Xanh lại vùng đất lũ

12:02, 15/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Về lại những vùng lũ dữ đi qua cuối năm 2017, giờ đồng bãi đã ngời một sắc xanh. Người dân vùng rốn lũ đã gượng dậy, rạng rỡ đón xuân về...

Làng hoa ngời sắc

Sau nhiều ngày chìm trong mưa lạnh, nắng vừa hửng lên, những vườn hoa Tết ở làng hoa Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) đã vươn mình. Anh Nguyễn Văn Hùng, ở thôn Đồng Viên, là một trong những người có kinh nghiệm trồng hoa xuân vào loại nhất, nhì chốn này. Anh Hùng bảo: “Mưa lũ vừa rồi cuốn trôi, gây hư hỏng đến cả trăm chậu cúc. Sau lũ tôi dồn hết tâm sức chăm sóc 200 ảng còn lại. Giờ thì an tâm rồi! Thương lái đã mua hết vườn cúc này với giá cao hơn nhiều so với mùa hoa trước”.

Người dân xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) chăm sóc cây ăn trái phục vụ Tết.
Người dân xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) chăm sóc cây ăn trái phục vụ Tết.


Làng hoa Nghĩa Hiệp thời điểm này khá rộn ràng. Tất cả đang chuẩn bị để mang ra chợ hoa xuân Mậu Tuất.  Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp Trần Văn An cho biết: “Năm nay cúc được giá gấp đôi mọi năm. Mất mùa, nhưng bù lại được giá, người trồng hoa Nghĩa Hiệp sẽ có một cái Tết vui”.

Với sản lượng khoảng 70.000 chậu cúc và 50.000 chậu hoa các loại, làng hoa Nghĩa Hiệp sẽ góp thêm sắc xuân rực rỡ cho mọi nhà. Hiện nay, hoa cúc chậu ở Nghĩa Hiệp đã bán gần hết cho thương lái ở Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai... Giá từ 110.000- 500.000 đồng/chậu. Hoa hồng bình quân 200.000 đồng/chậu đã được đặt mua hết để đưa đi trưng bày những “đường hoa xuân” ở nhiều khu đô thị, KCN. Các loại hoa thược dược, đồng tiền, mồng gà... giá thấp cũng 50.000 đồng/chậu. Trừ chi phí khoảng 50%  - 70% doanh thu, còn lại là khoản lãi của người trồng hoa. Đó là chưa kể đến hoa mai, với giá bán khá cao, người trồng có thu nhập có khi cả trăm triệu đồng chỉ với vài chậu mai xuân.

“Rốn lũ” phủ một màu xanh

Vùng “rốn lũ” Nghĩa Hành, Bình Sơn những ngày cuối năm, màu xanh đã bời bời phủ kín. Những buồng chuối dọc triền sông Liên xuôi qua xã Hành Tín Tây, Hành Tín Đông đang được người dân thu hoạch, để chuẩn bị ra chợ Tết. Với người dân nơi đây, mỗi mùa Tết đến, thu nhập từ chuối đã mang về một khoản không nhỏ so với một năm làm ruộng, trồng đậu, nuôi trâu.

Đợt lũ cuối năm 2017 vừa qua đã “đốn” của người dân nhiều vườn chuối. Nhưng ngay sau khi lũ rút, người dân lại dọn dẹp, chăm sóc những cây còn sót lại bằng chính dưỡng chất phù sa mà cơn lũ để lại. Có thể vì thế mà những nải chuối ở vùng ven sông này đẹp, giá cao. Hiện tại, có nhiều thương lái đã về đặt mua với giá bình quân 20.000 đồng/nải.

Với vùng đất được mệnh danh là “vựa trái cây tại chỗ”, nhiều vùng trồng cây ăn quả ở Nghĩa Hành đang rốt ráo chuẩn bị cho mùa thu hoạch quan trọng nhất trong năm. Chủ nhân những vườn bưởi ở xã Hành Nhân sau trận lũ lịch sử cuối 2017 bị thiệt hại khá nặng nề, bởi dòng lũ dữ từ con sông Phước Giang. Thế nhưng, đến nay nhiều cành trĩu quả chuẩn bị ra chợ đón mùa xuân mới. Còn chôm chôm ở đây gần như quanh năm đều ra quả, nhờ áp dụng kinh nghiệm, kỹ thuật của nhà vườn.

Ở xã Hành Nhân, nhiều vườn chôm chôm cho thu hoạch đúng vào những ngày cận Tết. Anh Nguyễn Tấn Tự, thôn Đông Trúc Lâm có vườn chôm chôm gần 50 cây đang cho quả. Do ảnh hưởng của đợt mưa lũ cuối năm 2017 nhiều  cây bị ảnh hưởng, nhưng gia đình anh đã tích cực chăm sóc, mùa Tết này vẫn cho thu hoạch. “Sản lượng có sụt giảm, nhưng giá bán vào mùa Tết cao nên gia đình hy vọng sẽ đạt doanh thu khoảng vài trăm triệu đồng”, anh Tự chia sẻ.

Trong khi đó, ở vùng “rốn lũ” Bình Sơn, sau lũ người dân nỗ lực dồn sức khôi phục lại những vườn rau, vườn hoa lan để kịp phục vụ Tết. Vợ chồng anh Nguyễn Tấn Thanh, thôn Sơn Lộc, xã Bình Minh (Bình Sơn) có vài sào rau phục vụ Tết. Anh Thanh cho biết: “Sau lũ trồng cây gì cũng khó hơn, nhưng bù lại giá bán được. Nếu Tết này bán được giá như những năm trước thì vườn khổ qua 3 sào của nhà mình sẽ thu được khoản tiền khá lắm đấy!”.
      

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.