Công nghiệp tăng trưởng ấn tượng

04:10, 20/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau 5 năm triển khai thực hiện Kết luận số 18 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp (CN), giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Ngãi đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, với tăng trưởng bình quân 4,49%/năm. Qua đó, hoàn thành nhiệm vụ đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
Những điểm nhấn nổi bật
 
Một thành quả lớn trong thực hiện nhiệm vụ đột phá về đẩy mạnh phát triển CN trong nhiệm kỳ qua là Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất (KLH) đã triển khai đầu tư xây dựng tại KKT Dung Quất từ năm 2017, với tổng vốn đầu tư 60 nghìn tỷ đồng. Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất Mai Văn Hà cho biết: Dự kiến, vào tháng 12.2020, lò cao số 4 của nhà máy sẽ chạy thử, qua đó hoàn thành đầu tư KLH.
 
Khi cả 4 lò cao hoạt động ổn định, sẽ đạt sản lượng thép thô tối đa 16 - 17 nghìn tấn/ngày, tương đương khoảng 5 triệu tấn/năm. Dự án này sẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng ngành CN, thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người dân Quảng Ngãi. Từ đầu năm đến nay, sản lượng phôi thép của KLH đạt trên 1,8 triệu tấn, trong đó có 129.600 nghìn tấn phôi tấm (HRC); giải quyết việc làm cho 9.500 lao động địa phương. 
 
Cảng chuyên dụng Hòa Phát Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 200 nghìn tấn cập cảng.         ẢNH: PH.DANH
Cảng chuyên dụng Hòa Phát Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 200 nghìn tấn cập cảng. ẢNH: PH.DANH
Bên cạnh đó, những năm qua, Quảng Ngãi đã phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, có sức lan tỏa để thúc đẩy phát triển CN tỉnh như: Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất; Khu Đô thị - Dịch vụ - Công nghiệp VSIP Quảng Ngãi. Tích cực phối hợp các bộ, ngành trung ương, tỉnh Quảng Nam và nhà đầu tư thực hiện Dự án đưa khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào bờ, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện các dự án khí tại KKT Dung Quất; hỗ trợ Tập đoàn Sembcorp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu đầu tư các dự án nhà máy điện khí...
 
Trụ cột của nền kinh tế
 
Giá trị sản xuất CN năm 2020 ước đạt 132.965 tỷ đồng, tăng bình quân 4,49%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra (tăng từ 2 - 3%/năm). Trong đó, nếu không tính sản phẩm từ dầu thì tăng  24,68%/năm (Nghị quyết: 14 - 15%/năm), chủ yếu nhờ có sản phẩm công nghiệp mới là thép Hòa Phát Dung Quất... Tỷ lệ lao động CN - xây dựng trong tổng lao động của tỉnh chiếm 32%, đạt chỉ tiêu nghị quyết. 
Sản xuất mui nệm xuất khẩu đi Mỹ tại Công ty TNHH Millennium (KCN VSIP Quảng Ngãi).  ẢNH: THANH NHỊ
Sản xuất mui nệm xuất khẩu đi Mỹ tại Công ty TNHH Millennium (KCN VSIP Quảng Ngãi). ẢNH: THANH NHỊ
Theo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, ngành CN đang là trụ cột trong tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh, tập trung chủ yếu vào các sản phẩm trong nhóm ngành CN chế biến, chế tạo, chiếm hơn 98% giá trị sản xuất CN như: CN lọc hóa dầu (năm 2020, tỷ trọng hơn 60%), CN chế biến thực phẩm, đồ uống (hơn 8%), CN sản xuất máy móc, thiết bị cơ khí (hơn 4%) và sản phẩm mới từ ngành CN luyện kim, sản xuất kim loại (gần 4%). 
 
Công nghiệp chế biến lâm sản cũng là một trong những ngành có thế mạnh của tỉnh, chủ yếu nhờ lợi thế nguồn nguyên liệu trồng rừng tại chỗ (2,5%). Riêng CN dệt may, da giày là ngành có lợi thế phát triển của tỉnh nhờ có nguồn lao động khá dồi dào, tăng trưởng đạt 12,7%/năm. Ngoài các sản phẩm của NMLD Dung Quất, các sản phẩm cơ khí, thiết bị công nghiệp nặng của Công ty Doosan Vina... không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu đi 35 nước trên thế giới, mang lại giá trị xuất khẩu cao.
 
Riêng các nhà máy, cơ sở sản xuất CN ở nông thôn, chủ yếu tập trung ở 18/23 cụm CN, với diện tích 299ha. Đến nay đã thu hút được 139 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 2.525 tỷ đồng; có 88 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 3.850 lao động, với thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/tháng.
 
Dồn sức đầu tư, mở hướng phát triển mới
 
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Ngãi đã tập trung nguồn lực thực hiện hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển KKT Dung Quất và các KCN tỉnh. Ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, tỉnh còn thu hút các nguồn lực xã hội và hỗ trợ các nhà đầu tư để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển như: Hạ tầng các KCN VSIP Quảng Ngãi, Khu Đô thị - Công nghiệp Dung Quất, KCN Bình Hòa - Bình Phước... Qua đó, mở hướng phát triển mạnh mẽ cho ngành CN tỉnh trong những năm đến.
 
Bên cạnh đó, với kết quả thu hút hơn 560 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký gần 200 nghìn tỷ đồng (tương đương 8,4 tỷ USD) trong giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có một số dự án đã đi vào hoạt động như Thép Hòa Phát Dung Quất, các dự án trong KCN VSIP Quảng Ngãi; việc đẩy nhanh tiến độ triển khai và đưa các dự án này vào hoạt động sẽ góp phần hình thành các sản phẩm mới, tăng quy mô nền kinh tế cũng như góp phần giải quyết việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh.
 
Theo lãnh đạo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh, việc đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị và triển khai các công trình, dự án trọng điểm, quy mô lớn như: Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất, các nhà máy điện khí từ mỏ Cá Voi Xanh, bến cảng tổng hợp - Container Hòa Phát Dung Quất, dự án Thép Hòa Phát Dung Quất mở rộng... sẽ là động lực lan tỏa đến các vùng khác trong tỉnh cũng như đẩy mạnh mối liên kết liên tỉnh, liên vùng và quốc tế, tạo điều kiện cho CN của tỉnh phát triển.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao
 
Trong những năm đến, Quảng Ngãi sẽ đẩy mạnh phát triển CN theo hướng tăng tỷ trọng các ngành CN công nghệ cao; phát triển CN ngoài dầu và CN phụ trợ cho các cụm ngành CN có lợi thế. Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng KKT Dung Quất, các khu, cụm CN, nhất là nguồn lực của các nhà đầu tư, kinh doanh hạ tầng. Phối hợp với các Bộ, ngành trung ương xây dựng Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia trên địa bàn KKT Dung Quất và thực hiện dự án đưa khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào bờ, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện các dự án điện khí tại KKT Dung Quất. Đồng thời, rà soát lại các cơ chế, chính sách, xem xét đổi mới, cải tổ mô hình hoạt động của KKT Dung Quất; dành đầy đủ nguồn lực để phát triển KKT Dung Quất trở thành một trung tâm CN, thành phố CN của miền Trung.

 

PHẠM DANH
 
 
 
 
 
 

.