Bình Hải phát triển mô hình trồng hoa Tết

09:12, 22/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tận dụng thời gian nhàn rỗi và mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng hoa Tết, là hướng phát triển kinh tế mới mà nhiều nông dân ở xã Bình Hải (Bình Sơn) đang thực hiện. Từ một vài hộ làm, nay toàn xã đã có gần 40 hộ trồng hoa Tết, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân.

TIN LIÊN QUAN

Hiệu quả kinh tế cao

Những ngày qua, nhiều hộ trồng hoa ở xã Bình Hải (Bình Sơn) tất bật chăm sóc vườn hoa cúc để có những chậu hoa đẹp bán ra thị trường. Là một trong những người đầu tiên trồng hoa Tết ở địa phương, có thu nhập khá, anh Đặng Thân, ở thôn Vạn Tường, kể: Quê tôi vốn không có truyền thống trồng hoa cúc bán Tết.

Năm 2010, tôi đến làng hoa Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) tham quan và nhận thấy, mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao, lại tận dụng được thời gian nhàn rỗi từ tháng 9 đến tháng Chạp, nên tôi học hỏi làm theo. Năm đầu tiên, tôi chỉ trồng vài trăm chậu cúc và đã có lợi nhuận mấy chục triệu đồng, gấp nhiều lần so với trồng các loại rau màu khác. Vài năm trở lại đây, tôi trồng trên ngàn chậu, thu về mỗi năm gần 100 triệu đồng.

Phủ bạt trên đất để trồng hoa vừa giúp người trồng hoa dễ chăm sóc và hạn chế được mầm bệnh.
Phủ bạt trên đất để trồng hoa vừa giúp người trồng hoa dễ chăm sóc và hạn chế được mầm bệnh.


Là địa phương rất ít khi bị ngập lụt, thuận lợi cho việc trồng hoa, nên sau đó nhiều hộ gia đình ở đây đã theo học hỏi và phát triển nghề trồng hoa ở thôn Vạn Tường, đến nay đã có gần 40 hộ trồng. Sau mùa vụ chính trong năm, khoảng tháng 8 âm lịch, người dân ở đây bắt tay vào việc ươm và trồng hoa Tết. Từ một công việc phụ kiếm thêm thu nhập thì giờ đây, nghề trồng hoa đã mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân ở đây.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải Phạm Cầu, cho biết: Song song với việc sản xuất nông nghiệp truyền thống, những năm gần đây, nghề trồng hoa Tết đã giúp bà con địa phương phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Trung bình 500 chậu hoa cúc, sau khi trừ chi phí thì còn lợi nhuận ít nhất gần 30 triệu đồng. Đất ở đây phù hợp với nghề trồng hoa, nên xã đang tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân phát triển.

Áp dụng nhiều cách làm hay

Không có truyền thống trồng hoa bán Tết, nhưng những chậu hoa ở Bình Hải luôn được thương lái đánh giá cao về chất lượng. Có được điều đó, ngoài sự tỉ mẩn, cẩn thận trong việc chăm sóc, còn nhờ sự sáng tạo, biết áp dụng nhiều cách làm hay vào trồng trọt. Những chậu hoa cúc được đặt trong vườn nhà, đất trống... cỏ dại rất dễ mọc, vừa phải tốn công dọn cỏ, lại là nơi truyền mầm bệnh, nên khi bắt đầu vụ hoa Tết, những người trồng hoa ở đây đã phủ bạt kín trên đất, không cho cỏ mọc và hạn chế vi khuẩn sinh sôi.

Ông Đặng Tấn Phấn, cho biết: Trước mỗi vụ hoa Tết, tôi chỉ cần phát dọn cỏ sạch một lần, sau đó căng phủ bạt trên đất. Làm như thế, cỏ không mọc được, giảm được nấm, vi khuẩn, lại đỡ tốn công dọn cỏ dại nhiều lần mà còn giúp cây hoa phát triển được tốt nhất.

Trung bình 1 cây bạt phủ được 1,5 sào đất trồng hoa, giá mỗi cây bạt hơn 400 nghìn đồng, chỉ cần bỏ một số tiền vừa phải là cả một mùa hoa Tết, người trồng không phải lo lắng về các mầm bệnh, vi khuẩn xung quanh. Hơn nữa, phủ bạt trên đất giúp không gian trồng hoa rộng, thoáng, thúc đẩy sự quang hợp của cây và người trồng hoa cũng dễ dàng chăm sóc hơn.

Không chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt, lại có cách trồng hoa khoa học, nên người trồng hoa ở Bình Hải liên tục gặt hái những vụ hoa Tết bội thu. Việc tận dụng thời gian nhàn rỗi để trồng hoa Tết không những mang lại một không khí Tết rộn ràng ở vùng quê ven biển, mà công việc ấy còn mang lại nguồn thu nhập hết sức lý tưởng để bà con có thể đón một cái Tết thật sung túc.


Bài, ảnh: H.THU

 


.