Đất ngàn cau vươn mình phát triển

11:06, 18/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đã qua một thời gian khó, Sơn Tây hôm nay đang vươn mình đi lên trong hành trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo...

TIN LIÊN QUAN

Dấu ấn những công trình hạ tầng

Những năm gần đây, ở huyện Sơn Tây đã “mọc” lên nhiều công trình đồ sộ, tạo nên một diện mạo mới và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Trong đó, hai công trình để lại dấu ấn lớn nhất là dự án thủy điện Đăkđrinh và tuyến đường Trường Sơn Đông (gần 40km) qua địa bàn huyện. Dự án thủy điện Đăkđrinh thì tạo ra giá trị mới về sản xuất công nghiệp và đưa tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm gần 70% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Còn tuyến đường Trường Sơn Đông thì tạo thuận lợi trong giao thương giữa huyện Sơn Tây và các huyện, tỉnh lân cận, góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu ngân sách trên địa bàn.

Diện mạo huyện Sơn Tây hôm nay đã có nhiều đổi thay.
Diện mạo huyện Sơn Tây hôm nay đã có nhiều đổi thay.


Ngoài hai “đại công trình” trên, trong 5 năm trở lại đây huyện đã đầu tư trên 580 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Hiện nay, trụ sở làm việc của tất cả các xã trên địa bàn huyện đã được đầu tư xây dựng kiên cố. Khu trung tâm huyện lỵ đang được tập trung đầu tư xây dựng, một số công trình đã hoàn thành như: Nhà làm việc Huyện ủy, Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng, Trạm khuyến nông - khuyến lâm... Những công trình hạ tầng đô thị trên, xây dựng hoàn thành sẽ góp phần quan trọng đưa Sơn Tây trở thành đô thị loại V vào năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII đề ra.

Bên cạnh đó, đến nay 100% số xã trên địa bàn huyện Sơn Tây có đường ô tô đến trung tâm xã; có 17km Tỉnh lộ 623 và hàng trăm kilômét đường huyện, xã, đường đô thị, thôn, xóm đã được cứng hóa, bê tông xi măng, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa, nông sản của nhân dân. Huyện đang tập trung đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường nội vùng, thôn xóm để giúp các xã đạt tiêu chí về giao thông nông thôn trong xây dựng NTM. Ngoài ra, toàn huyện có 118 công trình thủy lợi phục vụ nước tưới cho gần 1.570ha đất sản xuất; 93 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 4.480 hộ dân...
 

Năm 2015, tổng giá trị sản xuất của huyện Sơn Tây đạt gần 410 tỷ đồng, tăng hơn 41% so với năm 2014. Giá trị sản xuất bình quân đầu người (giá so sánh năm 2010) đạt trên 36 triệu đồng (tăng 10,54 triệu đồng). Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ. 6 tháng đầu năm 2016, cơ cấu kinh tế của huyện: Nông– lâm – ngư nghiệp chiếm 23,89%; công nghiệp – xây dựng 60,58% và thương mại – dịch vụ 15,53%.

Tập trung phát triển kinh tế

Ông Đinh Văn Dung (76 tuổi), một cựu thanh niên xung phong ở xã Sơn Dung bảo: “Người dân Sơn Tây tuy còn nghèo, nhưng tấm lòng luôn rộng mở và rất đoàn kết giúp nhau làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Cũng như trước kia đã từng đoàn kết gắn bó keo sơn, theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng, giải phóng quê hương, đất nước. Chúng tôi rất phấn khởi vì sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã hỗ trợ, giúp đỡ bà con về cây, con giống, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Quang Ven cho hay, bên cạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thời gian qua huyện tập trung triển khai nhiều mô hình khuyến nông để nhân rộng, giúp bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM. Hiện nay, Trạm khuyến nông huyện đang tập trung chăm sóc tốt mô hình nuôi cá tầm, với diện tích 312m2 ở xã Sơn Bua, cá đang sinh trưởng và phát triển tốt. Mô hình trồng thử nghiệm cây mắc-ca (6ha) ở ba xã Sơn Bua, Sơn Liên, Sơn Long, cây đang sinh trưởng và phát triển bình thường.

Mô hình trồng cỏ nuôi bò (thực hiện trên địa bàn 4 xã Sơn Dung, Sơn Mùa, Sơn Màu và Sơn Tinh), với 21 con bò cái sinh sản đang được tập trung theo dõi, chăm sóc. Và mô hình canh tác lúa nước trên địa bàn 2 xã Sơn Mùa, Sơn Bua (diện tích 1,6ha, 7 hộ tham gia), cho năng suất 60 tạ/ha. Mô hình này sau khi tổ chức hội nghị đầu bờ (có 50 nông dân tham dự) đã giúp bà con thấy rõ hiệu quả mang lại và sẽ nhân rộng ra các vụ sản xuất sau này.

"Để cải thiện thu nhập của người dân, huyện định hướng cho bà con phát triển kinh tế gia trại, trang trại; xây dựng các mô hình điểm để nhân rộng. Đồng thời cố gắng tuyên truyền, hỗ trợ, giúp người dân phát triển kinh tế rừng, xóa bỏ việc phá rừng làm nương rẫy. Ngoài ra chú trọng tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con thông qua việc xuất khẩu lao động...", Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Quang Ven, cho biết.

Bài, ảnh: PHẠM DANH

 


.