Nguyện vọng của người dân chưa được giải quyết

04:12, 18/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nằm ven sông Trà Khúc, cứ mỗi mùa mưa lũ, gần 200 hộ dân ở thôn Nam Phước, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) lại phập phồng lo sợ. Bởi chỉ cần lũ mức báo động 2 là cả thôn bị cô lập. Vì thế, nhiều năm nay, người dân và chính quyền địa phương luôn kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư xây dựng cho thôn 1 nhà tránh lũ; đồng thời xây dựng nâng cao cầu Sông Cùng nhằm tạo điều kiện để nhân dân tránh trú, di chuyển tài sản, gia súc, gia cầm trong mùa mưa lũ, nhưng vẫn chưa được thực hiện.

Nhớ lại trận lũ lịch sử năm 2013, ông Trần Ngọc Kiều vẫn còn kinh hoàng khi trong vòng 2 tiếng đồng hồ, nhà ông đã ngập gần 2m. “Dân chúng tôi nằm trong vùng trọng điểm chịu nhiều thiệt hại nặng nề về người và tài sản mỗi khi có thiên tai, lũ lụt xảy ra nên hầu như nhà nào cũng có gác tránh lũ. Mấy năm trước thì không sao nhưng năm vừa rồi lũ xảy ra quá bất thường, bất ngờ nước lên nhanh làm bà con không kịp trở tay.

Vì mặt cầu Sông Cung quá thấp nên mỗi khi ngập nước , người dân lại di chuyển trên chiếc cầu tạm bợ rất nguy hiểm .
Vì mặt cầu Sông Cung quá thấp nên mỗi khi ngập nước , người dân lại di chuyển trên chiếc cầu tạm bợ rất nguy hiểm .


Gần 200 nhà mà chỉ có 4-5 nhà còn thấy nóc, gà vịt chuẩn bị bán Tết chết sạch, mì chuẩn bị thu hoạch thì ngập úng hoàn toàn. Cũng may có mấy chiếc ghe của xã, của thôn vận chuyển những gia đình ở vùng trũng kịp thời nên không có thiệt hại về người, nhưng hầu như gia đình nào cũng bị thiệt hại về tài sản. Do đó, điều chúng tôi mong nhất vẫn là có một nhà tránh lũ cho thôn để di chuyển kịp thời, tránh thiệt hại cho bà con”, ông Kiều cho biết.

Còn ông Đặng Văn Thám, người bị thiệt hại hơn 1ha mì trong trận lũ năm trước (trị giá 50 triệu đồng) thì trăn trở: Sản xuất nông nghiệp ở đây rất phập phồng mỗi khi có mưa lũ. Thu hoạch xong đưa về nhà cũng chưa hết lo. Bởi đây là vùng trũng, lại không có nhà tránh lũ nên khi lũ về không sao di chuyển kịp.

Ông Bùi Trung Nhị - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận cho biết: Mong muốn của người dân thôn Nam Phước rất chính đáng, vì đây là vùng trọng điểm chịu nhiều thiệt hại mỗi khi bão lũ. Lũ ở mức báo động 2 là nước dâng gây cô lập, người dân phải dùng ghe để di chuyển, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Nhiều năm nay, trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, kể cả đối thoại với Bí thư Huyện ủy, người dân cũng kiến nghị vấn đề này và các đại biểu cũng ghi nhận ý kiến, nhưng rồi vẫn chưa thấy trả lời, mặc dù địa điểm đã được chọn xây dựng tại khu Gò Miễu. Về phía chính quyền địa phương thì ngân sách không đảm bảo để đầu tư, do đó rất mong các cấp có thẩm quyền quan tâm đến nguyện vọng, lợi ích chính đáng của người dân thôn Nam Phước.

Không chỉ mong muốn có nhà tránh lũ mà người dân thôn Nam Phước mong Nhà nước đầu tư nâng cao cầu Sông Cùng để người dân thuận tiện đi lại. Vì mặt cầu quá thấp nên chỉ cần một trận mưa lớn là ngập trên 1m. Điều đáng lo ngại là, mỗi khi nước ngập, người dân trong vùng phải di chuyển trên chiếc cầu bắc qua sông rất tạm bợ, được dựng bởi các trụ điện cũ kỹ, gây nguy hiểm cho tính mạng của người dân, nhất là học sinh. Theo chính quyền địa phương, việc đi lại của người dân trên chiếc cầu tạm đã có trên chục năm nay, dù biết nguy hiểm nhưng không có lựa chọn nào khác, vì đây là con đường duy nhất đến trung tâm xã, trường học…

“Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, năm nào chính quyền xã, thôn cũng vận động nhân dân vớt bèo bám quanh trụ điện, tránh ngã đổ. Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài thì phải sửa chữa nâng cấp cầu để tạo thuận lợi cho người dân địa phương”, ông Nhị nói.


Bài, ảnh: THANH THUẬN
 


.