Nhà giàn DK1: Vành đai chủ quyền trên Biển Đông (kỳ 1)

02:07, 25/07/2019
.
Kỳ 1: Thiêng liêng hai tiếng chủ quyền
(Báo Quảng Ngãi)- Đúng 30 năm trước, có những con tàu vượt sóng gió tìm nơi xây nhà giàn trên biển, nhằm bảo vệ khu vực bãi ngầm trong thềm lục địa phía nam của Việt Nam. Để rồi từ đó đến nay, hệ thống nhà giàn sừng sững giữa trùng khơi đã tạo thành vành đai vững chắc, ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Từ những nhà giàn đầu tiên...
 
Năm 1988, đứng trước yêu cầu cấp bách của sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và lợi ích lâu dài của đất nước, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng quyết tâm triển khai xây dựng Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ tại khu vực bãi đá ngầm thềm lục địa phía đông và đông nam của Việt Nam, thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Công tác thăm dò, khảo sát và tiến hành xây dựng các nhà giàn trên các bãi san hô ngầm được tiến hành ngày sau khi có quyết định của Chính phủ.
 
Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía nam của Tổ quốc.
Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía nam của Tổ quốc.

Ngày 6.11.1988, biên đội tàu HQ 713 và HQ 668 do Trung tá Phạm Xuân Hoa, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171 Hải quân chỉ huy, cùng đoàn khảo sát đã vượt sóng ra thềm lục địa phía nam của Tổ quốc. Tháng 5.1989, các biên đội tàu của Lữ đoàn 171 và Hải đoàn 129 phối hợp với tàu kéo chuyên dụng của Bộ GTVT bắt đầu chở khung nhà giàn, cùng vật liệu sắt thép vượt sóng ra bãi cạn Phúc Tần.

Giữa biển khơi bao la sóng gió, nắng cháy bỏng da như thử thách sức chịu đựng của con người, những người thợ đóng giàn ngành dầu khí cùng các chiến sĩ công binh như chạy đua với thời gian, chia ca làm việc 24/24 giờ. Có tận mắt nhìn thấy những tòa nhà thép trên biển, thì mới hiểu được sự khó khăn của những người xây dựng công trình DK1.
 
Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Đại tá Nguyễn Quốc Văn nói: “Xây một ngôi nhà trên đất liền đã khó, thì "xây nhà” trên biển càng khó hơn gấp vạn lần”. Bởi phải xác định chính xác chiều cao của sóng; về cấu trúc, địa chất nền san hô... trong khi vật tư, trang bị và kiến thức của đội ngũ cán bộ làm công trình trên biển ngày ấy còn hạn chế. Giữa trùng khơi, điều kiện thi công khắc nghiệt, khó lường, phải chạy đua tiến độ cho kịp mùa biển lặng. Nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám làm và tình yêu cháy bỏng với biển đảo Tổ quốc đã giúp họ vượt qua tất cả".

Sau hơn một tháng chạy đua với sóng gió, ngày 10.6.1989, nhà giàn đầu tiên mang phiên hiệu Phúc Tần rộng khoảng 25m2 hoàn thành. Toàn bộ công trình nặng 250 tấn, cao 45m, trụ vững giữa Biển Đông.

Tiếp sau đó, nhà giàn 3A Phúc Tần và 6A Ba Kè được gấp rút hoàn thiện. Đây chính là 3 nhà giàn đầu tiên, là “cột mốc chủ quyền quốc gia đặc biệt trên biển”, tiên phong chốt giữ thềm lục địa, nơi tiền tiêu của Tổ quốc.

Đại tá Nguyễn Quốc Văn cho biết: “DK còn có nghĩa là dũng khí. Bởi để có được những nhà giàn trên biển như ngày hôm nay, những con người ở thời điểm đó cần phải có khí phách dám đương đầu với khó khăn, nguy hiểm để làm những việc nên làm”.
 
“Đánh bắt ở ngư trường này chúng tôi rất yên tâm, bởi lực lượng hải quân của Việt Nam luôn giúp đỡ chúng tôi hết mình. Buổi tối, tàu chúng tôi thường neo đậu ở gần các nhà giàn, nhìn lên ánh điện lấp lánh ở các nhà, cứ ngỡ như mình đang ở đất liền vậy”.
 
Ngư dân ĐẶNG VĂN BÌNH thuyền viên tàu QNg – 95979 TS
 
... đến “điểm tựa” trên Biển Đông
 
“Nhà chòi”, “chuồng bồ câu” là những từ mà ngư dân gọi vui khi nói về nhà giàn DK1, để so sánh sự nhỏ bé của nhà giàn với biển cả mênh mông. Tuy nhiên, sau nhiều năm đi vào hoạt động, các nhà giàn DK1 không ngừng “thay da đổi thịt”. Những nhà giàn mới tiếp tục được xây dựng trên chính nền móng của những nhà giàn cũ, to đẹp và vững chãi hơn rất nhiều.
 
Những ngày sóng gió, nhu yếu phẩm vận chuyển từ đất liền cho các nhà giàn phải “tăng bo” bằng xuồng máy.
Những ngày sóng gió, nhu yếu phẩm vận chuyển từ đất liền cho các nhà giàn phải “tăng bo” bằng xuồng máy.
 
Đến thăm nhà giàn DK1 ở cụm Ba Kè, điều ấn tượng nhất là cuốn sổ ghi lại những cảm xúc của những người đã từng đặt chân lên nhà giàn. Đó là dòng chữ bày tỏ sự xúc động của những cán bộ, lãnh đạo trên đất liền; là lời thán phục của thế hệ trẻ, hay đơn giản chỉ là lời cảm ơn ngắn gọn của những ngư dân... Nhưng tất cả đã khắc họa nên hình ảnh một nhà giàn vững chãi, là điểm tựa của ngư dân đang ngày đêm bám biển và là cột mốc chủ quyền ở vùng phên dậu Tổ quốc.
 
Ngày 5.7.1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị số 180 về việc xây dựng Cụm Dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật và ngày này đã trở thành ngày “sinh nhật” của nhà giàn. Hiện nay, trên thềm lục địa phía nam có gần 20 nhà giàn DK1 đóng chân ở các bãi cạn Ba Kè, Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Nguyên, Tư Chính và Cà Mau. Mỗi nhà giàn là một cột mốc tạo thành vành đai thép, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.
Anh Đặng Văn Bình, thuyền viên tàu QNg – 95979 TS nhớ lại: “Năm 2016, tàu chúng tôi đang đánh bắt tại ngư trường DK1. Sau khi ngủ trưa dậy, tôi sơ ý bị đập đầu xuống sàn tàu, chảy máu và bất tỉnh. Các ngư dân đã nhanh chóng đưa tôi lên nhà giàn DK1/21 để các y sĩ sơ cứu, khâu vết thương. Sau đó, tàu bệnh viện 561 đã tiếp nhận anh Bình để cấp cứu và điều trị”.

Câu chuyện của anh Bình chỉ là một trong số trăm ngàn câu chuyện của ngư dân đánh bắt tại ngư trường DK1 được cán bộ, chiến sĩ nhà giàn giúp đỡ, hỗ trợ. Chính trị viên nhà giàn DK1 cụm Quế Đường, đại úy Trịnh Trọng Nghĩa cho biết: "Nhà giàn tiếp nhận trung bình mỗi năm từ 20 đến 30 lượt tàu ngư dân đến nhờ giúp đỡ, phần lớn là sơ cấp cứu tai nạn lao động trên biển, xin hỗ trợ nước ngọt, nguyên liệu và tiếp tế lương thực, thực phẩm, cứu nạn tàu thuyền...".

Các nhà giàn còn có nhiệm vụ lập các đèn biển để thông báo cho tàu thuyền đánh cá và vận tải hàng hải đi lại trong vùng an toàn; đặt trạm nghiên cứu khí tượng thủy văn; làm nơi trú tránh bão và ứng cứu ngư dân... Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của DK1 là chốt giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía nam của Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho việc khai thác tài nguyên nơi thềm lục địa.

Suốt 30 năm qua, nhà giàn DK1 đã thực sự trở thành vành đai thép trên biển, phục vụ hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế biển; tạo sự liên hoàn từ đất liền ra quần đảo Trường Sa; khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Bài, ảnh: XUÂN HIẾU

-------------
Kỳ 2: Khúc tráng ca trên biển                                                                                                                                        
 

.