Phát triển công nghiệp ở Quảng Ngãi: Nhiều mảng sáng

03:10, 20/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010- 2015 đã đề ra 3 nhiệm vụ đột phá là: Phát triển công nghiệp, phát triển nguồn nhân lực và phát triển đô thị. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội, Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, UBND tỉnh ban hành các đề án thực hiện. Trong đó, về phát triển công nghiệp phấn đấu đến năm 2015, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng trong GDP đạt 61- 62%. Sau nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện, việc phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan, từng bước hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

TIN LIÊN QUAN

Khởi sắc

Theo Ban quản lý (BQL) các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh, từ năm 2011, BQL đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 21 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn 7 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.095 tỷ đồng, đạt hơn 200% so với Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy đã đề ra (giai đoạn 2011- 2015 thu hút đầu tư vào các KCN là 1.030 tỷ đồng). Ông Đoàn Tấn Hận - Trưởng BQL các KCN tỉnh, cho biết: Mặc dù nền kinh tế còn gặp khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp trong các KCN đã nỗ lực để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và đạt nhiều kết quả tích cực.

 

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp của Quảng Ngãi.                               Ảnh: NGUYỄN TRIỀU
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp của Quảng Ngãi. Ảnh: NGUYỄN TRIỀU


Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2011 là 2.068 tỷ đồng và năm 2013 dự kiến sẽ đạt xấp xỉ 2.771 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp tại các KCN đã đóng góp 57% so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (không tính giá trị sản xuất sản phẩm lọc hóa dầu). Trong giai đoạn 2013 - 2015, các KCN tỉnh sẽ thu hút khoảng 820 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư vào các KCN tỉnh lên xấp xỉ 3.100 tỷ đồng. Từ đó, giải quyết việc làm mới cho 4.000 lao động, đưa tổng số lao động trong các KCN lên 16.000 người.

Tính đến tháng 9.2013, tại Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất đã có 71 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có 50 dự án hoạt động tốt, thu hút hơn 12.000 lao động. Trong 9 tháng năm 2013, giá trị sản lượng công nghiệp, thương mại, dịch vụ của KKT Dung Quất ước đạt 71.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 290 triệu USD; thu ngân sách trên địa bàn khoảng 12.000 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, KKT Dung Quất đã có 106 dự án với tổng vốn đăng ký gần 8 tỷ USD; trong đó, tổng giá trị vốn thực hiện đầu tư khoảng 4,8 tỷ USD. Giai đoạn 2006 - 2012, KKT Dung Quất đã đóng góp gần 50.000 tỷ đồng vào nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, đưa Quảng Ngãi từ một tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp trở thành tỉnh có nguồn thu ngân sách khá của cả nước.

Ông Lê Văn Dũng- Phó trưởng BQL KKT Dung Quất, nhấn mạnh: “Những kết quả đạt được có thể chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu thu hút đầu tư để phát triển KKT Dung Quất, nhưng thành quả đó ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi. Đây là cơ sở để KKT Dung Quất tiếp tục phát triển từng bước trở thành một trong những hạt nhân tăng trưởng, là trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”.

Giữa tháng 9.2013, Khu phức hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi chính thức khởi công tại xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh). Theo cam kết của chủ đầu tư, VSIP Quảng Ngãi sẽ phát triển thành một khu liên hợp xanh, sạch, đẹp. Các ngành công nghiệp chủ lực bao gồm thực phẩm - nước giải khát, các mặt hàng tiêu dùng nhanh, lắp ráp linh kiện điện tử và các ngành công nghiệp nhẹ phục vụ cho lĩnh vực dầu khí và hóa chất. Như vậy, VSIP Quảng Ngãi sẽ phát triển song song với KTT Dung Quất. Nhưng, VSIP Quảng Ngãi sẽ không cạnh tranh với KKT Dung Quất mà sẽ phối hợp hài hòa cùng phát triển, tạo đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển cho nền kinh tế Quảng Ngãi và cả khu vực miền Trung.

 

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các KCN tỉnh đang hoạt động hiệu quả. Trong ảnh: Công nhân Công ty giày Rieker Việt Nam trong ca sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các KCN tỉnh đang hoạt động hiệu quả. Trong ảnh: Công nhân Công ty giày Rieker Việt Nam trong ca sản xuất.


Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng trong GDP đạt 60,8% và giá trị sản xuất công nghiệp 2 năm qua tăng 2,6%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 1994) năm 2012 đạt gần 19.000 tỷ đồng; dự kiến năm 2013 ước đạt trên 21.000 tỷ đồng. Thu ngân sách từ KKT Dung Quất và các KCN chiếm hơn 80% nguồn thu ngân sách của tỉnh.  Lực lượng lao động trong công nghiệp tăng đến thời điểm hiện nay có gần 69.300 lao động. Định hướng phát triển các ngành công nghiệp tại KKT Dung Quất và các KCN đã hình thành rõ.

Nỗ lực cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Theo Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy, giai đoạn 2010 - 2015, Quảng Ngãi đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp 14 - 15%; tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 160.000 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cơ cấu 35%, còn lại là vốn ngoài ngân sách và vốn đầu tư nước ngoài.

Trong số 160.000 tỷ đồng thì công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 120.000 tỷ đồng. Đây là yếu tố quyết định đến sự tăng trưởng kinh tế của Quảng Ngãi. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011 - 2013, tốc độ phát triển công nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hạn hẹp. Vì vậy, tổng nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn này chỉ có 60.000 tỷ đồng. Riêng trong năm 2013, nguồn vốn đầu tư lại thấp hơn năm 2012 đến 600 tỷ đồng. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, việc phát triển công nghiệp của tỉnh theo Nghị quyết 01 vẫn còn hạn chế. Đó là tốc độ phát triển công nghiệp 2 năm gần đây còn chậm, thiếu vững chắc; đa số cơ sở sản xuất công nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh và khả năng hội nhập thấp. Tỷ trọng công nghiệp phụ thuộc nhiều vào các dự án lớn, nhất là Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Phát triển công nghiệp chưa gắn kết với phát triển đô thị, phát triển dịch vụ và giải quyết công ăn việc làm. Tổng nguồn vốn đầu tư cho toàn xã hội còn khó khăn, nhất là nguồn vốn ngân sách đầu tư cho phát triển công nghiệp thấp, chỉ đạt 5,6%. Việc đổi mới công nghệ và sức cạnh tranh về phát triển công nghiệp ở Quảng Ngãi chưa cao. Những yếu tố này đã tác động mạnh khiến nhiều chỉ tiêu mà Nghị quyết 01 đề ra khó hoàn thành. Chẳng hạn như năm 2012, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GDP đạt 60,8% và giá trị sản xuất công nghiệp 2 năm qua tăng 2,6%/năm, nhưng dự báo đến năm 2015, các chỉ tiêu này chỉ đạt lần lượt là 59,7% (chỉ tiêu Nghị quyết 61- 62%) và 4,4% (chỉ tiêu Nghị quyết 17%).

Các phương tiện cơ giới thi công mặt bằng Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi.
Các phương tiện cơ giới thi công mặt bằng Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi.


Dù còn nhiều khó khăn, nhưng việc hoàn thành các chỉ tiêu của Nghị quyết 01 đang được cả hệ thống chính trị xem là nhiệm vụ cốt lõi trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đã và đang tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư; ưu tiên đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời sẽ tăng cường công tác quản lý, giám sát việc triển khai thực hiện dự án, tháo gỡ những vướng mắc, đặc biệt trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Lãnh đạo tỉnh cam kết thúc đẩy và hỗ trợ triển khai nhanh các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN để tăng cường thu hút các dự án công nghiệp sạch, công nghiệp nhẹ…

Tại các hội nghị xúc tiến đầu tư vào Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa nhấn mạnh, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục thu hút đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực theo quy hoạch được phê duyệt mà KKT Dung Quất và các KCN trên địa bàn tỉnh có lợi thế cạnh tranh như hoá dầu, cơ khí, công nghiệp nặng, các ngành công nghiệp nhẹ... Đặc biệt, tỉnh ưu tiên xây dựng và phát triển một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có sức cạnh tranh và có khả năng phát triển ổn định trong thị trường khu vực.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tập trung mở rộng phát triển KKT Dung Quất tạo vùng động lực phát triển công nghiệp với các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp quy mô lớn, hình thành các vùng kinh tế công nghiệp khác để tạo dựng mối liên kết giữa vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến. “Với những lợi thế về điều kiện sẵn có, cùng với những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, Quảng Ngãi đã và đang là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Quảng Ngãi đang quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu của Nghị quyết 01 và cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”- Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa khẳng định.


Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU
 


.