"Bánh mỳ và hoa hồng"

10:03, 07/03/2014
.

*Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Khởi lên từ New York nhưng được chốt lại tại Copenhagen (Đan Mạch) năm 1910 trong Đại hội Phụ nữ quốc tế lần thứ 2, Ngày Phụ Nữ Quốc Tế 8.3 hàng năm đã đi trọn quãng đường dài 104 năm. Đó là một trong những ngày kỷ niệm đặc biệt nhất trong lịch sử nhân loại, nó đánh dấu sự thức tỉnh của một nửa nhân loại.

TIN LIÊN QUAN

Bắt đầu từ những khẩu hiệu đấu tranh cụ thể nhất: “Ngày làm việc 8 giờ”, “Quyền bình đẳng giới” và “Quyền có việc làm”, ngày Phụ Nữ Quốc tế 8.3 đã kêu gọi tới một cuộc cách mạng âm thầm, kiên nhẫn, kêu gọi một sự thay đổi cách nhìn, từ bên trong, đối với người phụ nữ và vai trò của họ trong xã hội. Dù bây giờ trên thế giới vẫn còn không ít người phụ nữ nghèo khổ, bất hạnh, bị dìm trong tăm tối vẫn chưa biết có một ngày 8.3 hằng năm của giới mình, thì ngày 8/3 vẫn tiếp tục là một ngọn đuốc sáng soi con đường dân chủ, bình quyền, bình đẳng giới và cách thế người phụ nữ cần phải làm để nắm giữ cuộc đời mình trong công cuộc mưu cầu hạnh phúc.

Nếu mục tiêu lớn nhất của con người là hạnh phúc, thì với người phụ nữ, hạnh phúc còn hơn một mục tiêu: Nó là mục đích, là lý tưởng của đời họ. Nhưng làm sao để có hạnh phúc? Nhất là trong những xã hội còn phân biệt nam nữ, còn mất dân chủ và không coi trọng bình đẳng giới?
 

 

Cách đây 104 năm, những người phụ nữ từ hàng trăm quốc gia trên thế giới đã nhấn mạnh tới khẩu hiệu đã từng được nêu ra trước đó, như một câu trả lời: Bánh mỳ và Hoa hồng! Khẩu hiệu đẹp đẽ này vừa mang tính biểu tượng rất cao, vừa nêu cụ thể cách mà phụ nữ thế giới phải vươn tới, phải giành về cho mình trong thế giới này: Đó là đời sống vật chất bảo đảm (bánh mỳ) và đời sống tinh thần phong phú (hoa hồng). Khẩu hiệu đơn giản ấy từ 1004 năm nay đã kêu gọi phụ nữ toàn thế giới tham gia vào biết bao cuộc đấu tranh và cùng với nó, họ đã giành những thắng lợi hết sức cơ bản ở một phần khá lớn cộng đồng nhân loại. Nhưng vẫn còn một phần không nhỏ những người phụ nữ trên thế giới tiếp tục phải sống trong bạo lực gia đình, bạo lực và bất bình đẳng xã hội, tình trạng thiếu việc làm, tình trạng bất bình đẳng giới, thu nhập thấp và thậm chí là phải sống dưới mức nghèo khổ.

Ngày làm việc 12 giờ vẫn tiếp diễn đó đây nấp dưới những hình thức tinh vi hơn, và người phụ nữ tiếp tục là nạn nhân. Sự thiếu chăm sóc y tế, nạn ô nhiễm môi trường tiếp tục là tác nhân trực tiếp tới đời sống người phụ nữ và con cái họ. Nếu bây giờ chúng ta gọi chung một từ “người nghèo” cho cả người nam và người nữ, thì thực ra, kẻ bất hạnh nhất trong “người nghèo” ấy chính là người phụ nữ.

Ở Việt Nam, dù Đảng và nhà nước đã có nhiều chính sách riêng cho phụ nữ, nhiều ưu đãi giới cho phụ nữ, nhiều chương trình mục tiêu giành riêng cho phụ nữ nghèo, nhưng ngay trong ngày 8.3 đang diễn ra tưng bừng này, vẫn còn bao nhiêu phụ nữ nghèo Việt Nam chưa hề biết ngày 8.3 là ngày gì. Đó là một sự thật đau lòng.

Không phải họ không muốn biết có một “ngày của mình” như thế, mà chính vì những lý tưởng và những hoạt động của ngày 8.3 vẫn chưa tới được với họ. Họ đang phải sống một đời sống quá nghèo nàn, quá khuất lấp để có thể tiếp nhận được những lý tưởng và mục tiêu của ngày 8.3. Và với những phụ nữ đã biết ngày kỷ niệm này của giới mình, thì không phải cứ được tặng quà hay nhận những lời chúc mừng “có cánh” là đã có ngày 8.3 đâu! Điều đặc biệt là trong cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng giới và các quyền con người của phụ nữ, ngày càng đông đảo những người thuộc “giới mày râu”tình nguyện tham gia một cách tích cực.

Điều đó chứng tỏ những mục tiêu của phụ nữ đã trở thành những mục tiêu chung của nhân loại và vì thế, ngày 8/3 hàng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng của toàn nhân loại.

Hạnh phúc luôn là một mục đích tối thượng của con người, đặc biệt là của người phụ nữ. Khi người phụ nữ đã có tất cả mà không có hạnh phúc, thì coi như họ chẳng có gì. “Nhưng hạnh phúc là một tiếng vô cùng chua chát/Ma quái nào che dấu nghĩa làm chi/Tóc ảo mộng và bàn tay huyền hoặc/Những cặp tình nhân ngày xưa đã mất/Hạnh phúc như vàng kia, ôi tiếng dị kỳ/Nó lăn trên sàn như con xúc xắc lăn đi/”( Louis Aragon).

Mặc dù có  những câu thơ buồn bã như thế, thi hào Aragon vẫn viết: “ Nhưng tôi tin hạnh phúc con người có thật/ Không phải trong mơ không phải trong mây/ Mà nơi bãi lạ bờ xa trên quả đất này”. Đó cũng là niềm tin của một nửa nhân loại. Và của cả nhân loại./.   
 


.