Các KCN Quảng Ngãi: Thu hút được nhiều dự án có chất lượng

10:04, 27/04/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Chỉ trong thời gian chưa đầy 4 tháng đầu năm 2015, tại các KCN trong tỉnh đã có tới 6 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng. Điều đáng nói, trong số các dự án đầu tư vào KCN Quảng Ngãi có những dự án của chủ đầu tư khó tính đó là Nhật Bản.
 
Việc BQL các KCN Quảng Ngãi đã tiến hành trao giấy chứng nhận cho 2 dự án đầu tư của Nhật Bản đầu tư vào KCN Tịnh Phong vào đầu tháng 4.2015 vừa qua, đã trở thành sự kiện hết sức quan trọng của Quảng Ngãi trong thu hút đầu tư năm 2015. Tổng vốn đầu tư của 2 doanh nghiệp này lên tới 13,6 triệu USD. 
 
Trong đó phải nói đến Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện Sumida, thuộc Công ty TNHH linh kiện điện tử Sumida Quảng Ngãi. Nhà máy này với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD, mở ra nhiều triển vọng cho ngành công nghiệp điện tử phát triển và tạo việc làm mới cho lao động địa phương.
 
BQL các KCN Quảng Ngãi trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án chủ đầu tư FDI Nhật Bản.
BQL các KCN Quảng Ngãi trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án vốn FDI Nhật Bản.
 
Theo lãnh đạo Công ty sản xuất linh kiện điện tử Sumida, thì Nhà máy linh kiện điện tử Sumida chuyên sản xuất sản phẩm điện dân dụng như biến áp điện, cuộn cảm, cuộn kháng và phụ kiện liên quan cho điện tử dân dụng; sản xuất mô tơ, máy phát điện, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện, sản xuất các thiết bị y tế, dụng cụ y tế, nha khoa chỉnh hình và phục hồi chức năng, đồng thời nghiên cứu và phát triển kỹ thuật công nghệ liên quan đến điện tử và y tế… với tiêu chuẩn của Nhật Bản.
 
Với quy mô 120 triệu sản phẩm/năm. Nhà máy sản xuất linh kiện Sumida đáp ứng được toàn bộ các tiêu chuẩn của ngành công nghiệp điện tử Nhật Bản. Dự kiến, nhà máy sẽ sản xuất thử vào tháng 12.2015 và đi vào hoạt động tháng 1.2016.
 
Ông Yoshiyuki Tsuboi- Tổng Giám đốc công ty cho biết, sở dĩ ông chọn KCN Tịnh Phong, Quảng Ngãi đầu tư nhà máy bởi tại đây có chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, thủ tục nhanh gọn. Không chỉ vậy, qua tìm hiểu thì nguồn nhân lực để đáp ứng cho sản xuất, kinh doanh của công ty đảm bảo.
 
Theo BQL các KCN Quảng Ngãi thì từ đầu năm đến nay,  KCN Quảng Ngãi đã thu hút được 6 dự án mới và có 1 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 500 tỷ đồng, đạt 224,4% kế hoạch năm. Như vậy, tính đến nay, các KCN Quảng Ngãi đã thu hút được 92 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 6.500 tỷ đồng, trong đó thu hút được 8 dự án FDI có tổng vốn đăng ký đầu tư trên 66 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 14.400 lao động địa phương… 
 
Ông Nguyễn Minh Đạo- Phó Trưởng Ban quản lý các KCN Quảng Ngãi cho biết, nhìn chung, tình hình thu hút đầu tư vào các KCN Quảng Ngãi trong những tháng đầu năm 2015 có sự chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng; các dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản, chế biến lâm sản, sản xuất bao bì carton, xây dựng cho thuê nhà xưởng, văn phòng làm việc và sản xuất linh phụ kiện điện tử phù hợp với quy hoạch ngành nghề của các KCN tỉnh.
 
Nhiều dự án đầu tư Nhật Bản
Các dự án FDI Nhật Bản đầu tư vào KCN Quảng Ngãi đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
 
Đáng nói là nhiều dự án FDI của các doanh nghiệp được xem là khó tính như Nhật Bản đã chấp nhận đầu tư  vào KCN Quảng Ngãi là một tín hiệu đáng mừng. Hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào KCN Quảng Ngãi có số vốn cao, giải quyết lượng lao động cho địa phương khá lớn, đặc biệt người lao động tại các doanh nghiệp này luôn có điều kiện phát triển tay nghề, nguồn thu nhập cũng tương đối ổn định.
 
Trong thời gian tới, Ban Quản lý các KCN Quảng Ngãi sẽ tập trung thu hút các dự án thuộc các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ, tạo giá trị gia tăng lớn trên đơn vị sản phẩm. 
 
Để thu hút các dự án lớn đầu tư vào các KCN Quảng Ngãi thì BQL các KCN Quảng Ngãi sẽ tiếp tục thực tăng cường công tác mời gọi đầu tư, đặc biệt chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ; chủ động tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy các dự án triển khai đúng tiến độ; tiếp tục cải cách hành chính, thực hiện tốt cơ chế một cửa trong việc cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp đảm bảo đúng quy định và giảm tối đa thời gian cho doanh nghiệp.
 
Cũng theo ông Nguyễn Minh Đạo, trong thời gian đến, BQL cũng sẽ chú trọng kêu gọi các dự án công nghiệp phụ trợ. Bởi ngành công nghiệp phụ trợ là khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp chủ lực và là một trong những điều kiện tiên quyết để Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng hội nhập quốc tế. 
 
Tuy nhiên để thu hút và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, thì tỉnh cần có chính sách riêng khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sản xuất sản phẩm hỗ trợ; hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đầu tư nghiên cứu và phát triển sản xuất, cần kết nối các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp nội địa trong việc phát triển sản xuất hỗ trợ…
 
Bài, ảnh: M.Toàn
 
 
 

.