Bán C.ty Dược- Vật tư y tế Quảng Ngãi: Hệ quả của việc yếu kém trong quản lý kinh doanh...

08:06, 01/06/2011
.

(QNg)- C.ty TNHH MTV Dược- Vật tư y tế Quảng Ngãi được thành lập năm 2005, sở hữu một hệ thống nhà làm việc, cửa hàng nằm ở những vị trí đắc địa trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi và một số trung tâm huyện, C.ty còn có Nhà máy muối tinh chất lượng cao Sa Huỳnh được xây dựng với tổng kinh phí hơn chục tỷ đồng, được tỉnh quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giải quyết việc làm, bảo tồn và phát huy hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước. Song...

UBND tỉnh vừa ban hành quyết định phê duyệt phương án bán C.ty TNHH MTV Dược - Vật tư y tế Quảng Ngãi. Bởi lẽ, nếu kéo dài hoạt động, C.ty thua lỗ, nguy cơ nguồn vốn Nhà nước bị mất là điều không thể tránh khỏi, mà còn đẩy cán bộ, nhân viên và người lao động lâm vào cảnh mất việc làm.
 
Qua kiểm tra của ngành chức năng, tổng giá trị thực tế tại doanh nghiệp đến cuối năm 2009 là trên 25,3 tỷ đồng; nợ phải thu trên 4,2 tỷ đồng; nợ thực tế phải trả trên 14,6 tỷ đồng; tổng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trên 10,7 tỷ đồng.
 
Ngày 6/12/2010, UBND tỉnh có QĐ số 1739 quy định giá khởi điểm cho việc bán doanh nghiệp theo hai phương án: Trường hợp người mua kế thừa công nợ thì giá khởi điểm tối thiểu là: 10.766.879.699đ (giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp). Trường hợp người mua không kế thừa công nợ, thì giá khởi điểm tối thiểu là: 25.386.152.154đ (giá trị thực tế của doanh nghiệp). Song theo nhận định của các ngành chức năng liên quan thì từ thực trạng này việc bán doanh nghiệp với giá nêu trên sẽ gặp nhiều khó khăn.
 
Nhà máy muối đầu tư hàng hơn chục tỷ đồng nhưng diêm dân Sa Huỳnh vẫn không được hưởng lợi.
Nhà máy muối đầu tư hàng hơn chục tỷ đồng nhưng diêm dân Sa Huỳnh vẫn không được hưởng lợi.

Vấn đề mà dư luận đã và đang đặc biệt quan tâm là, cùng kinh doanh mặt hàng dược - vật tư y tế, nhưng các cửa hàng, doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh làm ăn có hiệu quả. Thế mà C.ty TNHH Nhà nước MTV Dược- Vật tư y tế Quảng Ngãi hội đủ điều kiện cần và đủ trong kinh doanh, nhưng lại liên tiếp làm ăn thua lỗ, cán bộ công nhân viên không có việc làm (lương chỉ hưởng 75%).

Thực tế trong những năm 2005-2007, C.ty liên tục thua lỗ, với chiều hướng ngày một gia tăng; có nhiều bất ổn trong công tác điều hành, lãnh đạo, khiến cán bộ nhân viên C.ty phát sinh đơn khiếu nại khắp nơi. Đặc biệt trong khoảng thời gian này C.ty có những sai phạm trong công tác quản lý tài chính, kế toán là: Kinh phí ngân sách cấp trợ cước, trợ giá và cấp không thu tiền mặt hàng chính sách (muối) còn thừa tại C.ty trên 326 triệu đồng; phòng nghiệp vụ kinh doanh của C.ty  còn mua hoá đơn khống, để hợp thức hoá chứng từ thanh toán lượng hàng khuyến mãi với số tiền trên 275 triệu đồng; khoản tiền 200 triệu đồng có nguồn gốc từ Bộ Y tế cho C.ty mượn trước năm 1998, cũng chưa được thu hồi; hạch toán sai chế độ tài chính với số tiền trên 382 triệu đồng (trong đó tại cửa hàng thiết bị 249 triệu đồng).

 Để che lấp những khoản thua lỗ, C.ty cho phép xử lý giảm vốn kinh doanh mặt hàng tân dược, hàng vật tư y tế tồn kho... Việc làm này là không đúng quy trình, không đúng niên độ tài chính (với số tiền gần 249 triệu đồng). Với các Trung tâm Dược- Vật tư y tế Duy Tân, Chi nhánh Dược- Vật tư y tế Sơn Tịnh, Chi nhánh Dược- Vật tư y tế Đức Phổ, đều được C.ty giao khoán trong kinh doanh, nhưng khi làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ với số tiền trên 60 triệu đồng, thì lại được C.ty cho phép bù lỗ 30% trên tổng số tiền thua lỗ. Một bộ phận cán bộ nhân viên C.ty cho rằng, sự ưu ái trên là không bình thường.

Cũng trong thời gian này qua thanh tra lãnh đạo Sở Tài chính cho rằng, giám đốc và  kế toán trưởng C.ty chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo kinh doanh kém hiệu quả và có hình thức kỷ luật đối với cán bộ công nhân viên trong việc bỏ ngoài sổ sách kế toán khoản tiền trên 275 triệu đồng. Tổng số tiền sai phạm trong khoảng thời gian này phải nộp vào ngân sách Nhà nước trên 1 tỷ đồng. Riêng Nhà máy muối Sa Huỳnh được đầu tư trên chục tỷ đồng, nhưng chỉ hoạt động cầm chừng trong những năm đầu và nay đã ngừng hẳn.  Điều này được các ngành chức năng biết rõ, nhưng không tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh để có biện pháp chấn chỉnh, nhằm cứu C.ty thoát khỏi bờ vực phá sản.

Năm 2008 tỉnh cho chủ trương  đưa C.ty tiến tới cổ phần hoá, nhằm giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động. Tuy nhiên  C.ty sau đó vẫn không chuyển biến tích cực, đời sống cán bộ, nhân viên và người lao động rất khó khăn. Trong một văn bản gửi UBND tỉnh năm 2008, C.ty đã thừa nhận qua 3 năm đi vào hoạt động (2005-2008), C.ty đã thua lỗ trên 3 tỷ đồng.

Hiện nay Sở Y tế, Bệnh viện tỉnh không cho công ty tham gia đấu thầu cung cấp thuốc. Ngân hàng đầu tư và phát triển không cho vay vốn và đòi phát mãi Nhà máy muối tinh chất lượng cao Sa Huỳnh, để thu hồi vốn. Về nguyên nhân thua lỗ, C.ty cho rằng là do thiếu vốn và ngân hàng không cho vay vốn. Biện minh trên của lãnh đạo C.ty là không thuyết phục. Hiện nay việc giải quyết chế độ cho người lao động là vấn đề cấp thiết.

Tổng số lao động cần phải xem xét giải quyết là 130 người, trong đó có 65 người nghỉ theo Nghị định 91/2010/NĐ-CP, 60 người nghỉ theo Bộ luật Lao động... Dự kiến tổng kinh phí trả cho lao động khi thực hiện bán doanh nghiệp là trên 3 tỷ đồng. Mới đây ông Phạm Còn và bà Huỳnh Thị Phi Nga - đại diện cho một số lao động tại C.ty có đơn gửi UBND tỉnh yêu cầu C.ty TNHH MTV Dược- Vật tư y tế Quảng Ngãi thu hồi nợ, để giải quyết chế độ bảo hiểm cho người lao động. Ngày 8/3/2011, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã họp và có Kết luận số 361/KL-BCS, giao Sở Nội vụ tổ chức kiểm điểm Ban Giám đốc C.ty và cá nhân có liên quan theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 10, Nghị định 109/2008/NĐ-CP ngày 10/10/2008 của Chính phủ và các văn bản pháp lý liên quan khác. Đồng thời quy rõ trách nhiệm về khoản lỗ trên 3,3 tỷ đồng của C.ty TNHH MTV Dược- Vật tư y tế Quảng Ngãi.     

Bài, ảnh: PV

.