50 ngày ở tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh

09:10, 31/10/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Năm mươi ngày chiến đấu ở tâm dịch TP.Hồ Chí Minh với nhiều cung bậc cảm xúc: Hồi hộp, lo lắng, hạnh phúc, kể cả đau xót khi chứng kiến những mất mát, tang thương… Nhưng hơn hết là sự sẻ chia, ấm áp tình người. Tất cả những cảm xúc đó không thể phai nhoà đối với chúng tôi”, bác sĩ Hồ Kim Đức, Trưởng Đoàn y, bác sĩ tỉnh Quảng Ngãi chi viện cho TP.Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19, chia sẻ.
[links()]
 
Cùng với 24 nghìn thầy thuốc trong cả nước, cuối tháng 8/2021, 34 y, bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh và trung tâm y tế các địa phương trong tỉnh đã tình nguyện lên đường chi viện cho TP.Hồ Chí Minh. Đoàn được phân công hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại huyện Bình Chánh. Nay họ đã hoàn thành nhiệm vụ và trở về đơn vị công tác, mang theo nhiều cung bậc cảm xúc với tình người sâu lắng. 
 
Lãnh đạo huyện Bình Chánh (TP.Hồ Chí Minh) gặp mặt tri ân 34 y, bác sĩ Quảng Ngãi trước lúc Đoàn trở về quê hương.  Ảnh: NVCC
Lãnh đạo huyện Bình Chánh (TP.Hồ Chí Minh) gặp mặt tri ân 34 y, bác sĩ Quảng Ngãi trước lúc Đoàn trở về quê hương. Ảnh: NVCC
 
Làm việc bằng cả trái tim 
 
Hơn 15 năm trong nghề, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Thuyên (Trung tâm Y tế TP.Quảng Ngãi) thường đảm nhận việc chăm sóc bệnh nhân ở Khoa hồi sức cấp cứu, Khoa hồi sức tích cực chống độc. Thuyên dáng người nhỏ nhắn, nhưng đầy bản lĩnh. “Mình tham gia phục vụ tại Khu cách ly tập trung Ký túc xá Trường ĐH Phạm Văn Đồng ngay từ những ngày đầu kích hoạt. Đến cuối tháng 8/2021 thì mang ba lô lên đường vào tâm dịch TP.Hồ Chí Minh để góp sức chống dịch. Nghề y là vậy đó, đâu thể ngại khó, ngại khổ mà từ nan…”, chị Hồng Thuyên chia sẻ.
 
“Những lúc chứng kiến bệnh nhân tử vong mà không có người thân bên cạnh, lòng mình quặn thắt, chỉ biết nén cảm xúc và dặn lòng phải mạnh mẽ hơn nữa, nỗ lực hơn nữa. Vậy nên, dù vất vả, khó khăn bao nhiêu tôi cũng chịu được hết, chỉ cầu mong không có bệnh nhân chuyển nặng dẫn đến tử vong và mong bệnh nhân khỏe mạnh để trở về nhà"
 
Nữ điều dưỡng NGUYỄN THỊ HỒNG THUYÊN

Vào TP. Hồ Chí Minh, chị Thuyên nhận nhiệm vụ tại Khu hồi sức cấp cứu, Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 Bình Chánh. Dù đã biết trước tình hình dịch bệnh phức tạp và quyết tâm, nhưng khi trực tiếp chứng kiến sự tàn khốc của dịch bệnh, chị Thuyên không khỏi bần thần. Nhanh chóng gạt qua nỗi lo âu, chị Thuyên tự động viên mình dốc sức cùng đồng nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch. Lượng bệnh nhân nhập viện tăng vọt. Công việc áp lực, khẩn trương. Nhiều hôm chị Thuyên và đồng nghiệp làm việc xuyên đêm. Với những bệnh nhân nặng hoặc lớn tuổi, điều dưỡng phải làm cả những công việc của hộ lý kiêm người thân, từ việc trực tiếp chăm sóc đến hỗ trợ ăn uống, vệ sinh cá nhân và động viên người bệnh an tâm điều trị. 

 
Dù cả y, bác sĩ lẫn bệnh nhân đã nỗ lực, đã cố gắng nhưng vẫn không tránh khỏi những mất mát, tang thương. Đã có hàng trăm lời hẹn “hết dịch, nhất định chúng ta sẽ gặp nhau” mãi mãi chỉ là lời hứa vì bệnh nhân không thể vượt qua cửa tử. Đến bây giờ, chị Thuyên vẫn nhớ như in hình ảnh bệnh nhân 29 tuổi, buổi sáng còn nói chuyện vui vẻ  và “trách” nữ điều dưỡng không biết giữ gìn sức khỏe vì làm việc quá sức, nhưng đến chiều đã tử vong, do bệnh đột ngột diễn tiến nặng.
 
Chăm sóc một bệnh nhân nặng. Ảnh: NVCC
Chăm sóc một bệnh nhân nặng. Ảnh: NVCC
“Những lúc chứng kiến bệnh nhân tử vong mà không có người thân bên cạnh, lòng mình quặn thắt, chỉ biết nén cảm xúc và dặn lòng phải mạnh mẽ hơn nữa, nỗ lực hơn nữa mà thôi. Vậy nên dù vất vả, khó khăn bao nhiêu mình cũng chịu được hết, chỉ cầu mong không có bệnh nhân diễn tiến nặng dẫn đến tử vong”, chị Thuyên xúc động chia sẻ.
 
Với những nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 Bình Chánh, số bệnh nhân chiến thắng Covid-19 ngày càng tăng. Nhiều bệnh nhân cảm kích sự chăm sóc, chữa trị tận tình cũng như hiểu được những vất vả, hiểm nguy của y, bác sĩ nên sau khi xuất viện, có người tình nguyện ở lại bệnh viện. Có một bệnh nhân lớn tuổi quê Quảng Ngãi, được chị Thuyên trực tiếp chăm sóc, thoát khỏi cửa tử trước lúc chia tay rất quyến luyến, bịn rịn nói với chị Thuyên: “Tết năm nay, chúng ta sẽ gặp nhau tại quê nhà” .
 
Chuyến công tác đặc biệt trong đời
 
Đến bây giờ, bác sĩ Hồ Kim Đức, công tác tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh vẫn chưa thể quên cảm giác “ngợp thở” khi lần đầu đặt chân đến Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 Bình Chánh, với quy mô 500 giường bệnh. Có thời điểm số lượng bệnh nhân tăng cao đến mức bác sĩ Đức không còn thời gian để theo dõi số ca nhiễm mỗi ngày, chỉ lo chăm sóc bệnh nhân. “Bệnh nhân liên tiếp chuyển đến khiến bệnh viện quá tải. Y, bác sĩ làm việc không tính bằng thời gian, mà theo diễn tiến của bệnh nhân”, bác sĩ Đức kể.
 
Phút nghỉ ngơi hiếm có của các y, bác sĩ đoàn Quảng Ngãi trong những ngày chống dịch tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC
Phút nghỉ ngơi hiếm có của các y, bác sĩ đoàn Quảng Ngãi trong những ngày chống dịch tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC
Dù đã nỗ lực, đã cố gắng giữ tinh thần tích cực, lạc quan và động viên nhau phải mạnh mẽ… nhưng bác sĩ Đức cũng như các thành viên trong Đoàn không tránh khỏi những phút giây sợ hãi, ám ảnh. Đó không chỉ là những vết lằn sâu trên khuôn mặt bởi mang khẩu trang, mặc đồ bảo hộ suốt 20 tiếng mỗi ngày... mà là trực tiếp chứng kiến thời khắc người bệnh từ giã cõi đời. Những lúc ấy, không ai bảo ai, các y, bác sĩ chỉ biết lặng người rơi nước mắt. Có lúc kết quả xét nghiệm định kỳ của ê kíp điều trị 5 người do bác sĩ Đức phụ trách đều dương tính với vi rút SARS-CoV-2. “Khi hay tin, bản thân mình cũng như anh em trong đoàn đều choáng váng. Thời điểm ấy, đã có hơn 30 y, bác sĩ tại bệnh viện nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Rất may, đó chỉ là tình trạng dương tính giả”, bác sĩ Đức thổ lộ.
 
Sau 50 ngày chiến đấu quên mình tại tâm dịch huyện Bình Chánh, hành trang trở về của 34 y, bác sĩ Quảng Ngãi là tình người sâu lắng, là trái tim của người thầy thuốc luôn hướng về người bệnh dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Lúc lên xe trở về  quê nhà, nhiều thành viên trong đoàn đã bật khóc vì hạnh phúc, bởi lẽ huyện Bình Chánh nói riêng và TP.Hồ Chí Minh nói chung đang dần “khỏe lại”, những con đường dần đông vui, râm ran tiếng cười nói...
 
Sau 50 ngày chiến đấu trong tâm dịch khốc liệt ở TP.Hồ Chí Minh, 34 y, bác sĩ tỉnh Quảng Ngãi đã nỗ lực hết mình, chiến đấu hết mình và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đúng như lời nhắn nhủ của Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh khi tiễn các y, bác sĩ lên đường chi viện TP.Hồ Chí Minh: “Đoàn y, bác sĩ của tỉnh lên đường chi viện TP.Hồ Chí Minh chống dịch không chỉ thể hiện sự sẻ chia của đội ngũ cán bộ y tế, mà còn là tình cảm, trách nhiệm và tinh thần tương thân tương ái của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi nhằm chung sức, đồng lòng cùng cả nước giúp đỡ TP.Hồ Chí Minh sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19”.
 
MỸ HOA
 

.