Hiệu quả từ công tác "Dân vận khéo"

09:12, 13/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong quá trình lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, những năm qua, huyện Tư Nghĩa đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia công tác “Dân vận khéo”.

TIN LIÊN QUAN

Trong 2 năm qua, huyện Tư Nghĩa đã đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), cải cách hành chính, tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự đô thị, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư trên địa bàn huyện... Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Tư Nghĩa Nguyễn Trúc cho biết: "Huyện đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các mô hình dân vận khéo và đã mang lại nhiều kết quả tích cực".

 

Nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Tư Nghĩa đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố.
Nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Tư Nghĩa đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố.


Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện Tư Nghĩa có 97 mô hình "Dân vận khéo" được đăng ký thực hiện (cấp xã có 76 mô hình, cấp huyện 18 mô hình). Thông qua mô hình, các đơn vị, địa phương đã tuyên truyền, nắm chắc tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tập trung giải quyết những vụ việc bức xúc nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm, nhất là lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, chế độ chính sách...
 

"Việc triển khai thực hiện và nhân rộng các mô hình "Dân vận khéo" trên địa bàn huyện đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương. Đặc biệt, nhiều công trình, dự án bị ách tắc trong khâu giải phóng mặt bằng; một số "điểm nóng" về khai thác đất, cát trái phép; ô nhiễm môi trường... đã được chỉ đạo giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở".

Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Tư Nghĩa NGUYỄN TRÚC

Phong trào thi đua "Dân vận khéo" trên địa bàn huyện Tư Nghĩa được gắn liền với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Vì thế, các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn đã tổ chức công khai các công trình đầu tư, các khoản thu, chi từ dân và các nội dung khác để nhân dân biết, tham gia... Bí thư Huyện ủy Tư Nghĩa đã tổ chức nhiều buổi tiếp xúc, đối thoại với dân và đã chỉ đạo giải quyết nhiều vụ việc kéo dài.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nghĩa Mỹ Đỗ Ngọc Trà cho biết: Khi triển khai phong trào xây dựng NTM địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất là vận động người dân hiến đất mở đường, đóng góp kinh phí để bê tông đường làng, ngõ xóm. Tuy nhiên, lãnh đạo xã đã tổ chức họp dân để lắng nghe tâm tư của dân, trên cơ sở đó tiến hành phân tích những lợi ích của việc xây dựng NTM, làm đường bê tông, nên sau đó người dân đã đồng thuận tham gia.

Đến nay, người dân trong xã Nghĩa Mỹ đã tham gia hàng trăm ngày công, hiến hàng ngàn mét vuông đất vườn, đất sản xuất và chặt bỏ hàng trăm cây lấy gỗ, cây ăn quả, để giải phóng mặt bằng làm đường. Nhờ đó, 100% tuyến đường nông thôn trên địa bàn xã đã được bê tông. Người dân còn thực hiện nhiều mô hình có hiệu quả, như phân loại, xử lý rác thải hộ gia đình; bảo vệ môi trường, vệ sinh đồng ruộng; cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả...

Ở xã Nghĩa Lâm, phong trào "Dân vận khéo" cũng đã lan tỏa sâu rộng trong các đơn vị, hội đoàn thể. Bên cạnh triển khai các phong trào phát triển kinh tế, Hội LHPN xã Nghĩa Lâm còn vận động hội viên tham gia công tác an sinh xã hội. Mới đây, chị Trương Thị Luôn, ở thôn 1, xã Nghĩa Lâm có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được hội hỗ trợ 200.000 đồng/tháng.

Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Lâm Ngô Thị Hiền cho hay: "Khi huy động tiền tiết kiệm để hỗ trợ vốn sản xuất cho các gia đình hội viên, phụ nữ gặp khó khăn, Hội LHPN xã đã phân công từng thành viên đến nhà giải thích từng việc làm để chị em hiểu và tham gia. Nhờ đó, đến nay Hội LHPN xã đã huy động tiết kiệm hơn 770 triệu đồng, cho 142 hội viên, phụ nữ nghèo mượn vốn để phát triển kinh tế...".


Bài, ảnh: TRƯỜNG AN


 


.