Hàng ngoại giá rẻ tràn vào thị trường

08:07, 15/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2018, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) được thực hiện, nhiều dòng thuế nhập khẩu về 0% gây sức ép lớn lên hàng nội địa. Quảng Ngãi tuy không phải là thị trường tiêu dùng lớn trong nước, nhưng sự mở cửa này đã khiến hàng ngoại nhập giá rẻ tràn vào, kéo theo hàng nội địa trong siêu thị, cửa hàng, quầy sạp liên tục phải xuống kệ.

Sức ép hàng ngoại lên hàng nội     

Năm 2018 có tới 16 FTA được ký kết, triển khai thực hiện và là năm chuyển sang thuế nhập khẩu bằng 0% đối với nhiều mặt hàng từ Trung Quốc, Hàn Quốc như: Thịt gà, cà phê, chè nguyên liệu, hóa chất, thuốc kháng sinh, nguyên liệu dệt, vải may mặc, quần áo, sắt thép, máy móc thiết bị điện, điện tử... Đây chính là nguyên nhân rất nhiều mặt hàng ngoại tràn vào thị trường.

 

 Mặt hàng trái cây ngoại nhập bán tại Siêu thị Co.op mart Quảng Ngãi.
Mặt hàng trái cây ngoại nhập bán tại Siêu thị Co.op mart Quảng Ngãi.


Chỉ tính riêng tại TP.Quảng Ngãi, năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 đã có hàng chục cửa hàng bán hàng Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản đưa vào hoạt động. Hàng hóa chủ yếu là bánh kẹo, thực phẩm sơ chế, trái cây sấy khô, hàng may mặc... Với cách bày trí bắt mắt, khang trang, tiện lợi và giá cả phải chăng đã thu hút khá đông khách hàng.

Đó là chưa kể hệ thống bán hàng online hàng ngoại nhập. Họ không cần thuê mặt bằng, chỉ cần quản được mạng và nhập được dòng hàng giá rẻ, sẵn sàng hạ giá cạnh tranh, để gia tăng doanh số bán hàng. Những cửa hàng mini bán tạp hóa trên địa bàn thành phố hiện tại đã thưa dần khách. Vì thế, để tồn tại, họ cũng đã nắm bắt xu thế "hàng ngoại giá rẻ" và nhập hàng ngoại về đưa lên kệ, thay thế dần những sản phẩm nội địa tiêu thụ kém.

Theo báo cáo kết quả khảo sát về hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2017, sản phẩm trong nước được người tiêu dùng yêu thích chiếm 51% và thường xuyên mua dùng chiếm đến 60%. Tuy nhiên, khảo sát 6 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ này đã giảm mạnh với tỷ lệ yêu thích chỉ còn 27% và 32% thường xuyên tiêu dùng.

"Sống chung" với hàng ngoại

Giám đốc Sở Công thương Trần Phước Hiền, nhận định: Thời kỳ đầu hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải những khó khăn, thách thức, sức ép nhất định. Tuy nhiên về lâu dài, hội nhập là tất yếu để đem lại sự phát triển mạnh mẽ, hướng đến phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.  Mặc dù vậy, nếu điều này không được kiểm soát sẽ thực sự là khó khăn, thách thức lớn cho nền sản xuất trong nước.

Hiện tại, Việt Nam còn chịu sức ép của "Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung". Mọi hàng hóa của Trung Quốc khi xuất sang Mỹ bắt đầu phải chịu mức thuế rất cao. Vì thế, với đặc thù là "thị trường láng giềng", hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc chắc chắn sẽ tràn vào Việt Nam.

Để "sống chung" với hàng ngoại nhập giá rẻ, hiện tại Bộ Công thương đang yêu cầu các tỉnh, thành phố, trong đó có Quảng Ngãi đề xuất giải pháp ứng phó. Trong đó, yêu cầu phải đề cập sâu đến vai trò quản lý nhà nước, với các quy định chặt chẽ hơn về nhập khẩu hàng hóa, nhất là hàng hóa giá rẻ. Về phía DN, để có thể chủ động vượt qua khó khăn trong cuộc chiến cạnh tranh với hàng ngoại giá rẻ, cần thiết phải đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến chất lượng, mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm.

Với người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam yêu cầu phát huy tinh thần yêu nước thông qua lựa chọn và tiêu dùng hàng Việt. Đó chính là thiết thực giúp doanh nghiệp trong nước vượt qua khó khăn, đứng vững trước xu thế hội nhập, để phát triển.


Bài, ảnh: THANH NHỊ


 


.