"Cầu nối" lòng dân với ý Đảng

02:11, 28/11/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Người dân xem ông như đầu tàu dẫn dắt buôn làng, vượt qua những bộn bề khó khăn nơi đại ngàn heo hút để vươn lên trong cuộc sống. Ông còn được ví như “cầu nối” đắc lực gắn kết lòng dân với ý Đảng.
Hết lòng vì quê hương
 
“Nóc ông Đến” là cụm từ thân thuộc mà đồng bào ở tổ 4, thôn 2, xã Trà Giang (huyện Trà Bồng) dùng để định danh nơi mình sinh sống. Họ ưu ái mượn tên của ông - Hồ Văn Đến (58 tuổi) - già làng uy tín, một “cánh chim đầu đàn” trong thôn.
 
Vùng đất này trước kia vốn là căn cứ cách mạng, nuôi giấu cán bộ thời chống Pháp, Mỹ của Quảng Ngãi. Hầu hết đồng bào Cor sống ở đây đều có người thân tham gia cách mạng, trong đó có gia đình già Đến.
 
14 tuổi, già Đến thoát ly gia đình nhập ngũ vào Quân khu 5. Sau đó một thời gian, già được phân về bộ phận thông tin liên lạc ở Khu Sơn Trà (nay là thôn Trà Veo, xã Trà Xinh) để hoạt động.
 
Hòa bình lập lại, già Đến về lại địa phương làm việc với cương vị ban đầu là một kiểm lâm viên thuộc Hạt kiểm lâm huyện Trà Bồng, rồi sau đó  kinh qua nhiều vị trí quan trọng khác trong bộ máy chính quyền xã như:  Bí Thư Đoàn Xã, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Phó Chủ tịch UBND xã rồi Chủ tịch UBMTTQVN xã.
 
Ở cương vị nào, già Đến cũng luôn thể hiện mình là người có năng lực, nhiệt tình, hết lòng vì người dân, quê hương. Khoảng thời gian già công tác tại xã, nhiều lần huyện định rút về trên nhưng địa phương một mực không cho đi vì lý do “già Đến là cánh tay đắc lực, nó mà đi thì xã mất nhờ”.
 
Già Đến giữ vai trò đắc lực trong việc kết nối ý Đảng với lòng dân.
Già Đến giữ vai trò đắc lực trong việc kết nối ý Đảng với lòng dân.
 
Trước sự tin yêu sâu sắc mà quê hương ưu ái dành cho mình, không chần chừ, già Đến quyết định bám trụ luôn lại ở nơi “chôn rau, cắt rốn” để tiếp tục cống hiến hết sức mình. Mãi đến năm 2014, ông chính thức về hưu, được giao đảm nhận làm Bí thư chi bộ thôn 2, xã Trà Giang và giữ vai trò là già làng uy tín.
 
Người thích "khổ" vì dân
 
Tổ 4, thôn 2, xã Trà Giang có 15 hộ dân với 56 nhân khẩu, nhìn chung đời sống của người dân còn nghèo khổ. Già Đến không khỏi chạnh lòng với cảnh tượng người dân thiếu ăn thiếu mặc, sống biệt lập giữa nơi chỉ có rừng và thú dữ. Càng thương dân mình bao nhiêu thì già Đến càng ấp ủ hi vọng, hoài bão thay đổi bản làng bấy nhiêu. Già Đến giúp đồng bào trong thôn từ những việc nhỏ nhặt nhất.
 
Bà Hồ Thị Út Sơn, vui vẻ cho biết: "Có gì khó khăn, mình và bà con đều nhờ già Đến thôi. Cái bụng già Đến tốt lắm, biết thương người nghèo lắm!”.
 
Hằng tuần, già lên xuống không dưới 2 bận. Thứ nhất là đưa con cháu rời núi xuống ở nhờ nhà người thân theo học cái chữ. Rồi kiêm cả việc “đi chợ” giúp bà con, ai gửi gì ông mua nấy rồi cõng gùi lên bản. Già tâm sự: “Cái quãng đường ấy thật quá sức của những người cao tuổi như mình. Nhưng biết làm sao. Phải đi thôi, đi mới đem tiến bộ về cho dân làng được”.
 
Tranh thủ có những cuộc họp dưới xã, già Đến thu thập nhiều thông tin bổ ích, ghi chép cẩn thận những kinh nghiệm từ các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt để về kể cho đồng bào nghe. Già truyền đạt lại để họ vận dụng để phát triển kinh tế. "Nhờ già Đến mà cây keo, quế, bắp, lúa sinh trưởng phát triển xanh tốt, cho năng suất cao, đồng bào có của ăn của để, thoát khỏi vòng lẩn quẩn thiếu lương thực", anh Hồ Văn Linh bộc bạch.
 
Với những cống hiến của mình, già Đến vinh dự Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc trao tặng Bằng khen.
Với những cống hiến của mình, già Đến vinh dự Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc trao tặng Bằng khen.
 
Ban đầu làm công tác tuyên truyền trên này khá vất vả. Theo như già Đến, ở những nơi khác chỉ cần nói là người dân đã hiểu, vì họ được cập nhật thông tin thường xuyên qua các phương tiện thông tin đại chúng. Còn người dân quê ông, do phải sống biệt lập nhiều năm nên họ không biết gì nhiều về thế giới bên ngoài. 
 
Không chùn bước, nản lòng, già Đến vẫn ngày ngày lặng lẽ đem chủ trương của Đảng, Nhà nước về trao đổi lại với dân làng. Tại các buổi họp của thôn, già thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là dịp để già lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, tìm cách giải quyết mâu thuẫn, vướng mắc. 
 
Chỉ có đoàn kết thì mới chiến thắng được mọi trở ngại, già Đến luôn nhắc nhở các hộ trong thôn phải biết đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, phải sống cho tốt, không được phạm pháp. Việc làm đó đem lại hiệu quả tích cực, mấy chục năm, trên địa bàn không xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, đời sống văn hóa của đồng bào ngày càng được nâng cao.
 
Phó Bí thư xã Trà Giang Hồ Văn Trường khâm phục: "Già Đến như cánh tay đắc lực của xã Trà Giang và dân làng ở đây. Nếu không có ông, việc quản lý các hộ dân ở đây sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Cũng nhờ già mà đồng bào biết đoàn kết vươn lên trong cuộc sống. Có không ít người trong thôn học hỏi theo tấm gương của già mà nên người, được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Hiện toàn thôn có 9 đảng viên, riêng tổ 4 có 4 đảng viên".
 
Năm 2015, với những đóng góp của mình, già Đến vinh dự được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011- 2015.
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

.