Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Nghiêm (8.10.1904 – 8.10.2014)
Tấm gương kiên trung vì Đảng, vì dân

01:10, 08/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong thiên sử vàng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi rất tự hào là địa phương luôn đi đầu trong phong trào đấu tranh cách mạng. Trong thành tích to lớn, vẻ vang và rất tự hào của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi từ năm 1930 đến nay, Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta  trân trọng đánh giá cao công lao to lớn, một lòng trung kiên với Đảng, với dân tộc và tấm gương hy sinh lẫm liệt của đồng chí Nguyễn Nghiêm - Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi.

TIN LIÊN QUAN

 

Đồng chí Nguyễn Nghiêm
Đồng chí Nguyễn Nghiêm

Đồng chí Nguyễn Nghiêm sinh năm 1904 tại làng Tân Hội, nay thuộc xã Phổ Phong (Đức Phổ). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước, trước cảnh nước mất nhà tan, đồng chí sớm tham gia các hoạt động yêu nước chống thực dân Pháp khi mới 14 tuổi. Đồng chí biết đến Chủ nghĩa cộng sản thông qua tiếp xúc với cụ Trần Kỳ Phong và được nghe nhà cách mạng lão thành đề cập và ca ngợi chủ nghĩa Mác, cách mạng vô sản ở Nga. Năm 1925, đồng chí cùng các đồng chí Nguyễn Thiệu, Trần Kỳ Truyện thành lập tổ chức Công Ái xã, một tổ chức thanh niên yêu nước, để tuyên truyền, giáo dục cho tầng lớp thanh niên những tư tưởng cách mạng mới. Đến năm 1927, đồng chí chuyển hướng hoạt động, gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và tham gia thành lập, lãnh đạo tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Quảng Ngãi vào cuối năm 1927.

Đến năm 1929, Tỉnh Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ngày càng phát triển, khắp các làng xã ở Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ đều có chi hội. Yêu cầu đặt ra lúc bấy giờ là phải nhanh chóng xúc tiến thành lập một tổ chức Cộng sản để tạo sự thống nhất trong lãnh đạo cách mạng toàn tỉnh. Tại cuộc họp của Tỉnh Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tổ chức vào tháng 7.1929 tại núi Xương Rồng (huyện Đức Phổ), đã quyết định thành lập tổ chức “Dự bị Cộng sản” do đồng chí Nguyễn Nghiêm phụ trách, làm nhiệm vụ vận động thành lập Đảng bộ Cộng sản tỉnh Quảng Ngãi.

Ngay khi nhận được tin Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, đồng chí Nguyễn Nghiêm đã bắt liên lạc với Đảng. Tháng 3.1930, trong cuộc họp của tổ chức “Dự bị Cộng sản” tại làng Tân Hội, xã Phổ Phong (Đức Phổ) do đồng chí triệu tập và chủ trì, đồng chí đề xuất ý kiến chuyển tổ chức Dự bị Cộng sản của Quảng Ngãi thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi và được các đại biểu tán thành. Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi được thành lập gồm 5 đồng chí Tỉnh ủy viên đầu tiên: Nguyễn Nghiêm, Trần Hàm, Trần Thị Hiệp, Phạm Viết My và Nguyễn Tín do đồng chí Nguyễn Nghiêm làm Bí thư lâm thời. Đến tháng 6.1930, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I tổ chức tại làng Hùng Nghĩa, xã Phổ Phong, được sự tín nhiệm của các đại biểu dự họp, đồng chí Nguyễn Nghiêm được bầu giữ chức vụ Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh.

 Đầu tháng 8.1930, sau khi nhận được Chỉ thị của Xứ ủy Trung Kỳ về phát động cuộc đấu tranh trên toàn quốc để ủng hộ Xô Viết - Nghệ Tĩnh, với nhận định đúng đắn rằng tính chất của giai đoạn đấu tranh mới không chỉ dừng lại ở các hình thức đấu tranh chính trị, míttinh mà quyết liệt hơn, đấu tranh trực diện với kẻ thù, đồng chí lập tức triệu tập cuộc họp Tỉnh ủy để thống nhất kế hoạch phát động và lãnh đạo cuộc đấu tranh trong toàn tỉnh, lấy Đức Phổ làm điểm khởi đầu. Đêm ngày 7 rạng sáng ngày 8.10.1930, đồng chí Nguyễn Nghiêm trực tiếp lãnh đạo hơn 5.000 người dân xuống đường biểu tình, chiếm và làm chủ Huyện đường Đức Phổ trong ngày 8.10.1930. Cuộc biểu dương lực lượng có quy mô lớn đầu tiên của nhân dân Đức Phổ do Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát động và đồng chí Nguyễn Nghiêm trực tiếp lãnh đạo giành thắng lợi đã cổ vũ tinh thần đấu tranh và củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh mới thành lập, đồng thời mở đầu một cao trào cách mạng mới đang dâng lên mạnh mẽ trong toàn tỉnh.

Ngày 6.3.1931, trên đường đi nắm tình hình, đồng chí Nguyễn Nghiêm bị địch bắt tại cấm Ông Nghè, thôn Năng Tây, xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa). Hơn một tháng bị giam cầm, tuy luôn bị Công sứ  Pháp và Tuần vũ Nguyễn Bá Trác nhiều lần trực tiếp dụ dỗ và dùng mọi cực hình tra tấn, nhưng đồng chí Nguyễn Nghiêm vẫn giữ vững tinh thần trung kiên, bất khuất. Sáng sớm ngày 23.4.1931 (6.3 âm lịch), đế quốc Pháp đã đưa đồng chí Nguyễn Nghiêm ra xử chém tại bờ nam sông Trà Khúc. Trước lúc hy sinh, đồng chí đã gởi lại cho đồng chí, đồng bào những câu thơ động viên giữ vững tinh thần, tiếp tục đấu tranh cách mạng và tin tưởng vào ngày toàn thắng: Noi gương kẻ trước thờ non nước/ Tiếp chí người sau rửa hận thù/ Lá cờ giai cấp bền tay phất/ Lưỡi kiếm anh hùng cố điểm tô/ Rồi đây bão táp vùi thây giặc/ Việt Nam độc lập đẹp muôn thu.

 Tấm gương hy sinh oanh liệt, dũng cảm của đồng chí khi vừa tròn 27 tuổi đã để lại sự khâm phục, niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào, đồng chí và nhân dân. Thương nhớ người chiến sĩ Cộng sản trung kiên, nhân dân đã bí mật chôn cất đồng chí tại bãi Tàu Tượng (nay thuộc phường Lê Hồng Phong, TP.Quảng Ngãi). Đến năm 1983, Tỉnh ủy Nghĩa Bình đã tổ chức di dời mộ của đồng chí về Nghĩa trang Liệt sĩ Núi Bút, thành phố Quảng Ngãi.

Ghi nhận công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Nghiêm đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, sau khi thống nhất Tổ quốc vào ngày 30.4.1975, tỉnh ta đã đề nghị Chính phủ lấy tên đồng chí Nguyễn Nghiêm đặt tên 1 phường trung tâm của thị xã Quảng Nghĩa (nay là thành phố Quảng Ngãi). Nhiều trường tiểu học, THCS, đường phố của TP.Quảng Ngãi, huyện Đức Phổ, Ba Tơ và một số huyện được mang tên đồng chí Nguyễn Nghiêm. Năm 1986, Tỉnh ủy Nghĩa Bình quyết định xây dựng Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm tại quê nhà, thôn Tân Hội, xã Phổ Phong (Đức Phổ), thể hiện lòng tri ân của Đảng bộ và nhân dân đối với đồng chí, đồng thời nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

THANH AN

 


.