Theo "chân rết" nam làm dân số

03:07, 10/07/2009
.
Chiếm chưa đầy 1/4 trong số gần 3.000 "chân rết" của làng (như cách người ta thường gọi cán bộ dân số  ở cơ sở) và không có  nhiều lợi thế như nữ, nhưng bằng ngọn lửa nhiệt t, lòng đam mê công việc và sự cống hiến thầm lặng, những "chân rết" nam đã có những đóng góp thiết thực trong việc tuyên truyền vận động làm thay đổi nhận thức - hành vi, giúp người dân nhận thức đúng hơn về vai trò của công tác dân số trong mỗi gia đình.

Gắn bó với việc tuyên truyền, vận động KHHGĐ  đến nỗi quên đi mình đã già, ông Trần Lai (72 tuổi)- cộng tác viên dân số xã Bình Thạnh (Bình Sơn) vẫn nhiệt tình đi gõ cửa từng nhà, khi tỉ tê như người bạn, khi khuyên bảo như người ông, người cha với những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ.

Đến bây giờ, không ít gia đình, đặc biệt là những người chồng trong thôn  Hải Ninh vẫn thầm cảm ơn ông đã giúp họ hiểu lợi ích của việc sinh ít con để ổn định cuộc sống. Biệt danh "ông vua đình sản" được gắn cho ông như một kỳ tích về làm kế hoạch hoá gia đình. Ông là một trong số ít cán bộ dân số cơ sở huy động được sự vào cuộc của nam giới dùng biện pháp tránh thai khó nhất là đình sản. Không chỉ "đi từng ngõ, gõ từng nhà", mà ông còn tận dụng những buổi họp khu dân cư, đám cưới, đám giỗ... để tuyên truyền, nhắn nhủ, khuyên bảo các gia đình có con một bề, gia đình có 2 con trở lên nên thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Ở xã Bình Thạnh này, ai cũng biết sau khi vợ mất (năm ông 40 tuổi), ông Lai ở vậy một mình nuôi mẹ già và 6 người con trưởng thành, lo chuyện dựng vợ, gả chồng cho các con, ông chỉ có niềm vui duy nhất là công việc.

Ông Trần Lai
Ông Trần Lai
Sự tận tuỵ, hăng say không biết mệt mỏi của ông Lai đã có chuyển biến tích cực, kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ của người dân trong việc thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ.
Ông Lai tâm sự: Là nam giới, nói chuyện "tế nhị" ấy cũng dễ dàng hơn, nói đến khi người ta hiểu rồi họ sẽ tự nguyện kế hoạch thôi. Người ông Lai vận động đầu tiên không ai khác chính là những người con trai của ông. Rồi chính những người con này đã cùng ông "rỉ tai" những anh chồng gần nhà, cùng thôn, cùng xã. Cứ thế, 15 năm làm cộng tác viên dân số, ông đã vận động 250 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng biện pháp tránh thai (chiếm 90% cặp vợ chồng do ông quản lý). Trong đó đình sản nam có 33 người, đình sản nữ 22 người, gần 150 trường hợp đặt vòng tránh thai. Hai trong số ba khu dân cư Hải Khương và Tân Lập do ông quản lý, 5 năm liền không có trường hợp sinh con thứ ba, nhờ đó giữ vững danh hiệu khu dân cư văn hoá nhiều năm liên tiếp.

Ông Nguyễn Thừa
Ông Nguyễn Thừa
Cũng ngót 15 năm làm cán bộ dân số ở cơ sở, ông Nguyễn Thừa - chuyên trách dân số xã Đức Phú (Mộ Đức) cũng nếm trải nhiều niềm vui cũng như nỗi buồn. Ông vui vì giúp nhiều gia đình nhận thức được việc sinh ít con để phát triển kinh tế gia đình, lo con cái ăn học đến nơi đến chốn, buồn vì nhiều người vẫn chưa hiểu và thông cảm cho việc ông làm. Xã Đức Phú là địa phương có tỷ lệ lao động đi vào Nam khá cao, do vậy rất khó quản lý. Ông Thừa cho biết: "Làm cộng tác viên đã khó, làm chuyên trách dân số còn khó hơn nhiều vì phải quản lý tất cả các hoạt động thuộc lĩnh vực dân số - KHHGĐ trên địa bàn xã. Mình không nhận thì thôi, nhận rồi thì phải làm thế nào để lãnh đạo và nhân dân tin cậy, yêu mến". Từ suy nghĩ này, ông đã dành hết tâm huyết của mình cho công việc. Ông Thừa luôn học hỏi, tìm tòi, áp dụng những kiến thức, kỹ năng mới vào công việc. Đối với đội ngũ cộng tác viên, ông Thừa thường xuyên gặp gỡ, giúp đỡ trong công tác vận động, tuyên truyền và cập nhật sổ sách để kịp thời điều chỉnh sai lệch. Ngoài ra, ông Thừa luôn tạo mối đoàn kết gắn bó, thường xuyên động viên nhắc nhở anh chị em cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ông thường nhắc nhở cộng tác viên: "Công tác DS - KHHGĐ rất tế nhị và nhạy cảm, chúng ta phải chịu khó, kiên trì và nhẫn nại, mưa dầm thấm sâu thì mới đạt hiệu quả cao". Những việc làm của ông đã góp phần duy trì và phát triển phong trào DS - KHHGĐ của xã. Từ năm 2004 đến nay, số cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại của xã năm sau đều cao hơn năm trước; tỷ lệ sinh con thứ 3 có chiều hướng giảm, sinh ít con. "Nếu anh Thừa không tích cực vận động sinh ít con, chắc bây giờ cả gia đình tôi vẫn đang trong vòng luẩn quẩn của nghèo khó" -Anh Trương Vĩnh Hảo tâm sự.  Sau 5 năm kể từ ngày đình sản, gia đình anh Hảo đã ăn nên làm ra, xây dựng nhà cửa khang trang, con cái học hành tử tế, trong đó có 1 con học đại học và một học cao đẳng. Không chỉ có gia đình anh Hảo, gia đình anh Việt-trưởng thôn Phước Hoà, anh Hương - cán bộ thuỷ nông HTX... cũng tự nguyện đình sản để làm gương cho nhân dân. 

Ông Phạm Văn Mau
Ông Phạm Văn Mau
Không chỉ ở đồng bằng, mà ngay ở vùng sâu, vùng sa, điều kiện kinh tế và đi lại rất khó khăn, trình độ nhận thức của người dân về DS-KHHGĐ chưa cao, phong tục tập tập quán còn lạc hậu. Nhưng bằng sự nhiệt tình, nỗ lực của bản thân, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ dân số đã không quản khó khăn, có cả sự hiểm nguy để tác động, thay đổi nhận thức lạc hậu về vấn đề dân số vốn đã tồn tại trong tâm thức nhiều đồng bào dân tộc. Anh Phạm Văn Mau - dân tộc H’re, chuyên trách dân số xã Ba Xa là một tấm gương tiêu biểu. Xã Ba Xa là một xã nghèo của huyện Ba Tơ, có gần 3.300 khẩu, trong đó số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 830 người. Với đồng bào thì chuyện "kế hoạch" không dễ chút nào. Bởi vì không dễ nên nhiều người không làm được, kể cả hội phụ nữ xã và tỷ lệ sinh con thứ ba, thứ tư trở lên đến mức báo động.

Nhiều năm xã bị phê bình về không thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ. Trước tình hình đó, anh Mau xin đảng uỷ, chính quyền xã được làm công tác  dân số. Mặc dù  mới chỉ học hết lớp 8 nhưng nhờ biết cách ăn nói và dựa theo văn bản của cấp trên để làm tham mưu và thông tin kịp thời xuống tận thôn, khu dân cư. Hơn 10 năm qua anh Mau đã từng bước khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao, để lại niềm tin trong lòng mỗi người dân. Nhiều năm liền xã Ba Xa hoàn thành tốt các chỉ tiêu trên giao, đặc biệt từ năm 2007 đến nay, xã không có trường hợp sinh con thứ ba. Bản thân anh đã vận động gần 500 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại.

Nói về những cống hiến của các “chân rết” nam, ông Nguyễn Tấn đức - Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cho biết: Không có gì ngoài tình cảm tốt đẹp, sự biết ơn và trân trọng nhất đối với nam giới làm dân số. Chính họ là những người biến điểm yếu thành thế mạnh mà phụ nữ khó làm được. Với lòng yêu nghề và trách nhiệm cao, những "chân rết" nam đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện mục tiêu "Dân số ổn định, xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc"; đồng thời xây dựng xã, phường, thôn, tổ dân phố, câu lạc bộ không sinh con thứ 3 trên địa bàn tỉnh. Dù xuất phát từ những cương vị nào, nghề nghiệp nào, trình độ hay lứa tuổi nào, ở họ đều có  một nét chung lòng vì sự nghiệp dân số.
Bài, ảnh: Thanh Thuận

.