Phụ nữ nông thôn khởi nghiệp

02:06, 24/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều phụ nữ ở nông thôn đã mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình. Các chị đã chịu khó học hỏi, tận dụng thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế.
 
[links()]
 
Nâng cấp nghề truyền thống
 
Chị Huỳnh Thị Tường Vi, ở xã Bình Hiệp (Bình Sơn), nghỉ việc làm kế toán để tìm cho mình hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình. "Sau một thời gian thăm dò thị trường và tìm hiểu các ngành nghề kinh doanh, thấy ở địa phương chưa có cơ sở sản xuất bún tươi bằng dây chuyền hiện đại nên tôi quyết định đầu tư, thử sức với công việc này”, chị Vi chia sẻ. 
 
Chị Huỳnh Thị Tường Vi, ở xã Bình Hiệp (Bình Sơn), sản xuất bún tươi bằng dây chuyền hiện đại.
Chị Huỳnh Thị Tường Vi, ở xã Bình Hiệp (Bình Sơn), sản xuất bún tươi bằng dây chuyền hiện đại.
Nghề làm bún tươi không mới, tuy nhiên ở xã Bình Hiệp, các cơ sở sản xuất bún chủ yếu theo hình thức thủ công, nhỏ lẻ. Vì vậy, chị Vi đã đầu tư dây chuyền sản xuất, sử dụng máy móc hiện đại để làm bún đạt chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Giữa năm 2021, chị Vi vay vốn ngân hàng để đầu tư dây chuyền sản xuất bún trị giá gần 200 triệu đồng. Cơ sở sản xuất bún của chị Vi được nhiều xí nghiệp, nhà máy lớn đặt mua để phục vụ bữa ăn cho công nhân. 
 
Chị Vi cho hay, mỗi ngày tôi làm 3 mẻ bún với tổng khối lượng gần 500kg. Bún làm hoàn toàn từ gạo, không chất phụ gia, nhờ vậy được người tiêu dùng tin tưởng. Thời gian đến, tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đăng ký thương hiệu và sản xuất nhiều loại bún đáp ứng nhu cầu của khách hàng. 
 
Là người chuyên buôn bán hải sản tươi sống nhưng do hoàn cảnh gia đình nên bà Nguyễn Thị Vị, ở xã Bình Chánh (Bình Sơn), đành nghỉ công việc này để tìm hướng mưu sinh khác. Tận dụng lợi thế ở địa phương có nhiều hải sản tươi ngon, bà Vị đã mày mò chế biến và kinh doanh các mặt hàng hải sản tẩm gia vị. “Với kinh nghiệm buôn bán hải sản nên tôi biết cách chọn hải sản tươi ngon. Tôi tự học hỏi cách tẩm ướp để làm hải sản tẩm gia vị thơm ngon", bà Vị cho biết. Từ những sản phẩm có chất lượng đã giúp cơ sở của bà Vị được nhiều người biết đến. Trung bình mỗi tháng, bà Vị bán vài tạ hải sản khô, rim, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định. 
 
Sản xuất rau an toàn
 
Từ một vài hộ có ý tưởng trồng rau an toàn, năm 2019, Hội LHPN xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) đã phối hợp với các cấp, ngành mở nhiều lớp tập huấn trồng rau sạch cho hội viên, phụ nữ. Qua những lớp tập huấn này, nhiều chị em được bổ sung kiến thức về cách sản xuất rau sạch, làm ra các chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh, góp phần canh tác hiệu quả mà vẫn an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.
 
Nhiều phụ nữ ở xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) phát triển kinh tế gia đình từ việc canh tác rau sạch.
Nhiều phụ nữ ở xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) phát triển kinh tế gia đình từ việc canh tác rau sạch.
Chị Nguyễn Thị Hoa là một trong 3 hội viên phụ nữ được huyện hỗ trợ gần 15 triệu đồng để mua lưới, giống, phân bón phục vụ cho việc canh tác rau sạch. Chị Hoa cho biết, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của huyện, tôi mở rộng diện tích trồng rau quanh năm lên gần 8 sào với đủ các loại rau như khổ qua, bí đao, dưa leo... Cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật, tuân thủ đúng quy trình chăm sóc, thu hoạch, chọn lựa các giống rau, củ, quả có ưu điểm vượt trội để canh tác, vợ chồng tôi tự làm chế phẩm sinh học từ ớt và gừng để phun lên cây trồng phòng trừ sâu bệnh. Dù rau củ do gia đình tôi sản xuất có giá thành đắt hơn nhưng người tiêu dùng vẫn chọn mua vì sản phẩm an toàn cho sức khỏe. 
 
Đến nay, mô hình trồng rau an toàn được nhiều hội viên, phụ nữ ở xã Hành Thiện triển khai. Trong đó, có 10 chị trồng rau quanh năm và mở rộng diện tích từ 3 - 10 sào, với nhiều loại rau có giá trị kinh tế như ngò gai, nấm rơm, khổ qua, bí đao... Chủ tịch Hội LHPN xã Hành Thiện Trần Thị Kim Chi nhận định, qua tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn và vốn ưu đãi qua kênh ủy thác cho vay của hội LHPN đã giúp nhiều hội viên, phụ nữ nhân rộng mô hình trồng rau an toàn và trồng quanh năm trong nhà lưới. Mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc trồng rau tập trung, liên kết sản xuất nên thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm, giúp các gia đình có nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống. 
 
Bài, ảnh: HIỀN THU
 
 
 
 

.