Ứng phó với thời tiết khắc nghiệt

02:10, 04/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, khí hậu biến đổi ngày càng bất thường, thời tiết cực đoan liên tục xuất hiện với tần suất  dày đã đặt ra thách thức lớn cho cộng đồng xã hội trong việc tìm kiếm và triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó.

Ông Nhâm Xuân Sỹ-Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh nhận định: “Thời tiết ngày càng diễn biến theo hướng bất thường, cực đoan và khó lường”. Bất thường rõ rệt nhất của thiên tai chính là cơn lũ lịch sử xảy ra ngay giữa mùa hạn hồi cuối tháng 3.2015 khiến toàn khu vực tỉnh có mưa vừa, mưa to đến rất to. Một số nơi ở vùng núi có lượng mưa lên đến 300 – 500mm, mức cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 38 năm qua. Tiếp đến là cơn bão số 3 vừa rồi cũng rất khó đoán định về đường đi cũng như hoàn lưu, khiến công tác dự báo và ứng phó gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

 

Thời tiết cực đoan gia tăng cường độ bão, lũ lụt. Trong ảnh:  Tài sản, nhà cửa của người dân bị lũ lụt cuốn trôi, hư hỏng năm 2013.
Thời tiết cực đoan gia tăng cường độ bão, lũ lụt. Trong ảnh:  Tài sản, nhà cửa của người dân bị lũ lụt cuốn trôi, hư hỏng năm 2013.


Tại cuộc họp trực tuyến tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương Hoàng Đức Cường cho biết: Hiện tượng El Nino đã xuất hiện với cường độ trung bình ngay từ những tháng cuối năm 2014 và đầu 2015. Tuy nhiên, cường độ El Nino được dự báo sẽ tăng dần vào những tháng cuối năm 2015 nên mùa mưa kết thúc sớm, nền nhiệt tăng, khiến tình trạng hạn hán sẽ khắc nghiệt ở nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là khu vực miền Trung – Tây Nguyên.  
   
Thực trạng thời tiết này đã đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền và người dân trong tỉnh, nhất là khi toàn tỉnh có đến 75% hồ chứa, đê kè được xây dựng từ những năm 1980 nên đã xuống cấp, hư hỏng; hàng nghìn hộ dân vẫn còn sống ở các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, lũ lụt…

Trong khi đó công tác PCTT&TKCN vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập. Đó là lực lượng cán bộ chuyên trách PCTT chưa đảm bảo; mật độ mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn còn thưa nên công tác dự báo chưa đáp ứng nhu cầu; việc xây dựng kế hoạch di dời, sơ tán dân phòng tránh thiên tai ở tuyến cơ sở chưa nghiêm túc, chỉ mang tính đối phó; thiếu công trình nhà tránh trú thiên tai phục vụ sơ tán dân tại chỗ; một bộ phận người dân vẫn còn thiếu ý thức trong việc thực hiện các biện pháp PCTT… đã gây khó khăn trong việc triển khai kế hoạch ứng phó với thiên tai, nhất là khi có lũ lớn hay siêu bão đổ bộ.

Thế nên, theo Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh thì với những diễn biến mà thời tiết thể hiện trong thời gian qua, chúng ta chỉ còn cách chủ động “phòng” chứ không thể “chống”. “Do đó cùng với việc hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác PCTT&TKCN thì Nhà nước cần quan tâm đầu tư xây dựng nhà tránh trú bão cộng đồng cho người dân các vùng có nguy cơ cao; công trình kè chống sạt lở khu vực bờ sông, cửa biển cũng như xây dựng các mô hình sản xuất thích ứng với sự biến đổi khí hậu”, ông Thanh đề xuất.

Trong khi đó nhiều địa phương kiến nghị Trung ương, tỉnh cần quan tâm nghiên cứu lập và ban hành bản đồ ngập lũ, nước biển dâng do bão mạnh, siêu bão theo các cấp báo động nguy hiểm chi tiết cấp thôn cũng như hướng dẫn cách đánh giá, thống kê khả năng chống chịu gió bão của các công trình dân dụng, công nghiệp… để làm cơ sở cho việc xây dựng phương án di dời, sơ tán dân.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.