Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Chưa tạo đột phá

09:01, 01/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù thu được một số kết quả tích cực, nhưng sau hơn 3 năm thực hiện, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp (Đề án) vẫn chưa tạo được sự đột phá...

TIN LIÊN QUAN

Giai đoạn 2015-2017, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tăng bình quân 4,5%. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,2%; lâm nghiệp 9,8% và thủy sản tăng 7,5%. Tuy nhiên, tăng trưởng của ngành trong những năm qua chủ yếu phát triển theo hướng mở rộng quy mô, nên giá trị và hiệu quả chưa cao.

Lúng túng xác định sản phẩm chủ lực

“Đã hơn 3 năm thực hiện Đề án, nhưng đến thời điểm này, ngành nông nghiệp vẫn chưa xác định được các loại cây trồng, vật nuôi cũng như sản phẩm chủ lực mang thương hiệu cấp tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Nguyễn Quang Trung cho biết.

 Rau an toàn chưa tạo sự đột phá vì diện tích sản xuất nhỏ lẻ, hạ tầng thiếu đồng bộ.
Rau an toàn chưa tạo sự đột phá vì diện tích sản xuất nhỏ lẻ, hạ tầng thiếu đồng bộ.


Các loại cây trồng, vật nuôi như lúa gạo, hành, tỏi, rau màu, cây ăn quả hay nuôi bò… là đối tượng phát triển đại trà, chứ chưa phải sản phẩm mang tính cạnh tranh và giá trị cao.

Đơn cử như lĩnh vực sản xuất rau màu. Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất rau an toàn được cấp giấy chứng nhận VietGAP và cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Tuy nhiên, diện tích sản xuất rau an toàn chỉ có 12ha, quá nhỏ so với 12.000ha rau màu toàn tỉnh. Hơn nữa, hạ tầng chưa được đầu tư tương xứng, nên việc sản xuất rau an toàn vẫn còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Vì vậy, sản lượng bấp bênh, giá trị cạnh tranh thấp, nên chưa có chỗ đứng trên thị trường.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, đến cuối năm 2017, tỷ lệ bò lai trên toàn tỉnh ước đạt 66,5%, vượt chỉ tiêu Đề án 1,5%. Song, tỷ lệ trên chỉ đạt ở khâu mở rộng quy mô số lượng, còn giá trị và chất lượng thì vẫn bấp bênh.

Tuy số lượng bò tăng, nhưng trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa có khu giết mổ gia súc tập trung, cũng chẳng có nhà máy sản xuất thức ăn gia súc. Điều này khiến chi phí sản xuất tăng, mà hiệu quả lại thấp.

Vì vậy, sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án, mới đây Sở NN&PTNT điều chỉnh và bổ sung các dự án gọi vốn đầu tư là: Dự án đầu tư xây dựng gia súc công nghiệp quy mô 1.000-1.200 tấn thịt bò/năm và nhà máy sản xuất thức ăn tổng hợp cho gia súc, gia cầm với công suất 60-80 nghìn tấn/năm.

Loay hoay tìm đầu ra

Nhiều năm nay, cây ăn quả được xác định là đối tượng chủ lực. Do đó, không chỉ huyện Nghĩa Hành, mà ngành nông nghiệp cũng quan tâm bố trí nguồn lực, chuyển giao khoa học công nghệ để xây dựng vùng phát triển tập trung.

Chính vì vậy, các loại cây ăn quả như bưởi, chôm chôm, cam, chuối ngự Nghĩa Hành đã dần được người tiêu dùng trong tỉnh biết đến và đón nhận. Song, vì chưa hình thành mối liên kết sản xuất-tiêu thụ, nên đầu ra của sản phẩm vẫn do người dân tự bơi.

“Đầu ra phụ thuộc vào thương lái, nên sản phẩm từ vườn ra chợ chênh lệch rất lớn về giá bán. Có thời điểm, giá 1kg bưởi chênh nhau 50%. Vì vậy, trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả cao, nhưng thương lái lại là đối tượng hưởng lợi nhiều hơn nông dân!”, ông Huỳnh Đức, người trồng bưởi ở xã Hành Minh cho biết.      

Không chỉ cây ăn quả Nghĩa Hành, đầu ra của hầu hết nông sản trong tỉnh đều không có địa chỉ ổn định, chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Vì vậy, người dân chỉ quan tâm sản xuất các loại nông sản mà thị trường Trung Quốc ưa chuộng, trong khi sản phẩm được ngành chuyên môn và chính quyền địa phương xác định là “đối tượng chủ lực” thì người dân lại phớt lờ.

Thực trạng này đã tồn tại nhiều năm nay, và ngay Đề án cũng xác định mục tiêu quan trọng nhất là tìm giải pháp cho vấn đề tiêu thụ nông sản. Song, đã hơn 3 năm, đầu ra của nông sản vẫn cứ loanh quanh với điệp khúc “được mùa rớt giá”.

Xung quanh vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho rằng, nhiều địa phương xác định cây trồng, vật nuôi chưa xuất phát từ thực tiễn, mà rập khuôn và chạy theo phong trào, nên chưa thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất. Hơn nữa, việc tiêu thụ nông sản không thể “muốn là được” mà phụ thuộc nhiều vào thị trường.

“Vì vậy sắp tới, Đề án sẽ chỉ tập trung nguồn lực thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trọng điểm, tránh tình trạng dàn trải như lâu nay. Ngoài ra, Sở NN&PTNT sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành trong việc kết nối doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, cũng như xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ”, ông Tô cho biết.



    Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.