Doanh nghiệp chế biến thủy sản vẫn gặp khó

04:04, 27/04/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nguồn nguyên liệu thủy sản của Quảng Ngãi khá dồi dào, nhưng nhiều năm nay, các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản trong tỉnh lại rơi vào cảnh thiếu nguyên liệu, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
[links()]
Toàn tỉnh hiện có 23 DN (tập trung ở KCN Quảng Phú) thu mua, sơ chế, chế biến các sản phẩm thủy sản xuất khẩu các mặt hàng như: Cá phi lê đông lạnh, cá nguyên con đông lạnh, tôm nguyên con đông lạnh, tôm tẩm bột, mực khô, cá khô các loại... 
 
Luôn thiếu nguyên liệu
 
Các DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa lớn mạnh, mà nguyên nhân chính là do thiếu nguyên liệu, dù tổng sản lượng thủy sản khai thác của tỉnh bình quân mỗi năm từ 260 - 265 nghìn tấn. “Nguyên nhân là do tàu khai thác xa bờ ít về các cảng cá của tỉnh; đầu nậu thao túng... Vì vậy, muốn có nguồn nguyên liệu, DN phải mua lại của thương lái trong và ngoài tỉnh với giá cao, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất”, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phú Phạm Văn Ba cho biết. 
Thiếu nguyên liệu, nên một số doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh hoạt động cầm chừng, hiệu quả chưa cao.
Thiếu nguyên liệu, nên một số doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh hoạt động cầm chừng, hiệu quả chưa cao.
Cùng với sự cạnh tranh của thị trường, thì sức ép đối với các DN chế biến xuất khẩu trong tỉnh hiện nay chính là việc xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Do các bến cá tư nhân nằm ngoài sự quản lý của các ngành chức năng, nên nguồn nguyên liệu thủy sản được mua bán tại đây rất lớn, nhưng lại thuộc diện không rõ nguồn gốc xuất xứ! Trong khi đó, 5 cảng neo trú tàu thuyền và cảng cá chỉ định ở Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), Mỹ Á, Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ) và Lý Sơn thực hiện việc xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác thì ít tàu cập cảng. Năm 2020, sản lượng thủy sản được xác nhận tại các cảng chỉ định chưa tới 10 nghìn tấn, làm cho việc thu mua của DN trong tỉnh thêm khó khăn.
 
Nguồn nguyên liệu bị động, nên nhiều DN ngại đầu tư hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, dẫn đến sản lượng chế biến chỉ đạt 10 - 15% tổng sản lượng khai thác. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt thấp, riêng 3 tháng đầu năm 2021, giảm 4% so với cùng kỳ 2020.
 
Mong được gỡ nút thắt
 
Tàu cá cập vào bến cá tự phát không chỉ giảm thu nhập của ngư dân, làm "đóng băng" các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương. Được biết, toàn tỉnh có hơn 30 bến cá tự phát vẫn ngang nhiên hoạt động từ nhiều năm nay, bất chấp các quy định của Luật Thủy sản 2017. Điều đó cho thấy, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này của một số cơ quan chức năng chưa được chặt chẽ. “Tàu cập về các bến cá tự phát là để né lực lượng chức năng, do không đủ các thủ tục xuất, nhập vào 5 cảng chỉ định. Còn việc kiểm soát tàu cá ra vào các bến sông, cửa biển là trách nhiệm của lực lượng biên phòng”, Giám đốc Ban Quản lý Các cảng cá tỉnh Trần Lê Hồng Sơn khẳng định.
 
Nếu các cơ quan, đơn vị quản lý phối hợp chặt chẽ, kiên quyết “nói không” với những tàu chưa đảm bảo thủ tục ra vào bến sông, cửa biển thì sẽ không có sự tồn tại của bến cá tự phát. Với ý kiến cho rằng 5 cảng cá chỉ định chưa đáp ứng nhu cầu của tàu công suất lớn, ông Sơn cho hay: “Đúng là 5 cảng chỉ định chưa đảm bảo các tiêu chuẩn loại 2. Tuy nhiên, Ban quản lý vẫn sắp xếp, bố trí tàu cá neo đậu và bốc dỡ hàng hóa đảm bảo an toàn. Bởi theo tính toán, lúc cao điểm nhất cũng chỉ có khoảng 20 tàu/ngày/cảng”.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 

.