Những cái chết không đáng có

09:03, 28/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian gần đây, trong khi nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo phải giành giật sự sống từng ngày, từng giờ thì nhiều người lại muốn kết liễu cuộc đời mình chỉ vì những lý do không đáng. Họ ra đi để lại nỗi đau tột cùng cho gia đình, người thân của họ.

Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ tự tử làm 3 người chết: Một vụ nhảy cầu Trà Khúc, 3 vụ treo cổ ở Ba Tơ, Tư Nghĩa và Nghĩa Hành. Mỗi trường hợp có nguyên nhân khác nhau, nhưng tựu trung các nạn nhân buồn chuyện gia đình, hoặc cuộc sống của họ khó khăn, nên rơi vào trạng thái trầm cảm, bế tắc dẫn đến tự tử.

Sau khi được cứu sống, chị H.  đem con về  Bình Định sinh sống, để lại căn nhà trống vắng.
Sau khi được cứu sống, chị H. đem con về Bình Định sinh sống, để lại căn nhà trống vắng.


Sáng 12.2, nhiều người đi đường chứng kiến một phụ nữ thẫn thờ đi dọc cầu Trà Khúc 1 rồi gieo mình xuống dòng sông Trà tự tử. Rất may người phụ nữ này được người dân cứu kịp thời nên thoát chết. Đó là chị H. quê ở tỉnh Bình Định lấy chồng ở xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh). Chị H. lập gia đình với anh T. năm 2010 và đã có với nhau hai mặt con, có nhà cửa đàng hoàng.

Tuy nhiên, từ sau khi chị H. sinh đứa con đầu lòng thì chuyện tình cảm giữa chị với anh T. không còn ngọt ngào như ngày mới lấy nhau. Anh T. có người phụ nữ khác, ít quan tâm đến vợ con, nhưng được hai bên gia đình kịp thời hòa giải nên đôi vợ chồng này hàn gắn lại và kết quả là chị H. sinh đứa con thứ hai. Sau khi chị H. sinh con, anh T. thường xuyên vắng nhà, thậm trí là thuê nhà trọ ở lại TP.Quảng Ngãi... “Chính vì nhiều lần khuyên can chồng không được, em buồn chán nên mới nảy sinh ý định tự tử. Sau khi được mọi người cứu, em đưa 2 đứa con về Bình Định sống và nộp đơn ly dị chồng, nhằm giải thoát cho cả hai”, chị H. nói trong nước mắt.

Còn tối mùng 3 Tết, ông A., xã Ba Chùa (Ba Tơ) đã treo cổ tự tử. Lý do xác định là ông A. tự tử do trầm cảm. Được biết, những ngày gần đó, mọi người thấy ông A. trở nên ít nói, nhiều khi mắt đờ đẫn, thẫn thờ nói về các khoản tiền mà gia đình có được từ bán keo, mì từ những năm trước... “Có lúc ông ấy nói lảm nhảm rằng ngày mai ăn Tết xong tôi chết... nhưng không ai nghĩ ông ấy lại treo cổ tự tử”, bà Lụa vợ ông A., cho biết. Cùng thời gian Tết, anh  H. (SN 1982) ở xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) cũng vì trầm cảm mà treo cổ tự tử trong vườn nhà.

Theo người nhà nạn nhân cho biết, ngày Mùng 7 Tết, H. có uống rượu rồi lấy xe máy bỏ nhà đi mà không nói gì với gia đình. Đến tối về đòi 1 triệu đồng mà H. gửi mẹ giữ rồi quay xe đi. Đến 3 giờ sáng, H. về nhà nói lảm nhảm gì ngoài sân rồi lại đi tiếp. Cứ nghĩ như mọi lần là sau khi có chút bia rượu, H. lảm nhảm rồi đi ngủ, hay đến bạn bè chơi nên gia đình không để ý. Đến sáng dậy gia đình thấy xe máy để trong sân, còn H. thì treo cổ tự tử ở ngoài vườn.

Còn trường hợp của bà C. (SN 1948), ở xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) lại tự vẫn vì câu nói đùa của người chồng: “Mai con nó dẫn tôi vào Sài Gòn, tôi bỏ bà, con nó kiếm cho tôi bà khác…”. Được biết, sáng Mùng 4 Tết, người con trai của bà C. tắm rửa cho bố và chuẩn bị đồ đạc đưa vào Sài Gòn chữa bệnh. Thấy vậy bà C. cho rằng câu nói của chồng lúc tối là thật nên buồn bực mà tự tử.

Và còn rất nhiều trường hợp khác, gặp lúc bế tắc trong cuộc sống, nhiều người không cố gắng vượt qua mà lại chọn cái chết bằng cách tự tử để giải thoát cho chính mình. Những cái chết như vậy luôn để lại nỗi đau tột cùng cho gia đình, người thân. Từ thực tế đó, vấn đề đặt ra là cần có sự quan tâm động viên, chia sẻ của người thân, bạn bè đối với các trường hợp gặp chuyện buồn, sự cố trong cuộc sống để góp phần tránh xảy ra những sự việc đau lòng.

Bá Sơn- Lâm Vi
 


.