tâm tình rằng, việc học tập, khảo sát để nâng cao năng lực ngoại ngữ theo khung tham chiếu chung Châu Âu đối với họ là quá sức.

Giáo viên bản ngữ ở Trung tâm Anh ngữ AMA (TP.Quảng Ngãi) hướng dẫn học viên phát âm theo chuẩn ngoại ngữ Quốc tế.
Giáo viên bản ngữ ở Trung tâm Anh ngữ AMA (TP.Quảng Ngãi) hướng dẫn học viên phát âm theo chuẩn ngoại ngữ Quốc tế.


Ở nhiều trường học trong tỉnh, GV còn một vài năm nữa nghỉ hưu chấp nhận chưa đạt chuẩn, không tiếp tục đăng ký thi khảo sát. Có không ít GV dạy THPT, nhưng chỉ mới ở trình độ A2. Ông Nguyễn Hồng Danh-Hiệu trưởng Trường THPT Ba Gia cho hay: “Trường có 8 GV dạy ngoại ngữ. Qua khảo sát cho thấy trình độ của GV không đồng đều. Nâng cao năng lực của GV là cần thiết để nâng cao chất lượng giảng dạy môn ngoại ngữ. Nhiều GV đi học về bảo là khó, nhưng khó mấy cũng phải học, phải thi cho đạt chuẩn”. Ông Lương Thành Hưng-Phó hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng thì cho rằng, từ khi có Đề án dạy và học môn ngoại ngữ, GV của trường đã có nhiều cố gắng, tự học, tự đi thi để nâng cao năng lực ngoại ngữ. Nhiều người cũng buồn, cũng mặc cảm vì thi rớt.  “Nhưng đây là lỗi mang tính hệ thống, nên trường chỉ biết động viên thầy, cô giáo cố gắng trau dồi, nâng cao năng lực ngoại ngữ chứ không thể áp dụng biện pháp chế tài”, ông Hưng nói.

Hầu hết GV đều nhận định, việc bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ là hữu ích. Tuy nhiên, không ít GV trăn trở vì cho rằng kiến thức đã học vận dụng vào thực tiễn giảng dạy không nhiều, lý do là học lực của HS quá yếu, chỉ tiếp thu lượng kiến thức trong sách giáo khoa đã là vất vả đối với các em. Rõ ràng, ở cả người dạy và người học môn ngoại ngữ đang có “vấn đề”, mà theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục và GV thì đó là lỗi mang tính “hệ thống” và đã trở thành “lối mòn” cần phải được khắc phục.

 Đến nay, tỷ lệ GV đạt trình độ năng lực ngôn ngữ B2 và C1 được nâng cao đáng kể. Bậc tiểu học có 117/255 GV đạt chuẩn B2 (đạt 46%); THCS có 315/572 GV đạt chuẩn B2 (55%); THPT có 59/275 GV đạt chuẩn C1 (22%). Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, Đề án dạy và học ngoại ngữ thực hiện đến năm 2020, nhưng mong muốn của ngành đến năm 2018 tất cả GV dạy ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh sẽ đạt trình độ chuẩn năng lực ngôn ngữ theo khung tham chiếu chung Châu Âu.

 

Bài, ảnh:  P.LÝ
(Còn nữa)




 


.