Nhà xây và nhà sàn

02:06, 21/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mấy năm gần đây, những ngôi nhà xây dựng kiên cố dành cho người dân thuộc diện tái định cư của các dự án ở vùng cao rơi vào cảnh “vườn không nhà trống”, bởi đa phần đồng bào dân tộc thiểu số không quen ở nhà xây, chỉ thích ở nhà sàn.

Trong một chuyến về các huyện miền núi tác nghiệp, chúng tôi có dịp tìm hiểu về đời sống người dân sau khi nhường đất, nhà cửa thi công các dự án để về nơi tái định cư. Những căn nhà kiên cố được xây dựng theo thiết kế khá hiện đại đang trơ trọi, hoang vắng. Nền nhà thì đầy rẫy rác, nhưng chẳng thấy ai quan tâm quét dọn. Những ngôi nhà trị giá đến cả trăm triệu đồng này tuy có chủ, nhưng chủ nhà không ở. Hỏi ra mới biết họ quay về nơi ở cũ tìm kế sinh nhai và dựng nhà sàn để cư ngụ.

Những ngôi nhà ở khu tái định cư Nước Vương, xã Sơn Liên (Sơn Tây) được xây dựng khang trang, nhưng thường
Những ngôi nhà ở khu tái định cư Nước Vương, xã Sơn Liên (Sơn Tây) được xây dựng khang trang, nhưng thường "cửa đóng, then cài". ẢNH: ĐỨC LÊ


Lần tìm mãi, chúng tôi mới thấy một làn khói lất phất phía đằng xa, thể hiện nơi ấy có người ở. Đó là một ngôi nhà nằm trong khu tái định cư Nước Vương, xã Sơn Liên (Sơn Tây). Tuy nhiên, điều lạ là ngôi nhà xây kiên cố này vẫn lạnh lẽo. Chỉ có phần nhà sàn phía bên cạnh là mang hơi ấm của người ở. Nghe chúng tôi phân vân, nhà xây kiên cố cớ sao không ở mà ở nhà sàn? C

hủ nhà liếc mắt nhìn qua gian bếp, nói ngắn gọn: Ở không được, quen ở nhà sàn rồi! Vậy sao ngay từ lúc đầu không thống nhất với chủ đầu tư làm nhà sàn để đỡ tốn kém? Chủ nhà trả lời: Họ làm xong, mình đóng tiền vào ở thôi chứ biết đâu! Nhận nhà rồi vào ở ít hôm thì “khó” ở quá, nên phải làm thêm nhà sàn để ở.

Tại những nơi nghèo khó nhất, vẫn có nhiều tài sản bị bỏ hoang hư hỏng, lãng phí vì không phù hợp với phong tục tập quán của người dân bản địa. Giá như chủ đầu tư "chịu khó" quan tâm hơn một chút trong việc khảo sát, lấy ý kiến người dân trước khi xây nhà thì đâu đến nỗi!

ĐỨC LÊ

 


.