Yêu thương trao nhau

02:11, 10/11/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Giữa lằn ranh sinh tử, nhiều bệnh nhân, trong đó có cả những em bé chưa tròn tuổi, đã được các y, bác sĩ cứu chữa. Câu chuyện của nữ điều dưỡng Huỳnh Thị Hiếu và bác sĩ trẻ Trần Ngọc An lại một lần nữa làm sáng lên hình ảnh “Lương y như từ mẫu”.
[links()]
 
Chăm sóc bệnh nhân như người nhà
 
Vừa hoàn thành chuyến công tác ở Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh (cơ sở 2), nữ điều dưỡng Huỳnh Thị Hiếu trở về với công việc thường ngày ở Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Điều dưỡng Hiếu chia sẻ, đã gần 10 năm trong nghề, nhưng có lẽ khó quên nhất với tôi là những tháng ngày tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19. Hiện tại, ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tôi chăm sóc 12 bệnh nhân nặng, phải thường xuyên theo dõi nhịp tim, đo huyết áp... Công việc vất vả, nhưng đó là trách nhiệm của người thầy thuốc nên luôn cố gắng. 
 
Bác sĩ Trần Ngọc An chăm sóc bệnh nhân nhi đang điều trị tại  Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh). ẢNH: ÁNH NGUYỆT
Bác sĩ Trần Ngọc An chăm sóc bệnh nhân nhi đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh). ẢNH: ÁNH NGUYỆT
Tại Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh (cơ sở 2), hầu hết bệnh nhân diễn biến nặng. Do đó, các y, bác sĩ phải chăm sóc bệnh nhân từng chút một, từ vệ sinh cá nhân, sinh hoạt hằng ngày, đến giành giật sự sống. Vì trong khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 phải cách ly hoàn toàn với người nhà. Có gia đình, cả nhà bị F0, trong đó có người già và trẻ nhỏ. Mỗi người phải cách ly mỗi phòng. Ngày hôm trước, bà cháu còn vẫy tay nhau động viên, ngày hôm sau bệnh tình người bà đã chuyển biến rất nặng, thở máy và được các bác sĩ tiên lượng nguy kịch. Những lúc như thế, điều dưỡng Hiếu cùng các đồng nghiệp phải dồn sức cứu chữa bệnh nhân. Hết cấp phát thuốc điều trị, chị quay sang chăm sóc bệnh nhân nặng thở máy, bón từng miếng ăn, lo từng giấc ngủ, động viên an ủi rồi lại lo vệ sinh cho bệnh nhân...
 
Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, nên các y, bác sĩ phải làm việc hơn 100% sức lực để giành giật sự sống cho bệnh nhân nguy kịch. Căng mình cứu chữa, chăm sóc người bệnh, sức khỏe của điều dưỡng Hiếu cũng như nhiều y, bác sĩ giảm sút đi rất nhiều. “Làm nghề y hay bất kỳ nghề nào cũng phải có tình yêu nghề, chăm sóc bệnh nhân như chính người thân của mình thì mới có động lực, niềm vui, gắn bó được với nghề”, điều dưỡng Hiếu bộc bạch.
 
Dành tình yêu thương  cho trẻ
 
Cũng vừa hoàn thành nhiệm vụ tăng cường điều trị bệnh nhân nhi mắc Covid-19 trở về, thạc sĩ, bác sĩ trẻ Trần Ngọc An- Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) tiếp tục chăm sóc 12 bệnh nhân nhi nặng đang điều trị tại bệnh viện. Bác sĩ An bảo, bệnh nhân nhi vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đòi hỏi việc chăm sóc chu đáo lắm! Các cháu không giống như bệnh nhân lớn tuổi, không thể trả lời những câu hỏi nên các y, bác sĩ phải theo dõi từng hơi thở, màu sắc của da để chẩn đoán bệnh xử lý kịp thời. 
 
Nhớ lại quãng thời gian không thể quên trong đời, khi chăm sóc bệnh nhân nhi nhiễm Covid-19, bác sĩ An chia sẻ, đối với bệnh nhân nhỏ tuổi, điều trị đã khó, các cháu khi nhiễm Covid-19 còn đòi hỏi cao hơn về các biện pháp phòng, chống dịch nên thật sự vất vả. Bác sĩ An bồi hồi kể, khó nhất là mỗi lần tiêm thuốc, bởi ven tay bệnh nhân nhi quá nhỏ, trong khi tay cầm kim tiêm lại đeo găng, mắt kính bảo hộ vì hơi thở làm mờ nên có lúc cần phải có thời gian để mần mò ven cho có độ chính xác.
 
"Từ việc tham gia điều trị bệnh nhân nhi bị mắc Covid-19, các y, bác sĩ như tôi cảm nhận được rằng, ngoài chuyên môn, nghiệp vụ để giúp bệnh nhân chiến thắng "tử thần", thì sự gắn kết, đồng lòng của các y, bác sĩ và tình yêu thương dành cho trẻ mới thật sự quan trọng. Nụ cười sẽ đến với tất cả, khi mỗi thầy thuốc đều cứu chữa người bệnh với cả trách nhiệm và tấm lòng", bác sĩ An tâm sự.r
 
ÁNH NGUYỆT
 
 
 

.