Để cây mía sống khỏe

11:07, 06/07/2013
.

(QNg)- Vụ mía 2012 – 2013 kết thúc với sản lượng cả nước đạt trên 16,565 triệu tấn mía, sản xuất ra 1,520 triệu tấn đường, là vụ mía có sản lượng cao nhất. Với sản lượng này, thì việc tiêu thụ trong nước cũng đã khó vì nhu cầu chỉ hơn 1,2 triệu tấn còn lại phải tìm đường xuất khẩu.

TIN LIÊN QUAN

Theo Hiệp hội mía đường, niên vụ 2012 – 2013  thế giới thừa khoảng 5,85 triệu tấn đường, tăng hơn vụ trước 650 ngàn tấn. Cung thừa tất yếu sẽ kéo theo giá thấp và như thế nơi có giá cao sẽ là cái “rốn” để hàng nhập lậu tuồn vào. Vùng Đông Nam Á, Thái Lan- nơi có sản lượng đường cao nhất và cũng là cái “bể” để “xả” đường lậu vào Việt Nam.


Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết: Mỗi năm Thái Lan nhập lậu đường vào Việt Nam khoảng 300 – 400 ngàn tấn, với giá thấp hơn đường trong nước 2.000 đ/kg. Đây là nguy cơ đẩy các doanh nghiệp sản xuất đường ở Việt Nam vào con đường khốn khó và tất nhiên sẽ kéo theo hàng chục vạn nông dân bấp bênh trên đồng mía.  Nguyên nhân sâu xa là năng suất, chất lượng mía không cao; hiệu quả trong chế biến đạt thấp dẫn đến giá thành mỗi kg đường tăng lên, nên một khi lượng đường dư thừa là cả doanh nghiệp và người trồng mía đều khổ. Vụ mía 2012 – 2013  là một ví dụ cho những khó khăn như vậy. Vậy cây mía có còn chỗ đứng?

 

Xe cơ giới nông nghiệp (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) chuẩn bị ra quân vào vụ mơí.
Xe cơ giới nông nghiệp (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) chuẩn bị ra quân vào vụ mơí.


Cả nước hiện có 41 nhà máy đường, bình quân công suất mỗi nhà máy chỉ 3.400 TMN. Mặc dù ngành mía đường đã được sắp xếp lại nhưng hệ quả từ thời kỳ “mỗi tỉnh một nhà máy đường” nên nhìn chung từ nhà máy cho đến vùng mía đều còn lạc hậu. Vì vậy, mía đường khó đứng vững một khi hội nhập vào sân chơi lớn của thế giới. Đã thế, ngành mía đường lại bị thả nổi theo cơ chế thị trường, Nhà nước chỉ có thể dùng công cụ thuế để can thiệp nhưng có mấy khi đường vào Việt Nam bằng con đường chính ngạch! Nhập lậu nhiều, giá đường xuống thấp, doanh nghiệp không bán được sản phẩm, không có tiền để mua mía, khó vay vốn ngân hàng lãi suất thấp nên nhiều doanh nghiệp sản xuất mía đường gần như phá sản.

Trong khi hàng chục nhà máy khó khăn như vậy, nhưng cũng có nhiều nhà máy, Công ty chẳng những đứng vững mà còn là cơ hội để phát triển. Công ty CP Đường Quảng Ngãi là một điểm sáng như thế. Để đạt được thành quả trên, Công ty đã mạnh dạn đầu tư đổi mới về công nghệ, nâng công suất ép, sắp xếp lại đội ngũ quản lý, tiết kiệm mọi mặt để giảm chi phí tối đa trong sản xuất.

Đối với vùng nguyên liệu, Công ty đã xây dựng chiến lược “sản xuất đường từ đồng ruộng” nên những năm qua đã thành lập Xí nghiệp Cơ giới nông nghiệp với gần 80 chiếc xe máy kéo chuyên dụng tổng công suất hơn 8.000 mã lực trị giá trên 40 tỷ đồng chuyên để làm đất trồng mía. Trung tâm giống mía cũng được nâng cao vai trò, hợp tác với các cơ quan của Trung ương, tỉnh để nghiên cứu, du nhập hàng chục giống mía từ Thái Lan, Trung Quốc, Pháp… và các giống mía trong nước để có giống tốt về khảo nghiệm, thực nghiệm chọn các giống phù hợp cho từng vùng đất ở miền Trung, Tây Nguyên, góp phần nâng cao năng suất cây mía.

Qua nhiều nỗ lực, Công ty đã đạt được một số kết quả và đứng vững trong cơn sóng gió vừa qua. Như một hệ quả tất yếu, ở Quảng Ngãi những địa phương đã áp dụng 100% quy trình của Công ty đưa ra đều đạt năng suất khá cao như xã Ba Dinh, Ba Vì (Ba Tơ) bình quân 76 tấn/ha (trước đây chỉ 39-41 tấn/ha), xã Sơn Hạ, Sơn Thành (Sơn Hà) 75,8 tấn /ha… một số huyện khác áp dụng một phần cũng đưa năng suất  tăng 15 – 17 tấn/ha góp phần tăng năng suất bình quân cả tỉnh lên 62 tấn/ha (bình quân cả nước 55tấn/ha), với sản lượng mía 313.000 tấn ở Quảng Ngãi cùng với An Khê 850.000 tấn, Công ty CP Đường Quảng Ngãi có sản lượng mía – đường dẫn đầu toàn quốc. Vụ sản xuất vừa qua, giá đường xuống thấp Công ty mua mỗi tấn mía tại ruộng với giá 900 ngàn đồng (thấp hơn vụ trước 100 ngàn đồng.

 

Và nhờ năng suất tăng cao nên nhiều hộ dân vẫn có lãi trên 50 triệu đồng/ha như ông Phạm Văn Thu ở Ba Dinh, ông Đinh Điềm ở Sơn Hạ… Còn ở vùng mía An Khê thuận lợi hơn nhờ canh tác trên cánh đồng lớn nên đã có gần 3.000 ha được cơ giới hóa đồng bộ và người trồng mía vẫn có lãi cao cho dù giá đường có nhiều biến động.

Như vậy, sản xuất mía đường nếu cả doanh nghiệp, nông dân, Nhà nước cùng bắt tay đi trên cánh đồng sản xuất lớn, triệt để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ đồng ruộng cho đến nhà máy thì chắc chắn rằng cây mía chẳng những sống khỏe mà còn có thể vươn ra khu vực và thế giới.

 M.ĐIỀN
 


.