Huyền thoại người con gái sông Trà

05:04, 16/04/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ Hà Nội, tin cụ bà Phạm Thị Trinh, cán bộ lão thành cách mạng, quê xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) qua đời khiến nhiều người bùi ngùi như thể mất đi người thân. Nhiều người đã từng công tác, tiếp xúc với bà không sao quên được hình ảnh người phụ nữ đôn hậu, nhưng kiên cường, bất khuất. Với những ai chưa một lần gặp mặt, chỉ qua câu chuyện kể về huyền thoại người con gái sông Trà, vẫn hết mực tôn kính cụ bà Phạm Thị Trinh, bà là tấm gương sáng để các thế hệ noi theo, cống hiến vì sự nghiệp cao quý của Đảng, vì lợi ích của quê hương, đất nước.
 Đồng chí Nguyễn Chánh và Phạm Thị Trinh.                                                              Ảnh: TL
Cụ Phạm Thị Trinh (ngồi giữa) cùng với con cháu. Ảnh: TL

Cụ bà Phạm Thị Trinh là một người đặc biệt. Bà hưởng thọ 105 tuổi, những người cùng thời với bà nay chẳng còn ai. Càng đặc biệt hơn khi bà đã 89 năm tuổi Đảng, bằng với tuổi của Đảng. Cụ bà Phạm Thị Trinh là vợ của đồng chí Nguyễn Chánh, em gái đồng chí Phạm Kiệt, những người chỉ huy cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ và là những vị tướng đã viết nên huyền thoại trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm ở Quảng Ngãi nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
 
Đồng chí Phạm Thị Trinh (Lân) nguyên là Đại biểu Quốc hội khóa II, III; nguyên Ủy viên Đảng đoàn, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Hai, Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng.
Chuyện kể bên dòng Trà Giang

Dòng sông Trà mùa này hiền hòa, trong xanh. Từ xã Tịnh Minh nơi cụ bà Phạm Thị Trinh sinh ra đến làng quê ven sông ở thôn Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh), quê của đồng chí Nguyễn Chánh, đến đâu chúng tôi cũng nghe kể về người con gái sông Trà huyền thoại, với sự tôn kính, thán phục.  

Bà Nguyễn Thị Tuyến, cháu dâu bên chồng của bà Trinh, ở thôn Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Hà xúc động nói: “Hiếm có người như bà Trinh, bà cùng với ông hy sinh cả cuộc đời cho dân tộc nhưng không một đòi hỏi gì cho riêng mình. Bà sống ai cũng mến, cũng thương”. Nghe kể chuyện về bà Trinh, một người cháu bên chồng của cụ bà nói: “Bà giỏi lắm, không chỉ giỏi đánh giặc, mà còn giỏi nuôi dạy con cháu, bà làm thơ thì hay phải biết. Năm xưa, lúc ở trong tù, ông đã dạy cho bà làm thơ...”.

Bà Trinh là em út trong số 10 anh chị em sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Lòng yêu nước như thể được hun đúc từ trong huyết mạch, nên bà cùng với các anh chẳng tiếc thân mình đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bà Trinh tham gia cách mạng tháng 9.1930, năm ấy bà tròn 16 tuổi.
 
Hôm ấy, trong đêm tối tĩnh mịch, trên chiếc ghe nhỏ, người con gái Phạm Thị Trinh đã xuôi dòng sông Trà đi theo tiếng gọi của non sông. Hiểm nguy chồng chất, thậm chí là đứng trước lằn ranh của sự sống và cái chết, bà vẫn không một phút giây nao núng. Người con gái ấy bước chân vẫn cứ thoăn thoắt cùng với trái tim nóng hổi nhịp đập của tình yêu Tổ quốc.

 Lịch sử phong trào phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi trong giai đoạn đấu tranh chống thực dân Pháp khắc ghi công lao to lớn của bà Phạm Thị Trinh. Bà nguyên là Bí thư Ban Chấp hành Đoàn Phụ nữ cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi, về sau làm Hội trưởng Phụ nữ Liên khu V... Lịch sử khắc ghi đầu năm 1931, từ Đồng Ké, đoàn biểu tình hàng nghìn người do bà Phạm Thị Trinh dẫn đầu về Núi Tròn hợp lực với quần chúng ở đây kéo về huyện lỵ Sơn Tịnh. Trên đường đi, bà Phạm Thị Trinh đứng lên diễn thuyết, nêu rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc đấu tranh. Đoàn biểu tình xông vào huyện đường buộc tri huyện Sơn Tịnh phải nhận yêu sách.

Trước cao trào cách mạng của các tầng lớp nhân dân,  thực dân Pháp đàn áp khốc liệt. Bà Trinh cùng với các nữ đảng viên lãnh đạo cốt cán bị địch bắt, giam ở nhà lao Quảng Ngãi. Ở trong tù, họ đã đoàn kết, động viên nhau giữ tròn khí tiết người cộng sản. Bà Trinh là một trong những “thầy giáo” tích cực tuyên truyền, động viên chị em đấu tranh trong nhà tù. “Chết bỏ, sống về tranh đấu mãi/Gian nan chi núng phận tơ đào” (trích bài thơ “Không nao núng”-Phạm Thị Trinh), Bà Trinh dõng dạc với vần thơ được viết nên từ chính trái tim hồng. Trước mọi thủ đoạn tra tấn dã man của kẻ thù, bà vẫn không hề khuất phục. Có tên lính canh bảo rằng:  “Ít thấy ai như con nhỏ này, gan lỳ thật, lúc nào cũng cười, bị đánh đập máu me đầy người, chết đi sống lại cũng cười, kỳ lạ quá trời...”.

Sức mạnh của tình yêu

Những tháng ngày bị giam cầm trong lao tù, bà Trinh đã gặp đồng chí Nguyễn Chánh, về sau họ nên duyên chồng vợ. Đó là một vị tướng mà sau ngày ký Hiệp định Giơnevơ, De Beaufort, tướng chỉ huy quân viễn chinh Pháp và là tư lệnh chiến dịch Atlante, tha thiết đề nghị Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho phép được gặp vị tướng Việt Nam đã làm cho ông ta điêu đứng trên chiến trường Tây Nguyên, đó là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5 Nguyễn Chánh.
 
Cụ Phạm Thị Trinh (ngồi giữa) cùng với con cháu.                                               Ảnh: TL
Đồng chí Nguyễn Chánh và bà Phạm Thị Trinh. Ảnh: TL

Tình yêu giữa hai người họ được xây đắp, khởi nguồn từ việc chung một nhịp đập của trái tim nặng tình với non sông. Vậy nên họ đã chấp nhận hy sinh cuộc sống, hạnh phúc riêng tư của mình để lo trọn mối tình thiêng liêng ấy. Ngày ấy, nhà vệ sinh nam và nữ trong nhà lao chung một vách tường, đều có cửa sổ quay ra đường, đây là địa điểm để ông Chánh từ phòng bên này dạy cho bà Trinh ở phòng bên học làm thơ. Ông Chánh ra tù trước, họ lưu luyến chia tay nhau bằng những vần thơ và đã đặt lên trên hết tình yêu, trách nhiệm với nước non.  

Thật cảm động khi đọc được lời của bức thư ông Chánh viết gửi bà Trinh lúc anh ở tù, sau khi họ cưới nhau, ông bị địch bắt giam ở nhà lao Huế. “Bây giờ đầu óc tôi cứ nghĩ khi ra tù về đến nhà, thấy mình chỉ ngồi một chỗ, bảo tôi đến gần để sờ thử cánh tay xem gầy đến mức độ nào. Tôi muốn chia sẻ nỗi khổ ấy với mình như những ngày tôi lén bà con chòm xóm, lén gia đình đi giặt quần áo cho mình trong lúc đêm khuya khi mình sinh đẻ. Thôi đứng lên Trinh ơi! Tự tin rằng người bạn tri kỷ, đáng tin cậy sẽ vượt qua mọi khó khăn để sống...”. Vâng, bà Trinh đã vượt qua mọi khó khăn để vừa lo việc nhà, việc nước. Những ngày tháng gửi con cho người thân chăm sóc để hoạt động cách mạng, nhất là khi con đau ốm là những lúc mà bà đau xé lòng, nhưng đành chấp nhận!… Không một từ ngữ nào có thể nói hết khó khăn, sự hy sinh mà bà cùng với gia đình đã trải qua. Cưới nhau gần 20 năm, nhưng thời gian ông Chánh, bà Trinh sống bên nhau cộng lại chỉ vài ba năm.

Năm 1957, đồng chí Nguyễn Chánh đột ngột ra đi ở tuổi 43 do đột quỵ. Nén trong lòng nỗi đau mất mát, bà Trinh đã mạnh mẽ, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Bà vẫn mãi là người đảng viên gương mẫu, bất chấp gian lao vì nghĩa lớn và là điểm tựa, là gương sáng để cháu con noi theo. Chừng ấy câu chữ không đủ để nói hết những gì mà cụ bà Phạm Thị Trinh đã trải qua trong suốt cuộc đời của mình, chỉ biết rằng bà đã cống hiến, hy sinh rất nhiều, cuộc đời bà như một huyền thoại. Cụ bà Phạm Thị Trinh luôn mãn nguyện với lòng vì đã trọn tình với Đảng, với non sông, đã để lại trong lòng mỗi người, nhất là nhân dân ở quê hương núi Ấn-sông Trà tình cảm quý mến sâu sắc nhất.   

PHƯƠNG LÝ
 

.