Kỳ vọng vào mùa vụ mới

10:03, 01/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù công việc đồng áng không mấy thuận lợi, giá cả rau màu năm nay lại nằm ở mức thấp, nhưng sau Tết, nông dân lại tất bật ra đồng để tập trung sản xuất vụ đông xuân 2017 - 2018.

TIN LIÊN QUAN

Nông dân kỳ vọng năm mới mùa màng tốt tươi, sản phẩm nông nghiệp bán được giá để bù đắp những ngày chăm bẵm vất vả.

Cùng nhau ra đồng

Bước vào sản xuất vụ đông xuân 2017 - 2018, nông dân trong tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn về thời tiết và giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao... Thế nên, ngay sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều nông dân đã cùng xuống đồng, chăm sóc lúa, rau màu.

Tranh thủ những ngày nắng ấm vừa qua, bà Trần Thị Hải, ở xã Bình Hiệp (Bình Sơn) bón phân cho ruộng lúa. “Mình là nông dân, dựa vào cây lúa là chính, nên chỉ vui chơi Tết vài ba ngày là lại ra đồng. Cũng nhờ thăm đồng thường xuyên mà mấy đám ruộng của tôi mới không bị chuột cắn phá, sâu bệnh cũng nhanh chóng bị diệt trừ”, bà Hải cho hay.

Sau Tết, nông dân xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) đã ra đồng kiểm tra và phòng trừ sâu, bệnh cho cây lúa. Ảnh: Đ.Diệu
Sau Tết, nông dân xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) đã ra đồng kiểm tra và phòng trừ sâu, bệnh cho cây lúa. Ảnh: Đ.Diệu


Theo Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn Phạm Hồng Nguyên, thời điểm xuống giống thời tiết lạnh kéo dài, nên cây lúa chậm phát triển. Tuy nhiên, trong những ngày Tết nắng ấm, nên cây lúa sinh trưởng tốt. Hơn nữa, trong những ngày qua nông dân trong huyện có nhiều hoạt động vui Xuân, đón Tết nhưng vẫn không quên công việc đồng áng. Hiện tình hình sâu bệnh, dịch hại cũng như nước tưới đảm bảo. Cây lúa đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển tốt.

Còn đối với những người làm rau màu thì việc ra đồng là “chuyện thường ngày”. Do đó, họ chỉ nghỉ ngày mùng một Tết và ra đồng vào ngày mùng hai để thu hoạch, cung cấp nguồn rau xanh cho thị trường ngay trong những ngày Tết.

Bà Tống Thị Thoang, ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi), cho biết: “Không như những ngành nghề khác, người trồng rau phải thường xuyên có mặt ở ngoài đồng, nhất là thời điểm thu hoạch. Bởi chỉ cần chậm một, hai ngày là cây rau không còn xanh đẹp, thương lái sẽ chê ngay, nên Tết mọi người vẫn phải ra đồng để thu hoạch rau”.

Tập trung phòng trừ sâu bệnh

Sau Tết, ruộng lúa nhà bà Nguyễn Thị Tỵ, thôn Kỳ Thọ Nam 1, xã Hành Đức (Nghĩa Hành) bị nhiễm bệnh. Bà Tỵ phải mang mẫu lúa bệnh đến cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật để được tư vấn và mua thuốc để phun. Bà Tỵ cho hay: “Nếu không mang lúa bị bệnh đến để tư vấn, thì mình cũng không biết bệnh gì để chữa trị. Mấy ngày Tết nắng ấm, gặp thời tiết thuận lợi nên sâu bệnh phát triển nhanh quá. Trước Tết mình cũng thường xuyên ra đồng thì chưa có phát bệnh, nhưng sau vài ngày lại xuất hiện bệnh vàng lá sinh lý rồi”.


Lãnh đạo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Nghĩa Hành cho biết, trước Tết chừng một tháng xuất hiện tình trạng chuột cắn phá lúa cùng với các loại bệnh thông thường ở cây lúa. Nhưng nhờ chủ động phòng trừ, nên dịch bệnh cũng không nghiêm trọng và không bùng phát trên diện rộng. “Năm nay dịch bệnh không bùng phát nhiều, nên lúa phát triển đảm bảo. Tuy nhiên, nông dân không vì thế mà chủ quan. Chúng tôi thường xuyên cử cán bộ về các xã để theo dõi và hướng dẫn cho bà con về cách phòng, chữa bệnh cho cây trồng”, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Nghĩa Hành Hồ Duy Khanh cho hay.

Còn tại các xã Tịnh Sơn, Tịnh Hà, Tịnh Đông (Sơn Tịnh) bà con nông dân đang nỗ lực trị bệnh đạo ôn và chuột cắn phá ở cây lúa. Theo nhiều nông dân, năm nay bệnh đạo ôn bùng phát nhanh và lây lan trên diện rộng, công tác phòng, chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Ông Trần Văn Chúng, ở thôn Phước Lộc Tây, xã Tịnh Sơn cho biết: “Trước Tết thì chuột cắn phá, còn bây giờ thì bệnh đạo ôn hoành hành. Bệnh đạo ôn rất nguy hiểm với cây lúa và lây lan rất nhanh, nếu chủ quan sẽ mất trắng. Sau Tết, chúng tôi phải ứng trực ngoài đồng thường xuyên để chữa bệnh và tập trung diệt chuột, bảo vệ lúa”.

Theo thống kê của lãnh đạo xã Tịnh Sơn, tổng diện tích lúa bị dịch bệnh đạo ôn và chuột phá hoại ở xã hiện đã lên đến hơn 17ha. Thời tiết diễn biến thất thường kèm với sương muối kéo dài nhiều ngày liền nên các loại dịch bệnh lây lan khá nhanh. Hiện tại, nhiều nông dân ở địa phương này đang nỗ lực chữa bệnh cho lúa. Ông Trương Quang Tri, cán bộ Hội Nông dân xã Tịnh Sơn cho biết: “Bệnh đạo ôn nếu không chữa thì sẽ làm cháy lá và dẫn tới việc thất thu hoàn toàn về năng suất. Tuy nhiên, để chữa trị bệnh này, cần phải trị theo đợt và đúng loại thuốc, đúng liều lượng. Riêng đối với việc chuột cắn phá, chúng tôi cũng đã dùng nhiều biện pháp để tiêu diệt, đến bây giờ số lượng chuột cũng đã giảm, tuy nhiên bà con cần chủ động và thường xuyên thăm đồng để phát hiện và chữa trị kịp thời”.

Kỳ vọng vào vụ mới

Ở “vựa rau” Nghĩa Dũng, Nghĩa Hà, Tịnh Long... (TP.Quảng Ngãi) vào những ngày sau Tết, không khí lao động hăng say ngay từ những ngày đầu xuân lan tỏa trên khắp các xứ đồng. Mọi người tranh thủ thu hoạch những thửa rau còn lại để có thể làm đất, kịp thời xuống giống vụ mới.

 

Người dân xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) thu hoạch rau sau Tết.                                                                                                                                ẢNH: HỒNG HOA
Người dân xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) thu hoạch rau sau Tết. ẢNH: HỒNG HOA

Dẫu giá cả rau xanh phục vụ thị trường Tết năm nay không như mong đợi, bởi thu không bù nổi chi phí đầu tư ban đầu, thế nhưng đối với người nông dân ở các xứ đồng chuyên canh rau màu thì công việc “gieo hạt và hái quả” đã trở thành công việc thường xuyên và liên tục. Do vậy, dù cho vụ rau Tết có kém vui, nhưng không vì thế mà người trồng bỏ đất.

Bà Phạm Thị Bạch Thức, ở xã Nghĩa Dũng, bộc bạch: “Chưa có năm nào giá cả vụ rau trước, trong và sau Tết lại thấp như năm nay. Hiện hầu hết các loại rau bán tận ruộng đều chỉ nằm ở mức 1.000 đồng/kg, thậm chí xà lách người mua chỉ trả 500 đồng/kg. Biết vậy, nhưng làm nông thì không thể để “đất nghỉ”. Vậy nên, tôi đang tranh thủ thu hoạch lứa rau này mang lên chợ bán để lấy đất trồng vụ mới. Chỉ mong sao vụ tới rau màu sẽ tốt tươi, giá cao...”.

Vụ sản xuất đông xuân được xem là vụ sản xuất chính trong năm, với nhiều thuận lợi về nước tưới cũng như thời tiết. Do đó, với sự nỗ lực chăm bón của nông dân, hy vọng mùa vụ năm nay sẽ gặt hái thành công.


H.HOA-Đ.DIỆU


 


.