Người nuôi cá lồng gặp khó

09:06, 24/06/2020
.
Thời tiết nắng nóng kéo dài, mực nước tại các sông, hồ đập xuống thấp, khiến việc nuôi cá lồng của người dân đối mặt với nhiều rủi ro.
Nhiều khó khăn
 
Những năm qua, nghề nuôi cá lồng dọc bờ sông Trà Khúc, đoạn qua thôn Tây, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) đã trở thành kế sinh nhai của hơn 60 hộ dân nơi đây. So với làm ruộng, trồng bắp, đậu... nghề nuôi cá lồng đem lại thu nhập cao hơn nhiều. Thế nhưng, từ cuối năm 2019 đến nay, trời không mưa và nhiệt độ luôn ở mức cao, làm cho nước sông Trà cạn, khiến việc nuôi cá nước ngọt trong lồng bè của người dân đối diện với nhiều rủi ro. 
 
Để đảm bảo mực nước cho cá sinh trưởng, nhiều hộ nuôi cá lồng ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) phải di chuyển lồng cá ra xa bờ.
Để đảm bảo mực nước cho cá sinh trưởng, nhiều hộ nuôi cá lồng ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) phải di chuyển lồng cá ra xa bờ.
Có kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi cá lồng trên sông, nên nói về kỹ thuật, ông Lê Thái Sơn, ở thôn Tây, xã Tịnh Sơn không thiếu. Song trước tình trạng mực nước sông ngày càng xuống thấp, thì ông không lường trước được. Để khắc phục, gia đình ông Sơn đã phải sử dụng máy hút cát, tạo độ sâu và phủ bạt lên lồng để giảm độ nóng cho cá; đồng thời di chuyển cá đến nơi có nhiều nước hơn. Tuy nhiên, hiện nay nước xuống quá thấp, cá rất dễ bị chết vì thiếu oxy.
 
Ông Sơn chia sẻ: “Theo tiêu chuẩn, lồng cá phải đặt cách mặt nước 1m, nhưng hiện nay chỉ cách khoảng 20 - 30cm. Lồng cá nằm sát mặt nước, sẽ chịu tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời, nên cá rất dễ bị ngộp. Vừa rồi, 2 lồng cá chình của tôi bị chết, thiệt hại trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, thỉnh thoảng cá ở các lồng khác cũng chết, khiến gia đình rơi vào khó khăn”.
 
Không riêng gì ông Sơn, mà hàng chục hộ nuôi cá lồng ở xã Tịnh Sơn cũng đang rất lo lắng trước tình trạng mực nước xuống quá thấp. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Sơn Nguyễn Ngọc Khanh, hiện nay người nuôi cá lồng đã sử dụng nhiều biện pháp để bảo vệ cá như sử dụng lá cây, ván, bạt để che chắn, tránh ánh nắng trực tiếp; đồng thời dùng máy hút cát tạo độ sâu đặt lồng; thậm chí nhiều người phải bơm nước giếng tạo dòng chảy để giảm nhiệt cho cá. Dù đã áp dụng nhiều biện pháp, nhưng nếu nắng nóng kéo dài, nước sông tiếp tục cạn, sẽ rất khó khăn cho người nuôi cá.
 
Cần chủ động để tránh thiệt hại
 
Tình trạng cạn nước tại các hồ, đập ở thị xã Đức Phổ trong mùa nắng năm nay được dự báo vẫn còn khốc liệt, ảnh hưởng đến việc nuôi cá nước ngọt trong lồng bè của người dân. 
 
Đối với anh Lê Văn Trung, nghề nuôi cá lồng trên hồ Liệt Sơn, phường Phổ Hòa (thị xã Đức Phổ) đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh hơn 13 năm qua. Không chỉ cung cấp cho các chợ, nhà hàng, sản phẩm cá của anh Trung còn được các siêu thị ký hợp đồng mua thường xuyên. Lường trước được những khó khăn trong mùa nắng năm nay, nên ngay từ đầu vụ, anh Trung đã chủ động trong cách thả cá. Chính sự linh hoạt này đã giúp anh giảm được thiệt hại trong quá trình nuôi cá nước ngọt, đảm bảo nguồn hàng cung cấp theo đơn đặt hàng của các siêu thị.
 
“Mùa nắng, nước cạn, lượng oxy trong nước ít, nên nuôi cá sẽ khó hơn rất nhiều. Chính vì vậy, tôi giảm số lượng cá thả trong lồng. Bên cạnh đó, trang bị thiết bị sục khí oxy đầy đủ để phòng trường hợp mực nước xuống thấp cá không bị chết ngay, người nuôi có thời gian để di chuyển lồng đến nơi có nước nhiều, đảm bảo cho cá sinh trưởng”, anh Trung chia sẻ.
 
Để tránh thiệt hại nặng về kinh tế, Chi cục Thủy sản tỉnh khuyến cáo, người dân nên bán sớm cá thương phẩm, tăng cường máy sục khí oxy cho các lồng nuôi cá giống. Cùng với đó, người nuôi cần giảm lượng cá thả trong các lồng, để tránh tình trạng thiếu oxy dẫn đến cá bị ngộp và chết.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.