Nuôi cá nước ngọt: Hướng làm giàu mới của nhân dân vùng núi

10:07, 09/07/2010
.

(QNg) - Từ việc triển khai mô hình nuôi cá nước ngọt để cải thiện bữa ăn hằng ngày cho người dân thành công, Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh đã triển khai các mô hình nuôi cá nước ngọt thương phẩm để phát triển kinh tế, mở hướng làm giàu cho nhân dân vùng nông thôn, miền núi.

Ông Bùi Hữu Chỉnh - Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông- khuyến ngư tỉnh, cho biết: "Việc xây dựng mô hình nuôi cá nước ngọt thương phẩm là sự phát triển của việc nuôi cá nước ngọt, để giải quyết nguồn thức ăn cho đồng bào các huyện miền núi". Ngày trước, cuộc sống của đồng bào miền núi còn nghèo khổ, bữa ăn hàng ngày của bà con thường thiếu chất dinh dưỡng. Thông qua nhiều chính sách phát triển miền núi, cán bộ khuyến ngư tỉnh đã mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật để đồng bào đào ao nuôi cá. Những ao, hồ nuôi được tận dụng nguồn nước từ các con suối bên đồi. Nguồn cá giống thả nuôi được Nhà nước hỗ trợ 100%, chủ yếu là các loài cá trôi, cá chép, cá mè, trắm cỏ...
 
Đồng bào Hrê thu hoạch cá.
Đồng bào Hrê thu hoạch cá.

Thức ăn cho cá được tận dụng từ các phế phẩm nông nghiệp như cám, lá mì trên nương, có những hộ siêng thì tìm các tổ kiến. Qua nhiều năm thả nuôi cá nước ngọt, thu hoạch thấy hiệu quả, ai cũng vui mừng. Và mô hình đã trở thành phong trào lan nhanh ra cả vùng như Gò Chè (Minh Long). Rồi cũng từ đó nuôi cá nước ngọt trở thành phong trào ở các huyện miền núi trong tỉnh.

Nhiều hộ như hộ ông Đinh Văn Trua, Đinh Văn Dép và nhiều hộ khác ở thôn Gò Chè xã Long Sơn (Minh Long); hộ bà Đinh Thị Êm ở thị trấn Ba Tơ đã thành công trong mô hình nuôi cá nước ngọt. Năm 2007 trên cơ sở nuôi cá nước ngọt thành công,Trung tâm khuyến ngư tỉnh lại tiếp tục triển khai những mô hình nuôi cá có giá trị kinh tế như: Nuôi cá chình, nuôi ếch, nuôi cá diêu hồng, cá trê lai. Trước khi triển khai, Trung tâm khuyến ngư tỉnh đã chọn những hộ có khả năng thực hiện có hiệu quả cao ở những năm trước, tiến hành nuôi đầu tiên và thông qua họ truyền đạt lại cho những hộ trong vùng nuôi theo. Tùy theo mỗi địa hình, mỗi nguồn nước, Trung tâm triển khai mô hình nuôi một loại cá cho phù hợp, như: mô hình nuôi cá chình thì triển khai tại xã Trà Phú (Trà Bồng); nuôi cá diêu hồng được triển khai ở Minh Long, Sơn Hà và Sơn Tây; nuôi cá trê lai được triển khai ở Trà Sơn, Trà Phú (Trà Bồng).... 

 Những mô hình này hầu hết đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra một hướng nuôi mới cho bà con thuộc diện nghèo. Điển hình như mô hình nuôi cá trê lai tại hộ ông Nguyễn Phận, xã Trà Sơn (Trà Bồng) được triển khai trên diện tích 300 m2. Ông Phận áp dụng nuôi đúng kỹ thuật, cải tạo ao hồ, bón rải đều 10 kg vôi/100m2, rồi khoảng 5-7 ngày sau lấy nước vào. Các loại thức ăn cho cá chủ yếu là cám gạo, bắp, cá tạp, ốc, giun, phế phẩm lò mổ... nấu chín 3 lần/ tuần rải một góc trong ao. Sau hơn 5 tháng nuôi ông thu tổng sản lượng hơn 1.134 kg cá (từ gần 3.000 con cá thả nuôi ban đầu chưa tính hao hụt), được  45,3 triệu đồng, lãi 7,2 triệu đồng

Ngoài những mô hình nuôi cá trong ao, hồ được tận dụng nguồn nước từ các con suối hay mạch ngầm, Trung tâm còn triển khai mô hình nuôi cá chình lồng trên các dòng sông. Hộ ông Trần Kim Sanh (ở xã Tịnh Sơn Sơn Tịnh) được hỗ trợ 480 con giống, nuôi trong 2 lồng, với diện tích 12m2. Qua gần 9 tháng nuôi, khi thu hoạch trọng lượng mỗi con 720g, tổng sản lượng thu được gần 243kg, với giá bán 240.000đồng/kg, đem lại lợi nhuận 9,2 triệu đồng. Nuôi cá trong lồng trên dòng sông Trà Khúc thành công đã mở ra một hướng mới cho bà con vùng ven sông tận dụng nguồn nước nuôi các loài cá nước ngọt, phát triển kinh tế gia đình.

Trong năm 2010 Trung tâm chú trọng triển khai tiếp các mô hình nuôi cá bống tượng thương phẩm tại các huyện Trà Bồng và Ba Tơ; mô hình nuôi cá diêu hồng tại huyện Sơn Hà, và Minh Long, mô hình nuôi cá chim trắng trên diện tích 1.000 con/1.000m2 tại huyện Sơn Hà; mô hình nuôi ếch lồng ao đất tại huyện Minh Long và một số mô hình khác tại các huyện đồng bằng, hải đảo như mô hình nuôi cua xanh, nuôi cá trê lai thương phẩm, mô hình nuôi lươn, cá bống tượng trong lồng... Mỗi mô hình này là điều tâm huyết của cán bộ khuyến  ngư và người tham gia nuôi. Việc triển khai các mô hình nuôi cá giúp bà con ở nhiều vùng phát triển đa dạng nghề nuôi trồng, tạo thêm nguồn thu nhập. Hiện nay nhiều vùng nuôi tôm bị dịch bệnh thì việc triển khai mô hình nuôi cá còn giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định, không còn thấp thỏm, âu lo như nuôi tôm…
M.H

.