KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN CÔNG PHƯƠNG (12.9.1888 - 12.9.2018)
Đồng chí Nguyễn Công Phương: Người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi

10:09, 12/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Niềm tự hào và xúc động trào dâng trong lòng mỗi người, nhất là đối với thế hệ trẻ khi nghe kể câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Công Phương (1888-1972). Cuộc đời của đồng chí trải qua hơn 60 năm đấu tranh cách mạng bền bỉ, liên tục; trong mọi hoàn cảnh, bất chấp mọi hiểm nguy, đồng chí vẫn một lòng yêu nước nồng nàn, quyết đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc.

TIN LIÊN QUAN

Những ngày này, tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Công Phương ở xã Hành Phước (Nghĩa Hành), từng dòng người kính cẩn thắp nén hương tưởng nhớ ông, một tấm gương của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất.

Khắc ghi những cống hiến

Lịch sử đấu tranh cách mạng của đất nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng đã khắc ghi công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Công Phương. Ông quê ở làng Hòa Vinh, nay thuộc xã Hành Phước (Nghĩa Hành).

 

Thủ tướng Phạm Văn Đồng mừng thọ đồng chí Nguyễn Công Phương tròn 80 tuổi (ngày 12.9.1968).    ẢNH: TL
Thủ tướng Phạm Văn Đồng mừng thọ đồng chí Nguyễn Công Phương tròn 80 tuổi (ngày 12.9.1968). ẢNH: TL

 

Năm 1906, Nguyễn Công Phương tham gia Duy Tân hội ở Quảng Ngãi, do Lê Đình Cẩn khởi xướng. Tháng 4.1908, ông bị địch bắt và giam cầm gần 4 năm, đến tháng 2.1912 thì được trả tự do. Ngay khi ra tù, ông tham gia khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục hội. Cuối năm 1926, ông gặp Trần Kỳ Phong để tìm hiểu Chủ nghĩa Mác-Lênin. Với ý thức xây dựng “gia đình cộng sản”, ông lập trại Lò Đo ở châu Minh Long để mọi người cùng làm ăn, sinh sống. Sau một thời gian ngắn, trại bị địch cấm hoạt động.

 

 “…Đồng chí Nguyễn Công Phương là tấm gương của một nhà yêu nước nồng nàn, gian khổ không sờn lòng, khó khăn không nản chí, suốt đời tận tụy vì độc lập, tự do của dân tộc ” (trích điếu văn do đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc tại lễ truy điệu cụ Nguyễn Công Phương, ngày 23.8.1972).

 

Khi Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi ra đời (1930), ông tìm cách liên hệ, tiếp xúc và được giao rải truyền đơn, treo cờ. Ít lâu sau, ông được Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nghiêm giới thiệu và kết nạp vào Đảng. Ngày 13.10.1930, đồng chí được bầu vào Tỉnh ủy và được phân công Dự bị Bí thư. Sau đó, đồng chí bị địch bắt, kết án 7 năm tù, đày đi Buôn Ma Thuột.

Cuối tháng 8 năm 1935, Nguyễn Công Phương trở về quê với lệnh quản thúc vô thời hạn. Về nhà, nhiều nỗi đau thương, mất mát đè nặng trên đôi vai người chiến sĩ cách mạng, vợ và con trai ông bị chết trong thời gian ông bị giam giữ. Nỗi đau riêng hòa lẫn nỗi đau chung của nhân dân và toàn dân tộc đã thôi thúc ông tiếp tục hoạt động cách mạng. Đồng chí tiếp tục xây dựng cơ sở đảng trong tỉnh. Cuối năm 1935-1936, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi được khôi phục, đồng chí giữ chức vụ Bí thư.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, phong trào đấu tranh công khai đòi dân chủ, dân sinh liên tục diễn ra. Tháng 10.1939, đồng chí bị địch bắt, kết án 5 năm tù giam và đưa lên nhà lao Trà Bồng. Tại đây, chi bộ đảng nhà lao được thành lập do đồng chí giữ chức vụ Bí thư. Phát hiện những việc làm của Nguyễn Công Phương, địch đã đưa đồng chí về nhà lao Quảng Ngãi, sau đó đày lên nhà lao Buôn Ma Thuột (năm 1941). Lợi dụng thời cơ Nhật đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương (9.3.1945), Nguyễn Công Phương cùng với những người tù chính trị vượt ngục trở về địa phương.

Ngày 18.4.1945, đồng chí đã có mặt tại quê nhà và tham gia Cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Công Phương làm Chủ tịch UBND cách mạng huyện Nghĩa Hành, sau đó làm Chủ tịch UBND cách mạng tỉnh Quảng Ngãi. Tháng 2.1946, Nguyễn Công Phương được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh. Sau đó, Khu ủy V quyết định điều động đồng chí làm Phó Hội trưởng Hội Liên Việt khu V.

Tại Hội nghị hợp nhất Mặt trận Việt Minh và Liên Việt (5.1951), Nguyễn Công Phương được cử làm Chủ tịch; sau đó đồng chí được bổ sung vào Khu ủy V. Đến tháng 5.1955, Nguyễn Công Phương tập kết ra Bắc, nắm giữ nhiều vị trí quan trọng, góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Tháng 9.1955, đồng chí được bầu làm Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đến năm 1969 là Uỷ viên Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Noi gương người chiến sĩ cộng sản kiên cường

Về vùng đất trung du Nghĩa Hành, chúng tôi bắt gặp niềm tự hào trong cán bộ, đảng viên và nhân dân khi nhắc đến cụ Nguyễn Công Phương. Trên khắp các tuyến đường ở xã Hành Phước rợp cờ đỏ sao vàng. Phó Chủ tịch UBND xã Hành Phước Nguyễn Đức cho hay, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Công Phương, UBND xã phát động trong toàn dân trồng hoa và treo cờ Tổ quốc ở khắp các tuyến đường. Noi gương đồng chí Nguyễn Công Phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hành Phước đoàn kết, quyết tâm giữ vững xã chuẩn nông thôn mới đã đạt được vào năm 2016 và hướng đến xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

 Học sinh Trường THPT Nguyễn Công Phương  tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Công Phương tại phòng truyền thống của trường.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Công Phương tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Công Phương tại phòng truyền thống của trường.


Ở huyện Nghĩa Hành có ngôi trường THPT mang tên đồng chí Nguyễn Công Phương, với gần 800 học sinh đang theo học. Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Phương Nguyễn Thị Kim Mai tâm sự: Các thế hệ thầy và trò nhà trường không ngừng phấn đấu dạy tốt-học tốt để xứng đáng là ngôi trường mang tên đồng chí Nguyễn Công Phương. Trường đã xây dựng phòng truyền thống, ở đó có bức tượng đồng chí Nguyễn Công Phương cùng với nhiều hình ảnh, bút tích của ông. Tấm gương về đồng chí Nguyễn Công Phương là bài học có giá trị sâu sắc để giáo dục học sinh trở thành con ngoan, trò giỏi, mai này giúp ích cho quê hương, đất nước.   

Quê hương Nghĩa Hành đang trên đà phát triển, đời sống của nhân dân được nâng cao. Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Bùi Đình Thời cho biết, huyện luôn chú trọng công tác giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là đối với thế hệ trẻ về tấm gương cao đẹp của đồng chí Nguyễn Công Phương.

Học tập và noi gương đồng chí Nguyễn Công Phương, cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Nghĩa Hành đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để xây dựng quê hương giàu đẹp, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới. Huyện đã hoàn thành 19/19 tiêu chí của huyện nông thôn mới và đang chờ trung ương thẩm định, phê chuẩn, để trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của Quảng Ngãi.


Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ

 


.