Nhiêu khê chuyện cấp “sổ đỏ”- Kỳ 2: Bất cập... VLAP

01:05, 15/05/2013
.

(QNg)- "Căn bệnh" cố hữu lâu nay mà cán bộ địa chính ở cơ sở thường mắc phải đó là sự rườm rà, đôi khi là quan liêu, tắc trách trong quản lý đất đai, gây bức xúc trong nhân dân. Dự án "Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP)" được triển khai ở 6 huyện của Quảng Ngãi được kỳ vọng sẽ điều trị tận gốc căn bệnh này. Thế nhưng...

TIN LIÊN QUAN


 Những tồn tại...

Không ai phủ nhận những tiện ích mà dự án VLAP mang lại trong việc quản lý đất đai. Tuy nhiên, theo kết luận của Thanh tra Bộ Tài nguyên & Môi trường, ở 3 huyện: Tư Nghĩa, Minh Long và Lý Sơn đã hoàn thành dự án năm 2012, nhưng đến nay việc vận hành hệ thống thông tin đất đai theo phần mềm Vilis 2.0 ở cấp huyện còn hạn chế. Các huyện chưa xây dựng được hệ thống mạng liên kết giữa văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đối với cơ quan tài nguyên và môi trường. Trong số 3 huyện kết thúc việc triển khai ứng dụng phần mềm Vilis của dự án VLAP để quản lý đất đai, chưa huyện nào có máy chủ nên chưa đánh giá cụ thể hiệu quả và bất cập của ứng dụng công nghệ thông tin.

 

Cải cách thủ tục hành chính về đất đai vẫn còn là câu chuyện dài.                                          Ảnh: BS
Cải cách thủ tục hành chính về đất đai vẫn còn là câu chuyện dài. Ảnh: BS


Bên cạnh đó, đơn vị thi công chưa phối hợp tốt với chính quyền địa phương và người dân trong việc đo đạc, xác định ranh giới, mốc giới thửa đất. Nhiều hồ sơ thiếu phiếu ghi ý kiến kiểm tra lưới địa chính. Việc lập bản đồ mô tả ranh giới thửa đất giữa các chủ sử dụng đất liền kề sau khi đo vẽ chi tiết ngoài thực địa là không đúng theo quy định. Các nhà thầu chưa thực hiện tốt việc tăng cường công tác thu thập thông tin thửa đất để kê khai, đăng ký và cấp GCN. Dữ liệu địa chính trên không ít GCN ghi không đúng diện tích, không đúng tên người sử dụng, không thống nhất về mục đích sử dụng đất giữa giấy cũ và giấy mới ở Minh Long và Tư Nghĩa, gây bức xúc trong nhân dân.  

Ông Nguyễn Xuân Tâm - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tư Nghĩa cho rằng: Trong quá trình thực hiện đo đạc, đơn vị thi công và đơn vị giám sát chưa làm tốt trách nhiệm của mình. Việc cấp đổi GCN có sai lệch thông tin nhiều, sai số chứng minh nhân dân, sai tên, chữ lót. Trong đó, cái sai nguy hiểm nhất là sai loại đất. Hiện ở Tư Nghĩa có trường hợp trên sổ đỏ cũ của người dân thể hiện là đất thổ cư, nhưng đơn vị thực hiện lại ghi là đất màu khiến người dân bức xúc. Thêm vào đó là ở xã biển Nghĩa An do không có bờ thửa, đơn vị thực hiện đã gộp nhiều thửa đất thành 1 thửa. Nguyên nhân là khi đi đo đạc không có người dẫn đạt, chủ đất vắng mặt. Dự án kết thúc năm 2012, nhưng huyện chưa nối mạng liên kết là do nhà thầu chưa giao máy chủ cho huyện. Một số máy móc chất lượng không tốt, hư hỏng thường xuyên nên chưa phát huy hiệu quả mà dự án mang lại.  

Đâu là hướng khắc phục?

Trao đổi vấn đề trên với ông Lê Mỹ Liên - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi được biết: Thời gian qua, việc tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai gặp nhiều khó khăn do những tồn tại của lịch sử. Đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin tại địa phương còn thiếu. Việc đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng mạng máy tính, cũng như mua sắm trang thiết bị kỹ thuật chưa được các địa phương quan tâm. Về những vướng mắc ở dự án VLAP là do các nguyên nhân: Một số nhà thầu làm không tốt nhiệm vụ của mình. Sự phối hợp của cán bộ địa phương với đơn vị thực hiện gói thầu chưa tốt.

Chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ địa chính cơ sở chưa cao. Công tác đo đạc trước đây có nhiều bất cập. Việc giao đất nhiều nơi không có mốc giới, ranh giới của hệ thống kênh mương nội đồng, đường giao thông, dẫn đến dân lấn chiếm, nay đo đạc lại gặp nhiều trở ngại. Một bất cập nữa là dự án không đầu tư đo đạc, cấp GCN đối với đất lâm nghiệp, dẫn đến thực trạng là trên cùng một địa bàn nhưng dùng 2 bản đồ địa chính. Kinh phí tổ chức tập huấn công tác quản trị mạng, chuyển giao công nghệ để khai thác và cập nhật thông tin địa chính khá tốn kém và phải mất nhiều thời gian.

Để thực hiện tốt công tác xây dựng một cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về đất đai thì các đơn vị thực hiện cần nêu cao trách nhiệm của mình trong đo đạc, thẩm định hồ sơ cấp GCN. Đặc biệt là chính quyền các cấp cần phối hợp và giám sát chặt chẽ việc triển khai dự án.


Bá Sơn

 


.