Nhớ mùa xuân thành lập Đảng

09:02, 03/02/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Ngày 3.2.1930, tức mồng 5 Tết Canh Ngọ, Bác Hồ đã chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam. 

Trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, đã có biết bao mùa xuân đất nước ta chìm trong bóng đêm nô lệ. Đến những thập niên đầu của thế kỷ XX cảnh lầm than nước mất, nhà tan vẫn là nỗi đau đáu khôn nguôi. Biết bao sĩ phu yêu nước đã tập hợp nhân dân, giương cao ngọn cờ chống giặc ngoại xâm. Nhưng tất cả những cuộc nổi dậy ấy đều bị dìm trong biển máu và lần lượt thất bại, vì thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, thiếu một tổ chức lãnh đạo có khả năng tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc.

Trong bối cảnh đó, bằng lòng yêu nước nồng nàn, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và những kinh nghiệm rút tỉa từ thất bại của các phong trào yêu nước, tháng 6.1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Trong chặng đường bôn ba đến khắp các châu lục, năm 1920 Nguyễn Tất Thành- Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác- Lê nin. Đây không chỉ là bước ngoặt đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, mà còn là bước ngoặt của cách mạng Việt Nam.

Lý luận của chủ nghĩa Mác-Lê nin đã soi rọi cho Bác: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc thì trước hết phải có “Đảng cách mệnh” để “trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Từ nhận thức đó Bác đã ra sức chuẩn bị mọi mặt cho việc thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam, Người từng bước truyền bá có hệ thống chủ nghĩa Mác-Lê nin vào trong nước, đưa phong trào công nhân chuyển dần từ trình độ tự phát lên tự giác; đưa phong trào yêu nước chuyển dần sang lập trường cộng sản. 

Tháng 12.1927, Bác Hồ từ Liên Xô đi Brúc-xen dự khóa họp của Đại hội đồng Liên đoàn chống đế quốc. Đây là tổ chức chống đế quốc rộng rãi đầu tiên trong mặt trận thống nhất giữa giai cấp công nhân thế giới và trí thức tiến bộ thế giới. Sau khóa họp, Bác đi Pháp, rồi sang Đức, qua Thụy Sỹ, Italia, rồi Người đáp tàu Nhật Bản về Xiêm (Thái Lan). Ở đây, Người vận động cách mạng trong bà con Việt Kiều và lập nên Hội Thân ái.

Tháng 3.1929, chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập ở số nhà 5D, Hàm Long, Hà Nội, gồm có Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Văn Tuân và Dương Hạc Đính. Và chỉ trong một thời gian ngắn ở Việt Nam đã có ba tổ chức cộng sản được tuyên bố thành lập. Song sự tồn tại của ba tổ chức cộng sản hoạt động biệt lập trong một quốc gia có nguy cơ dẫn đến chia rẽ lớn. Yêu cầu bức thiết của cách mạng là cần có một Đảng thống nhất lãnh đạo. 

Trong yêu cầu ấy, cuối năm 1929, nhận được liên lạc của Quốc tế cộng sản, Bác Hồ của chúng ta từ một vùng quê ở Thái Lan, đáp xe lửa đi Băng Cốc, rồi đi tàu thuỷ đến Singapore. Tại đây, Người chuyển sang một con tàu khác đi Hồng Kông. Đây là lần đầu tiên sau 18 năm bôn ba đất khách quê người, Bác Hồ lại được nhìn thấy bờ biển của Tổ quốc thấp thoáng nơi chân trời qua cánh cửa con tàu. Nỗi nhớ nước, thương nhà, làm tim Người thắt lại!

Chỉ một tháng trước đó, ngày 11.11.1929, theo lệnh thực dân Pháp, tòa án Nam Triều ở Vinh đã kết án tử hình 7 người Việt Nam yêu nước, trong đó Người bị kết án tử hình vắng mặt. Nửa tháng sau, ngày 27.11.1929, cụ thân sinh ra Bác, phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cũng đã qua đời. Nỗi đau riêng của gia đình hòa trong nỗi đau chung của cả một dân tộc. Và Người đã dự cảm trách nhiệm lịch sử nặng nề đang đặt lên vai những người cộng sản. 

Các đồng chí Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn đã bí mật ra tận cảng biển để đón Bác. Sau khi bàn bạc với các đồng chí của mình, liên lạc với các đồng chí quen biết cũ của Đảng cộng sản Trung Quốc, sau đó Bác quyết định tổ chức Hội nghị hợp nhất các Đảng cộng sản ở Việt Nam vào đúng dịp Tết. Đây là dịp để những đại biểu tham gia Hội nghị có thể đi khỏi đất nước mà ít bị để ý. Còn ở Cửu Long thì một cuộc họp mặt như vậy cũng sẽ có nhiều thuận lợi. Nhưng thực tế để đến được Cửu Long dự hội nghị các đại biểu trong nước cũng đã phải trải qua một hành trình đầy cam go.

Các đồng chí Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh gặp nhau ở Hải Phòng, rồi xuống tàu Liêm Châu. Tàu này có một báo vụ viên là cơ sở Đảng. Ban ngày, các đồng chí phải nằm trong phòng điện đài, đêm đến mới được ra ngoài boong tàu. Tuy vậy, cuối tháng 1.1930, 7 đại biểu đã có mặt tại Cửu Long: Hai đại biểu của Đông Dương cộng sản Đảng, hai đại biểu của An Nam cộng sản Đảng, các đồng chí Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn đại diện cho tổ chức Đảng ở nước ngoài và Bác đại diện cho Quốc tế Cộng sản. Đại biểu của Đông Dương cộng sản liên đoàn không đến kịp. Song không thể chờ đợi được nữa, tranh thủ không khí đón xuân vui tết để che mắt địch, Bác quyết định họp Hội nghị hợp nhất các Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị họp từ ngày 3 đến ngày 7. 2.1930 tại Cửu Long (Trung Quốc) thành lập ra Đảng cộng sản Việt Nam. Thế là từ ngày rời Bến Nhà Rồng năm 1911, ước mơ thiêng liêng của Người đã thành sự thật. Ngày cuối cùng của Hội nghị, Bác tổ chức một bữa cơm liên hoan nhỏ ngay tại phòng ở của mình. Khi các đại biểu đã ngồi xung quanh bàn. Người xúc động nói:

“Các đồng chí! Hôm nay là ngày lịch sử của chúng ta, Lênin vĩ đại đã nói: Chỉ Đảng nào có được một lý luận tiên phong, mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong. Bây giờ chúng ta đã có một Đảng như thế rồi- Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Nhân dân ta từ xưa đã có truyền thống đấu tranh anh dũng, nhưng suốt những năm ấy nhân dân ta lại thiếu người cầm lái sáng suốt. Giờ đây, Đảng của chúng ta phải gánh lấy vai trò này, và tôi tin rằng Đảng ta sẽ dẫn dắt nhân dân ta đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ Quốc thân yêu”.

Kể từ mùa xuân ấy, hơn mười năm sau - Xuân 1941, Bác Hồ mới trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, lời tiên đoán ấy của Người đã thành sự thật, khi một Đảng mới 15 tuổi, chỉ với hơn 5.000 đảng viên, trong vòng nửa tháng, đã lãnh đạo nhân dân ta làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, đánh đổ chế độ thực dân nửa phong kiến, giành lại nền độc lập, tự do, đưa đất nước ta thoát khỏi “đêm trường nô lệ”, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. 

Tròn 24 tuổi, Đảng ta tiếp tục lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp, với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ và việc ký kết Hiệp định Giơnevơ năm 1954 đã chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

45 tuổi, Đảng lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau chiến tranh, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn. Đảng đã lãnh đạo nhân dân vừa ra sức khôi phục kinh tế, vừa tiến hành hai cuộc chiến tranh chống xâm lược ở biên giới phía Bắc và Tây Nam, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Đại hội VI của Đảng (tháng 12.1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Thấm thoắt đã 88 năm trôi qua kể từ mùa xuân lịch sử ấy và theo vòng quay của thời gian, một mùa xuân mới, một năm Ngọ nữa lại về với đất nước, với dân tộc. Nhớ lại mùa xuân đã đặt nền móng cho cách mạng Việt Nam, chúng ta thực sự cảm thấy tự hào về Đảng và nhớ đến công ơn của Bác, cùng xương máu của biết bao thế hệ đã đổ xuống, để tô thắm nền cờ đỏ vinh quang, để dân tộc có được niềm vui trọn vẹn của ngày hôm nay.

Chặng đường mới phía trước chắc chắn sẽ còn nhiều cam go, thử thách và không thể tránh khỏi những vấp váp, sai lầm. Song với bản lĩnh đã được tôi luyện, cùng tinh thần cầu thị, dũng cảm nhận khuyết điểm, yếu kém để củng cố, chỉnh đốn, xây dựng tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh trong đợt sinh hoạt chính trị theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 vừa qua đã một lần nữa Đảng ta khẳng định "đạo đức, văn minh" của mình, củng cố thêm lòng tin yêu của toàn thể nhân dân với Đảng. 

Hiệp Thịnh

 

 

.