Quảng Ngãi đã trồng thanh long trái vụ thành công

02:08, 05/08/2009
.
(QNg)- Ít ai nghĩ tại thành phố  Quảng Ngãi lại có một vườn thanh long rộng 1.100m2 đang cho thu nhập khá cao. Chủ vườn đã thành công trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, để xử lý phân bón cho thanh long ra hoa trái vụ. Đó là vườn thanh long của gia đình ông Lương Văn Tiệp (thôn 2, xã Nghĩa Dũng).

Ông Tiệp thu hoạch THanh Long
Ông Tiệp thu hoạch THanh Long
Ông Tiệp cho biết: Trong chuyến đi thăm người thân ở TP. Hồ Chí Minh, ông ghé xuống tỉnh Long An và mua hom giống. Ông thuê luôn một chuyến xe vận chuyển hàng trăm hom giống về tận Quảng Ngãi. Lúc đầu ông mua tre về làm trụ, sau hai năm trụ tre hỏng, ông lại bỏ hàng triệu đồng ra mua vật liệu, thuê thợ về đúc trụ bê tông.

Sau thời gian vật lộn với 215 cây trụ, số trụ này sừng sững đứng chọc trời cho số cây giống thanh long bám vào. Đất không phụ công người, sau 12 tháng chăm sóc, lứa quả thanh long đầu tiên đã cho thu hoạch. Tuy năng suất thu hoạch lần này không cao, trái thưa, nhưng đã bù đắp phần nào nỗi nhọc nhằn của ông. Nhìn những trái thanh long chín đỏ ông vui mừng mà khẳng định với nhiều người rằng, ông không "điên" như nhiều người nghĩ.

Kết quả vụ đầu thu hoạch thanh long kích thích ông. Ông lại lao vào chăm sóc theo phương pháp kỹ thuật mới mà ông tìm hiểu được trên sách báo, nhờ đó thanh long sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Vụ thu hoạch thứ 2, 3… tiếp tục khẳng định năng suất thanh long. Loại cây này mỗi năm cho thu hoạch 4 lứa quả, mỗi lứa cách nhau 1 tháng (bắt đầu ra hoa vào tháng 4 dương lịch và kết thúc vụ thu là tháng 9 dương lịch hàng năm). Cây có tuổi đời trên 20 năm. Càng về sau cây cho năng suất càng cao.

Thanh long đến thời điểm thu hoạch
Thanh long đến thời điểm thu hoạch
Theo ông Tiệp thì trung bình mỗi cây cho 15-20 trái (3trái/kg). Ước tính 215 gốc, sản lượng bình quân thu khoảng 1,8 tấn; với giá trung bình 10.000đ/kg, ông thu được xấp xỉ 18 triệu đồng/năm. Đó là chưa tính giá thanh long ở mùa nghịch cao hơn so với chính vụ (trung bình từ 13 - 15 ngàn đồng/kg). Chính vì vậy việc xử lý kỹ thuật cho thanh long ra hoa trái vụ đã khẳng định thành công trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học của ông.

Nói về cách xử lý thanh long trái vụ, ông Tiệp cho biết: Sau đợt thu hoạch cuối của năm, ông tranh thủ tỉa cành, cắt bỏ những cành già, những cành sâu bệnh, cành khuất trong tán và tạo tán cho cây. Đặc biệt phải sử dụng phân bón lót đúng liều lượng (0,2kg NPK+0,1kg Kali) cho một gốc. Với phương pháp chăm sóc như vậy, kết hợp với cường độ chiếu sáng ngắn hơn thời tiết ở miền Nam, nên thanh long đã cho trái muộn hơn.

Việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn du nhập giống thanh long ở miền Nam về trồng thử nghiệm, ông Tiệp đã khẳng định được sự thích nghi của một loại cây trồng mới trên đất Quảng Ngãi.  Để tiếp tục khẳng định hiệu quả kinh tế của loại giống này, tháng 9 năm nay Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ triển khai mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại 2 xã Trà Bình và Trà Phú (Trà Bồng) với diện tích 1ha (có 8 hộ dân tham gia).

Với kết quả trên hy vọng thanh long sẽ là giống mới giúp nông dân Quảng Ngãi thoát nghèo, từng bước cải thiện cuộc sống cho bà con vùng núi nói riêng và cả Quảng Ngãi nói chung, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho thị trường trong tỉnh, mặt khác hoà chung vào thị trường xuất khẩu trái cây của cả nước sang các nước trên thế giới.
 Bài, ảnh: Thanh Lương

.