Mùa Xuân và nỗi nhớ

10:01, 30/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cứ mỗi độ hoa mai chớm nụ là nỗi nhớ lại ùa về trong tâm trí của những chiến sĩ cách mạng năm xưa. Mùa xuân năm ấy họ đã tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy, giáng đòn sấm sét bất ngờ xuống các sào huyệt, căn cứ của quân thù.

Tết Mậu Thân năm 1968 đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc. Tại Quảng Ngãi, vào tháng 12.1967, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Khu ủy V, Tỉnh ủy đã họp và ra nghị quyết động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh nỗ lực phi thường, quyết tâm cao độ thực hiện nhiệm vụ tổng tiến công và nổi dậy trên chiến trường bằng nhiều mũi giáp công.

Ký ức người lính già

Tết này, các đồng chí nguyên là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 81 bộ binh tỉnh đón tin vui vì đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Vừa gặp chúng tôi, đại tá Phan Long Châu (72 tuổi, Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn 81, hiện ở phường Trần Hưng Đạo, TP.Quảng Ngãi) vui mừng bảo: “Tôi mới nhận được tin từ các đồng chí ở Hà Nội. Đơn vị vừa có quyết định phong tặng danh hiệu anh hùng”. Quả đúng là tin vui đặc biệt, bởi đây là phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng để ghi nhận công lao to lớn của Tiểu đoàn 81. Trong suy nghĩ của lớp trẻ chúng tôi, mỗi cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 81 đều là anh hùng, họ đã chẳng tiếc máu xương vì nền hòa bình, độc lập của dân tộc.

 

 Người dân thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ hy sinh trong trận Tết  Mậu Thân 1968 tại tượng đài tưởng niệm ở phường Nguyễn Nghiêm, TP.Quảng Ngãi.                                                      Ảnh: P.LÝ
Người dân thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ hy sinh trong trận Tết Mậu Thân 1968 tại tượng đài tưởng niệm ở phường Nguyễn Nghiêm, TP.Quảng Ngãi. Ảnh: P.LÝ

Mùa xuân năm 1968, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 81 cùng với các lực lượng vũ trang tấn công sâu trong lòng địch ở thị xã Quảng Ngãi. Mặc cho mưa bom bão đạn, mặc cho cái chết cận kề, họ đã anh dũng chiến đấu, chiếm từng công sự, góc nhà…
 
Đúng 2 giờ 30 phút sáng ngày 31.1.1968, các lực lượng vũ trang trong tỉnh đồng loạt nổ súng vào thị xã, thị trấn và các vùng phụ cận mở màn cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Quân và dân ở tỉnh ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 4.000 tên Mỹ-ngụy, bắt sống 482 tên, phá hủy 88 xe quân sự, bắn rơi và cháy 34 máy bay… làm rối loạn toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch. Đây là một đòn tiến công lớn, cùng với quân và dân cả nước đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và đàm phán với ta tại Paris
Trong không khí của ngày Tết đang đến rất gần, đại tá Châu nhớ lại trận chiến oanh liệt năm xưa. Ông kể, trận Tết Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn 81 nhận nhiệm vụ đánh vào ban chỉ huy Quân đoàn 4 của Sư đoàn 2 ngụy đóng tại nam sân bay Quảng Ngãi và chiến đoàn thiết giáp sa vận ở sân bay. Ông Châu khi ấy chỉ mới 24 tuổi, là chính trị viên phó Tiểu đoàn 81. “Trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt. Anh em đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường… Bộ phận trinh sát của đơn vị đã luồn sâu, tiêu diệt 3 máy bay, đốt cháy kho xăng, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 83, D20 từ các hướng đánh chiếm các khu vực quy định”, đại tá Châu nhớ lại.

Đại tá Phan Long Châu kể cho chúng tôi nghe về đồng chí, đồng đội trong trận đánh năm xưa. Ông kể rằng, khi ấy ông cùng với anh Tống-chính trị viên tiểu đoàn, anh Mai-tiểu đoàn trưởng chuẩn bị băng qua giao thông hào thì bất ngờ địch bắn đại liên, anh Mai nằm im dưới mặt đất. Đồng chí Bốn-Trung đội trưởng thông tin báo cáo: “Anh Mai đã hy sinh”. “Không, tui còn sống”, anh Mai đã vùng dậy và hô lớn. Sau đó anh em tiếp tục tấn công tiêu diệt địch. Vừa kể, đại tá Châu vừa cười, vừa ngân ngấn nước mắt vì nhớ đồng chí của mình. Ông bảo quý nhất là tinh thần chiến đấu quên mình của các cán bộ, chiến sĩ. Ai cũng nung nấu quyết tâm đánh tan giặc Mỹ, trả thù cho đồng bào, đồng chí, giành lại hòa bình, độc lập cho quê hương, đất nước. Nói rồi, đôi mắt ông đượm buồn. “Nhiều đồng chí đã hy sinh.

 Đồng chí Hà Hữu Bằng (quê ở xã Tịnh Bình, Sơn Tịnh), Đại đội trưởng đại đội 2 đang đứng ở giao thông hào thì trúng đại liên của địch từ trên máy bay bắn xuống. Nước ở giao thông hào lên tới bụng. Tôi ôm Bằng đặt lên bờ hào…”, đại tá Châu bùi ngùi kể.

Tết nhớ người thân
Ông Phan Long Châu.                                                              Ảnh: N.T
Ông Phan Long Châu. Ảnh: N.T


Đối với những chiến sĩ cách mạng, anh em trong cùng một đơn vị chiến đấu nghĩa tình sâu nặng như người thân ruột thịt. Không chung huyết thống, nhưng ở họ cùng chung lý tưởng cách mạng. Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thiều Quang Lĩnh (khi ấy là Trung đội trưởng thuộc Đại đội thông tin liên lạc, Trung đoàn 238, đơn vị được thành lập để đánh vào thị xã Quảng Ngãi Tết Mậu Thân 1968) thường xuyên về các địa phương để tìm lại những nơi mà đơn vị của ông từng ở, từng đi qua. Ông cho biết, cứ đến dịp Tết anh Nguyễn Văn Ty (hiện ở xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa) lại điện thoại cho ông. Mỗi lần hàn huyên cả hai lại nhắc đến trận Tết Mậu Thân 1968. “Anh em ngày ấy chia lửa với nhau, cùng sống chết với nhau. Gian khó ác liệt thế nào, hễ nhiệm vụ trên giao là hoàn thành”, ông Lĩnh nói.  

Đối với đại tá Phan Long Châu, dù đã ở cái tuổi thất thập hy, nhưng mỗi lần nhắc đến đồng chí, đồng đội thì dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, ông cũng ngân ngấn nước mắt. Năm nào cũng vậy, sáng mồng 1 Tết ông Châu lại lên Quảng Phú, nơi có ngôi mộ tập thể của các đồng chí ở Tiểu đoàn 81 hy sinh trong trận Mậu Thân năm 1968, để thắp hương. Mỗi lần lên thắp hương là mỗi lần ông ngồi thật lâu bên đồng đội của mình. Bao ký ức lại cứ ùa về trong tâm trí của người lính già…


Phương Lý



 


.