Bao giờ nông dân Lý Sơn hết bị thiệt?

02:09, 21/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi ngày tại chợ huyện Lý Sơn luôn có từ 5-7 tấn nông sản, chủ yếu là hành, tỏi được nông dân địa phương đem đến tiêu thụ. Tuy nhiên, nông dân Lý Sơn luôn bị ám ảnh, bởi nạn ăn chặn của không ít thương lái.

TIN LIÊN QUAN

Vụ hành hè thu vừa qua, hành được mùa, được giá. Nhiều nông dân vui mừng đem sản phẩm ra chợ tiêu thụ, nhưng khi tính tiền thương lái lại trừ 10%, tức 10kg/100kg trọng lượng sản phẩm. Đó là chưa kể còn phải trừ bì từ 2 đến 3kg. Ðây là điều đã thành "lệ" ở đây nhiều năm qua. Nhưng nếu người dân không đồng ý, thì thương lái không mua, sản phẩm làm ra vì thế sẽ bị ứ đọng, để lâu sẽ hư hỏng, hao hụt.

Nông dân Lý Sơn vất vả trong sản xuất lại thường bị thương lái
Nông dân Lý Sơn vất vả trong sản xuất lại thường bị thương lái "ép" trong khâu tiêu thụ. ẢNH: PV


Theo phản ánh của nông dân, hiện tượng trên không những xảy ra ở chợ huyện mà còn xuất hiện khi thương lái đến thu mua tận hộ gia đình. Bà Dương Thị Liễu - một nông dân có thâm niên trong việc sản xuất hành, tỏi tại thôn Ðông, xã An Vĩnh bức xúc: Gia đình tôi một năm thu hoạch từ ba đến bốn tấn hành, tỏi. Khi đem bán ra thị trường theo cách sử dụng cân như hiện nay của thương lái, thì bị mất từ 300 đến 400kg sản phẩm. Thiệt hại này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất và gây bức xúc đối với nông dân trồng hành, tỏi trên đảo.

Mỗi năm nông dân Lý Sơn sản xuất được 1 vụ tỏi và 3 vụ hành, với sản lượng thu hoạch hàng chục nghìn tấn. Với cách thu mua không giống ai của thương lái, thì mỗi năm nông dân địa phương thiệt hại tiền tỷ, đó là chưa kể tình trạng bị ép giá...

Trước thực trạng trên, chính quyền và các ngành chức năng của huyện đã vào cuộc chấn chỉnh, để bảo vệ quyền lợi cho nông dân, đồng thời tuyên truyền để nông dân hiểu được những thiệt hại theo kiểu mua bán này như những năm qua. Tuy nhiên, tình trạng trên chưa được cải thiện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, việc mua bán hành, tỏi với mức trừ bì nhiều như vậy có từ lâu. Đã nhiều lần chính quyền vào cuộc để chấn chỉnh, nhưng đâu lại vào đấy. Nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, họp dân chúng tôi đã tuyên truyền cho bà con nếu bị trừ bì quá nhiều thì chở sản phẩm về, chứ không nên bán, nhưng người dân vẫn bán cho thương lái. Chính quyền chỉ can thiệp về đo lường chất lượng, chứ không thể can thiệp việc thỏa thuận giữa hai bên mua bán. Nếu tình trạng này còn kéo dài, thì thiệt hại của nông dân là không nhỏ.

Thiết nghĩ, nếu nông dân Lý Sơn có nơi bao tiêu sản phẩm hay có một doanh nghiệp đứng ra thu mua sản phẩm ổn định, hoặc các ngành chức năng ở địa phương có biện pháp ngăn chặn tình trạng thu mua như thời gian vừa qua thì đời sống của người nông dân huyện đảo Lý Sơn sẽ đỡ vất vả hơn.                       

Văn Mịnh

 


.