Trường Chính trị tỉnh: Đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo

05:09, 28/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với chức năng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước cho cán bộ tỉnh, những năm qua, Trường Chính trị tỉnh đã không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

TIN LIÊN QUAN

Vượt qua khó khăn

Trường Chính trị tỉnh thành lập năm 1995. Trong quá trình phát triển, nhà trường từng bước được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới hiện nay thì cơ sở vật chất của trường chưa đáp ứng được, nhà làm việc, phòng học, hội trường lớn, ký túc xá, trang thiết bị, thư viện, phòng vi tính... đều đã xuống cấp, quy mô không phù hợp.

Đặc biệt, trường thiếu các phòng học đạt chuẩn, phòng hội thảo, phòng học trực tuyến. Do vậy, hiện nay trường chỉ mới đáp ứng được 30% nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức (CB,CCVC).

Ngoài nhiệm vụ đào tạo theo quy định, Trường Chính trị tỉnh còn liên kết đào tạo Cao cấp lý luận chính trị cho cán bộ trên địa bàn tỉnh.
Ngoài nhiệm vụ đào tạo theo quy định, Trường Chính trị tỉnh còn liên kết đào tạo Cao cấp lý luận chính trị cho cán bộ trên địa bàn tỉnh.


Hiện nay, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng CB, CCVC cho tỉnh ngày càng lớn. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2016, trường đã chiêu sinh 7 lớp, với 490 học viên. Nếu tính năm 2015 chuyển sang với 15 lớp/1.235 học viên thì trường đã và đang giảng dạy 26 lớp, với 2.075 học viên. Trong khi chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng hằng năm của trường chỉ 480 học viên. Ngoài ra, trường còn bồi dưỡng cho 300 học viên theo chỉ tiêu UBND tỉnh giao.

Ông Trần Đình Cảm – Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Sau khi thực hiện xong “Đề án xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2007- 2010 và định hướng đến năm 2015", trường đã đánh giá lại tất cả các hoạt động. Qua đó, các mục tiêu của Đề án đã đạt và vượt so với chỉ tiêu, đảm bảo sự phát triển đồng bộ, toàn diện, như bộ máy tổ chức được hoàn thiện, chất lượng nguồn nhân lực được chuẩn hóa và tăng lên đáng kể.

Hiện nay, nhà trường có 52 cán bộ, viên chức, người lao động, trong đó có 27 giảng viên, giảng viên kiêm nhiệm giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Trong 27 giảng viên thì có 1 tiến sĩ, 19 thạc sĩ và 6 cử nhân (số thạc sĩ chiếm 70%, vượt 35% so với Đề án). Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên được quan tâm và có bước phát triển mới về chất lượng. Đa số CCVC của trường đều đạt và vượt trình độ theo quy định.

Đổi mới phương pháp giảng dạy

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng là nhu cầu cấp bách, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội trong tình hình mới. Do đó, Trường Chính trị tỉnh đang lập Đề án "Xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”. Nhà trường xác định mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, trên cơ sở đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng hoàn thiện bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, viên chức quản lý; đổi mới phương pháp tiếp cận, xác định và đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng CB, CCVC của tỉnh...

Ông Trần Đình Cảm cho biết thêm, để thực hiện có hiệu quả việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh, trong giai đoạn đến, nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, đảm bảo sự hài lòng của học viên về dịch vụ công do trường cung cấp. Cập nhật kiến thức mới, bồi dưỡng theo chức danh- vị trí việc làm; bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý; tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ giảng viên theo Đề án vị trí việc làm, kết hợp năng lực, trình độ của từng chức danh nghề nghiệp và tuân thủ nguyên tắc “chuyên môn hóa, nghề nghiệp cao” khi phân công nhiệm vụ, bố trí giảng viên giảng dạy phù hợp để đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

Trường xác định nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng phải được cập nhật kiến thức mới, chú trọng rèn luyện kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý theo hướng học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn; tăng cường trao đổi thông tin hai chiều thông qua các tình huống trong hoạt động quản lý xã hội... Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, ngoài sự quản lý, điều hành của lãnh đạo nhà trường, nỗ lực đổi mới của giảng viên thì tỉnh cần quan tâm đầu tư hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học.


Bài, ảnh: X.THIÊN


 


.