Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm": Liên kết để lan tỏa

09:09, 24/09/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dù có nhiều nỗ lực, nhưng đến nay, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) của Quảng Ngãi vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Theo các chuyên gia, muốn tạo tính lan tỏa của hàng hóa, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa sản phẩm của nhiều địa phương.
TIN LIÊN QUAN

Sản phẩm OCOP còn đơn điệu

Triển khai việc lựa chọn, đăng ký sản phẩm OCOP khá rầm rộ, thậm chí hàng loạt sản phẩm được tỉnh tạo điều kiện gắn địa danh với tên gọi xuất xứ hàng hóa, nhưng việc sản xuất và tiêu thụ vẫn chưa có nhiều thay đổi.
"Lễ hội dưa hấu Bình Sơn" được tổ chức tại xã Bình An nhằm quảng bá sản phẩm nông nghiệp, kết nối du lịch.

Trên thực tế, quy mô sản xuất các sản phẩm OCOP ở Quảng Ngãi còn nhỏ lẻ, trong khi mục tiêu làm thế nào để sản phẩm OCOP có đầu ra ổn định, phát huy được hiệu quả thực sự là điều mà người dân mong muốn.

Quảng Ngãi đã nỗ lực trong tìm kiếm và thực hiện các giải pháp phù hợp, cần thiết để thực hiện, đưa nhiều địa phương trong tỉnh chạm đích nông thôn mới, nhưng đứng ở góc độ thương mại, sản phẩm OCOP vẫn đơn điệu. Tất cả các nhóm mặt hàng gồm thực phẩm; đồ uống; thảo dược; lưu niệm - nội thất - trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng và nhóm sản phẩm nông nghiệp, truyền thống như trong chương trình OCOP đề ra, Quảng Ngãi gần như chỉ đạt 1 nhóm là "sản phẩm nông nghiệp truyền thống".

Các sản phẩm của Quảng Ngãi mang tính chất vùng miền còn quá cao, nhiều nơi một sản phẩm đại diện đặc trưng cho cả một vùng đất rộng lớn, dẫn đến xã nào cũng chọn sản phẩm này là "sản phẩm của xã". Đơn cử  như hành, tỏi Lý Sơn, quế Trà Bồng, cau Sơn Tây.

Hơn nữa, mặc dù được ngợi ca là đặc sản Quảng Ngãi, song việc tiêu thụ và kết nối tiêu thụ vẫn còn rời rạc, chủ yếu vẫn qua kênh tư thương nhỏ lẻ, với số lượng đơn hàng thiếu ổn định; chưa có bất kỳ sản phẩm OCOP nào được sơ chế, nâng cao giá trị hàng hóa. Nhiều xã còn chọn sản phẩm rừng tự nhiên, để đưa vào chương trình OCOP, nhưng thiếu tính sản xuất thành hàng hóa một cách bền vững.

"Tỉnh khuyến khích các điểm du lịch, các quán ăn phục vụ du khách tận dụng các sản vật địa phương để chế biến thành những món ăn đặc trưng, hình thành văn hóa ẩm thực đặc sắc. Sở Công thương cũng sẽ có giải pháp hỗ trợ sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có tính đặc trưng so với sản phẩm cùng loại đang có trên thị trường; tăng cường đưa các sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ để quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng".

Giám đốc Sở Công thương VÕ ĐÌNH TRÀ

Liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm OCOP

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai điểm bán hàng OCOP và hoạt động khá hiệu quả. Các điểm bán hàng OCOP được kết nối với du lịch, tạo nên sức tiêu thụ, sự lan tỏa thương hiệu hàng hóa rất lớn. Còn tại Quảng Ngãi, đến nay vẫn chưa có điểm bán hàng OCOP nào mang tính quy củ, đúng yêu cầu.

Theo các đầu mối cung ứng sản phẩm OCOP, muốn tạo tính lan tỏa của hàng hóa, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa sản phẩm của nhiều địa phương. Điểm bán hàng OCOP phải đáp ứng được yêu cầu này, nhưng chính những người nông dân sản xuất ra sản phẩm lại lo ngại cách làm này chưa thể tạo ra giá trị cao hơn, nếu không có sự quản lý nhà nước một cách chặt chẽ.

Ở góc độ điểm cung ứng sản phẩm OCOP, cũng cho rằng, nếu không có sự quản lý chặt chẽ thì hàng hóa giả mạo sẽ tràn lan, nguy cơ gây sụt giảm giá trị hàng chính hãng. Việc hỗ trợ nông dân thực hiện các chứng nhận mẫu mã, chất lượng từ phía các cơ quan chức năng ở thời điểm này đối với sản phẩm OCOP là hết sức cần thiết.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 

.