KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY THÀNH LẬP BAN KIỂM TRA ĐẢNG BỘ TỈNH QUẢNG NGÃI (26.9.1970 - 26.9.2020):
Tự hào truyền thống vẻ vang

10:09, 26/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Ban Kiểm tra Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi là dịp để cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành Kiểm tra Đảng tỉnh. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cán bộ ngành Kiểm tra Đảng tỉnh luôn nỗ lực, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh. Phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc phỏng vấn Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Võ Văn Quỳnh xoay quanh nội dung này.
 
Đồng chí Võ Văn Quỳnh.
Đồng chí Võ Văn Quỳnh.
*PV: Thưa đồng chí, qua 50 năm xây dựng và phát triển, ngành Kiểm tra Đảng tỉnh đã không ngừng phấn đấu, trưởng thành, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Xin đồng chí cho biết về truyền thống của ngành Kiểm tra Đảng tỉnh qua các thời kỳ? 
 
*Đồng chí VÕ VĂN QUỲNH: Công tác kiểm tra, giám sát (KT, GS) của Đảng có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Đảng; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Từ năm 1948 trở về trước, công tác KT, GS  của Đảng do cấp ủy và chi bộ tiến hành. Ngày 16.10.1948, Ban Kiểm tra Trung ương được thành lập. Từ đó đến nay, căn cứ yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, quy mô tổ chức và điều kiện hoạt động của Đảng trong từng thời kỳ, cơ quan kiểm tra chuyên trách của Đảng từng bước được tổ chức, kiện toàn, ngày càng hoàn chỉnh. Ban Kiểm tra cấp khu ủy được thành lập vào những năm 1948, 1949. Đến Đại hội Đảng lần thứ III (1960), Ban kiểm tra bắt đầu được thành lập đến cấp huyện và tương đương. Từ Đại hội Đảng lần thứ IV (1976), Ban kiểm tra bắt đầu được thành lập đến cơ sở. Trên địa bàn Khu 5, tháng 3.1970, Khu ủy Khu 5 đã thành lập Ban Kiểm tra Khu ủy, do đồng chí Trần Kiên - Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy Khu 5 làm Trưởng ban; đồng thời ban hành Chỉ thị “về việc thành lập Ban Kiểm tra các cấp”.
 
Tại Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, trước năm 1970, chưa có cơ quan kiểm tra chuyên trách, công tác kiểm tra, giữ gìn kỷ luật của Đảng do Ban tổ chức cấp ủy đảm nhận. Chấp hành chỉ thị của Khu ủy Khu 5 về việc thành lập Ban Kiểm tra các cấp, trong phiên họp ngày 26.9.1970, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã bầu ra Ban Kiểm tra Tỉnh uỷ gồm 5 đồng chí, đồng chí Lê Tấn Toả, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, kiêm Trưởng ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Sau khi Ban Kiểm tra Tỉnh ủy được thành lập, các huyện, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã tiến hành bầu một số đồng chí cấp ủy viên làm công tác kiểm tra... Qua các lần Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình, rồi đến Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi sau khi tái lập tỉnh (1989), Ban Kiểm tra, nay là Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy thường xuyên được củng cố, kiện toàn.
 
Suốt 50 năm qua, cùng với ngành Kiểm tra Đảng, đội ngũ cán bộ ngành Kiểm tra của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi không ngừng trưởng thành, từng bước được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng; có bản lĩnh chính trị vững vàng, giữ vững lập trường, quan điểm, đoàn kết, nhất trí, vượt qua khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh. 
 
*PV: Xin đồng chí cho biết kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành Kiểm tra Đảng tỉnh trong những năm gần đây?
 
*Đồng chí VÕ VĂN QUỲNH: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp ủy, UBKT các cấp trong Đảng bộ tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ KT, GS và kỷ luật của Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã kiểm tra 2.773 đảng viên và 2.471 tổ chức đảng (nhiệm kỳ trước là 2.185 đảng viên và 1.782 tổ chức đảng); giám sát 2.793 đảng viên và 1.856 tổ chức đảng (nhiệm kỳ trước là 1.078 đảng viên và 1.148 tổ chức đảng); tập trung KT, GS việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; việc triển khai thực hiện các kết luận, nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy khóa XIX; việc thực hiện công tác cán bộ; trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao...
 
Ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ KT, GS, kỷ luật Đảng. Đồng thời, triển khai khá toàn diện các nhiệm vụ KT, GS theo Điều 32, Điều lệ Đảng. Trong đó, đã chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; đã kiểm tra 401 đảng viên và 150 tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm (nhiệm kỳ trước là 377 đảng viên và 113 tổ chức đảng); nội dung kiểm tra tập trung ở những lĩnh vực nổi cộm như: Đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao của cấp ủy viên và đảng viên là người đứng đầu cơ quan, đơn vị... 
 Viếng hương tại Nhà lưu niệm đồng chí Trần Kiên 
 
Nhân Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Ban Kiểm tra Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, sáng 24.9, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Võ Văn Quỳnh cùng với cán bộ Cơ quan UBKT Tỉnh ủy đã đến viếng, dâng hương tại Nhà lưu niệm đồng chí Trần Kiên, ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa). Đồng chí Trần Kiên nguyên là Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKT Trung ương, Trưởng ban Kiểm tra Khu ủy 5, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Đồng chí Trần Kiên đã có nhiều đóng góp to lớn cho ngành Kiểm tra Đảng, là tấm gương sáng để cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng noi theo.  
Cán bộ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xem lại hình ảnh, hiện vật gắn với cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Kiên.
Cán bộ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xem lại hình ảnh, hiện vật gắn với cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Kiên.
Qua công tác KT, GS đã kịp thời phát hiện và xử lý kỷ luật các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm; đồng thời, giúp các tổ chức đảng và đảng viên phát huy những ưu điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, khắc phục kịp thời những sai sót, tồn tại, đề ra các giải pháp ngăn chặn sai phạm trong thực thi công vụ, nhất là những công việc, lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm, dễ dẫn đến vi phạm; góp phần ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, quan liêu, tham nhũng; giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
 
*PV: Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Kiểm tra Đảng tỉnh trong thời gian tới như thế nào, thưa đồng chí?
 
*Đồng chí VÕ VĂN QUỲNH: Trước mắt, UBKT Tỉnh ủy phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, cùng các Tiểu ban chức năng Tỉnh ủy tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thẩm tra liên quan nhân sự đại hội, tham mưu tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Sau đại hội, UBKT các cấp trong tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
 
Thứ nhất, phối hợp tham mưu, giúp cấp ủy xây dựng, ban hành kịp thời Quy chế làm việc của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và thường trực cấp ủy; Quy chế làm việc của UBKT và Chương trình KT, GS toàn khóa, hằng năm của cấp ủy cấp mình để triển khai thực hiện; trong đó, tập trung KT, GS cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ cấp trên và cấp mình; các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng; việc thực hiện trách nhiệm nêu gương; việc thực hiện Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các nội dung, lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng...
 
Thứ hai, kịp thời quán triệt và phối hợp tham mưu giúp cấp ủy xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ cấp trên và cấp mình; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện.
 
Thứ ba, chủ động triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ KT, GS theo Điều 32, Điều lệ Đảng. Tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm khi mới manh nha. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm phải khẩn trương kiểm tra, làm quyết liệt, triệt để, giải quyết dứt điểm.
 
Thứ tư, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt Quy định số 195 của Ban Bí thư về chỉ đạo của UBKT cấp trên đối với UBKT cấp dưới trong công tác KT, GS và kỷ luật Đảng; tăng cường kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ KT, GS và kỷ luật Đảng của cấp ủy, UBKT cấp dưới để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn. Ngoài ra, cấp ủy và UBKT các cấp cần tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác KT, GS; tiếp tục triển khai thực hiện Thông báo kết luận số 312 của Ban Bí thư về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp về làm công tác KT, GS và luân chuyển lãnh đạo UBKT các cấp sang công tác ở các ngành, các cấp để đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ kiểm tra; chú trọng thực hiện tốt việc tuyển chọn cán bộ làm công tác KT, GS của Đảng.
 
*PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Nhiều phần thưởng cao quý
 
Từ năm 2010 đến nay, UBKT Tỉnh ủy đã 5 lần được UBKT Trung ương tặng Cờ thi đua đơn vị tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua toàn ngành; 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua; 5 lần được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua; năm 2010 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua Cụm Thi đua ngành Kiểm tra Đảng khu vực miền Trung- Tây Nguyên và được đề nghị UBKT Trung ương tặng Cờ thi đua nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ VII, giai đoạn 2020 - 2025 được tổ chức vào ngày 2.10 tới đây, UBKT Tỉnh ủy vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.
PHƯƠNG LÝ
(thực hiện)
 
 
 
 
 

.